Mỹ khởi động chiến dịch vắc xin lịch sử mang 'niềm hy vọng' tới người dân

Mỹ đã bắt đầu đóng gói lô vắc xin Covid-19 đầu tiên vào lúc 6h30 sáng Chủ nhật 13/12 (theo giờ Mỹ). Sau khi được cấp phép sử dụng khẩn cấp, vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer và BioNTech đã bắt đầu được hàng đoàn xe tải, máy bay vận chuyển tới mọi miền đất nước nhằm kiểm soát đại dịch đang làm cho 3.000 người Mỹ tử vong mỗi ngày.
Máy bay, xe tải mang 'niềm hi vọng vắc xin' tới hàng triệu người Mỹ - Ảnh 1.

Xe tải đang lùi vào nhà kho của Pfizer để bắt đầu nhận hàng, ngày 11/12/2020. (Ảnh: Reuters).

Niềm hi vọng vắc xin

Các công nhân đeo khẩu trang tại một nhà máy của tập đoàn dược phẩm Pfizer ở bang Michigan đã bắt đầu đóng gói lô vắc xin Covid-19 đầu tiên vào lúc 6h30 sáng Chủ nhật 13/12 (theo giờ Mỹ).

Sau đó, xe tải chở theo vắc xin trong các thùng được bảo quản lạnh đặc biệt dưới âm 70 độ C đã lăn bánh rời khỏi nhà máy Kalamazoo, Michigan và được hộ tống bởi các nhân viên an ninh mặc áo chống đạn. 

Theo Reuters, những liều vắc xin đầu tiên này sau đó sẽ được chất lên các máy bay chở hàng của FedEx và United Parcel Service (UPS) và đưa đến khắp nơi trên nước Mỹ.

"Ngày hôm nay chúng tôi không chỉ chở hàng mà còn đang mang đến niềm hi vọng", ông Andrew Boyle - đồng Giám đốc của Boyle Transportation nói. Công ty của ông Boyle được UPS thuê để vận chuyển vắc xin từ nhà máy của Pfizer đến một máy bay đang đợi sẵn ở thành phố Lansing, Michigan.

Bà Bonnie Brewer, 56 tuổi, một trong những người làm việc tại Boyle Transportation cho biết bà đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong vận chuyển thuốc hóa trị ung thư cùng nhiều loại thuốc cứu người khác và do vậy bà không quá bỡ ngỡ với việc xử lí lô hàng vắc xin Covid-19.

Máy bay, xe tải mang 'niềm hi vọng vắc xin' tới hàng triệu người Mỹ - Ảnh 2.

Một lô vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer được hãng hàng không United Airlines đưa đến sân bay O'Hare, Chicago, bang Illinois. (Ảnh: Reuters).

Các bệnh viện trên khắp nước Mỹ đang chuẩn bị để tiêm những liều vắc xin đầu tiên vào thứ Hai 14/12 (theo giờ Mỹ). Để tiêm chủng cho hầu hết người dân Mỹ có thể sẽ mất nhiều tháng. 

Các nhân viên y tế và người cao tuổi sống trong viện dưỡng lão sẽ được ưu tiên tiêm phòng trước. Vắc xin của Pfizer và BioNTech cần được tiêm hai lần, mỗi lần cách nhau ba tuần. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy loại vắc xin này có hiệu quả phòng bệnh lên tới 95%. 

Nhiều thách thức phía trước

Điều kiện bảo quản khắt khe - dưới âm 70 độ C - là một điểm trừ lớn của vắc xin Pfizer-BioNTech. Nhiệt độ này lạnh hơn cả ở Nam Cực băng giá và nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa của nước Mỹ không có kho lạnh đáp ứng được yêu cầu.

Máy bay, xe tải mang 'niềm hi vọng vắc xin' tới hàng triệu người Mỹ - Ảnh 3.

Một tủ bảo quản vắc xin Covid-19 của Pfizer hiển thị nhiệt đô siêu lạnh âm 80 độ C. (Ảnh: Reuters).

Chính quyền liên bang đang điều phối hoạt động phân phối tới khoảng 600 điểm trên khắp nước Mỹ, nhưng chính quyền của từng bang sẽ quyết định phương án tiểm chủng cụ thể và chịu trách nhiệm về các chi phí liên quan. 

Trong bối cảnh hoạt động kinh tế đình trệ vì đại dịch, nguồn thu của nhiều bang sụt giảm mạnh. Ngược lại, chi phí cho y tế, trợ cấp thất nghiệp lại tăng vọt. Chính quyền các bang đang thiếu ngân sách trầm trọng nhưng Quốc hội liên bang vẫn đang bế tắc trong đàm phán gói giải cứu kinh tế.

Cả hai đảng trong quốc hội đều có vẻ thống nhất với qui mô dự luật ở khoảng hơn 900 tỉ USD nhưng bất đồng về các chi tiết. Đảng Dân chủ muốn cấp thêm ngân sách cho các bang và địa phương còn Đảng Cộng hòa thì nhất quyết không.

Theo CNBC, nếu không được chính quyền liên bang hỗ trợ, các bang và địa phương sẽ không có ngân sách để mở rộng nguồn nhân lực, cải thiện hệ thống quản lí dữ liệu, chi trả cho các kho bảo quản siêu lạnh và tuyên truyền về sự an toàn, hiệu quả của vắc xin cho quần chúng.

Tiến sĩ Moncef Slaoui - Cố vấn trưởng của chương trình phát triển thuốc, vắc xin Covid-19 của Mỹ mang tên Operation Warp Speed - cho biết hơn 100 triệu người dân, tức khoảng 30% dân số Mỹ có thể được tiêm phòng từ nay cho đến tháng 3/2021.

Tỉ lệ này thấp hơn nhiều mức 70% cần thiết để đạt được miễn dịch cộng đồng và ngăn chặn virus lây lan. Do vậy, đeo khẩu trang và các biện pháp giãn cách xã hội vẫn sẽ rất cần thiết trong nhiều tháng tới.

Theo Reuters, các nhân viên y tế sẽ còn phải thuyết phục nhiều người dân vẫn còn đang ngần ngại, chưa muốn tiêm chủng vì nghi ngờ vắc xin này được phát triển và phê duyệt quá nhanh, không đảm bảo an toàn. 

Một khảo sát của Reuters/Ipsos cho biết chỉ 61% người tham gia trả lời sẵn sàng tiêm chủng ngừa Covid-19.

Tiến sĩ Moncef Slaoui nói: "Việc phần lớn người dân Mỹ chấp nhận tiêm chủng là điều tối quan trọng. Chúng tôi rất lo lắng về tâm lí ngần ngại của người dân mà chúng tôi đang thấy".

Theo tổng hợp của Đại học Johns Hopkins, liên tục trong 5 ngày từ 8/12 đến 12/12, Mỹ đều ghi nhận trên 200.000 ca dương tính Covid-19 mới mỗi ngày. Hôm 9/12 và 11/12, số người tử vong vì Covid-19 tại Mỹ chạm mốc cao kỉ lục trên 3.000 ca/ngày. Tổng cộng đến nay Mỹ đã có 16,2 triệu ca nhiễm và xấp xỉ 300.000 ca tử vong vì đại dịch.

Tiến sĩ Slaoui cho biết từ nay đến cuối năm, Mỹ sẽ phân phối được khoảng 40 triệu liều vắc xin Covid-19, đủ dùng cho khoảng 20 triệu người. Con số này bao gồm cả sản phẩm của Pfizer-BioNTech và Moderna.

Một ủy ban cố vấn độc lập của Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sẽ họp vào thứ Năm (17/12) để xem xét cấp phép sử dụng khẩn cấp ứng viên vắc xin của Moderna.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.