Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. (Ảnh: VGP).
Theo lịch trình nội bộ mà hãng tin Reuters có được, trong tuần này, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ tham gia cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent và gặp gỡ giám đốc cấp cao của Boeing, SpaceX và Apple.
Cụ thể, Phó Thủ tướng sẽ có cuộc gặp khoảng 45 phút với ông Bessent tại Bộ Tài chính Mỹ vào lúc 16h ngày 9/4 (tức khoảng 3h sáng ngày 10/4 theo giờ Việt Nam).
Một quan chức cấp cao của Mỹ đã xác nhận cuộc họp, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết hoặc chủ đề của sự kiện này. Reuters lưu ý kế hoạch nội bộ nêu trên vẫn có thể thay đổi.
Một nguồn tin khác của Reuters cho biết mục đích của cuộc họp là tổ chức các cuộc đàm phán về khả năng điều chỉnh mức thuế quan đối ứng 46% mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lên Việt Nam.
Ngay sau cuộc họp với Bộ trưởng Bessent, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc có kế hoạch gặp giám đốc cấp cao của nhà sản xuất máy bay Boeing vào lúc 17h và tham dự lễ ký kết thoả thuận giữa hãng hàng không Việt Nam Vietjet và quỹ đầu tư KKR.
Theo thông tin từ Reuters, Vietjet sẽ ký một thỏa thuận tài chính trị giá 200 triệu USD với một đối tác của quỹ đầu tư KKR, với sự tham dự của Boeing. Thỏa thuận tài chính này nhằm hỗ trợ hoạt động mua máy bay của Vietjet.
Một ngày sau, Phó Thủ tướng dự định sẽ gặp gỡ các giám đốc của công ty hàng không vũ trụ SpaceX. SpaceX có kế hoạch cung cấp dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam sau khi được phía Việt Nam hỗ trợ để hoàn thành các thủ tục liên quan.
Theo lịch trình, cuộc gặp với SpaceX đang chờ xác nhận.
Lịch trình trên cũng cho thấy Phó Thủ tướng sẽ gặp các giám đốc của Apple vào ngày 10/4 và gặp mặt các doanh nghiệp Mỹ khác có hoạt động sản xuất tại Việt Nam, bao gồm Intel và Coca Cola.
Hiện tại, chính quyền ông Trump đang sắp xếp lịch đàm phán với các đối tác thương mại. Hôm 8/4, ông chủ Nhà Trắng tiết lộ triển vọng đạt một thoả thuận thương mại với Hàn Quốc “có vẻ tốt” sau cuộc điện đàm với quyền Tổng thống Han Duck-soo và các quan chức Nhật Bản đang lên máy bay để đàm phán.
Theo lời ông Trump, hai quốc gia châu Á đang đưa ra những nhượng bộ, bao gồm các vấn đề bên ngoài lĩnh vực thương mại và thuế quan. Các nhượng bộ đó vượt xa những gì có thể xảy ra nếu Mỹ không áp thuế quan.
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng sẽ mất thời gian để đàm phán thoả thuận thương mại riêng với gần 70 quốc gia đã liên hệ trong tuần qua để làm việc cùng Mỹ.
Trước đó, phát biểu tại sự kiện trong khuôn viên Nhà Trắng vào ngày 2/4, Tổng thống Trump thông báo sẽ áp thuế tối thiểu 10% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ. Mức thuế này đã hiệu lực từ ngày 5/4.
Khoảng 60 đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ sẽ chịu mức thuế cao hơn. Đơn cử, Trung Quốc sẽ chịu thuế đối ứng 34%, trong khi Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam lần lượt bị áp thuế 20% và 46%. Các mức thuế này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 9/4.
Sau khi phía Mỹ công bố thuế quan đối ứng, Việt Nam đã yêu cầu Mỹ hoãn việc thực thi chính sách này.
Tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump. Trong đó, Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa Mỹ và đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Đồng thời, Tổng Bí thư nhấn mạnh Việt Nam cũng sẽ tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà nước ta có nhu cầu và khuyến khích cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.
Vào năm ngoái, Mỹ nhập khẩu 136,5 tỷ USD hàng hoá của Việt Nam, trong khi xuất khẩu sang nước ta 13 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đạt 123,4 tỷ USD, xếp thứ ba trong số các đối tác mà Mỹ có thâm hụt thương mại.
Trung bình mỗi tháng, các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam hơn 1,1 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hơn 11,3 tỷ USD hàng hoá, dẫn đến thâm hụt khoảng 10,2 tỷ USD, theo số liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ.
Lần gần đây nhất Mỹ ghi nhận thặng dư thương mại với Việt Nam là vào năm 1996 với kim ngạch xuất khẩu khoảng 617 triệu USD và nhập khẩu khoảng 332 triệu USD, tương ứng mức thặng dư 285 triệu USD.