Nạn quấy rối tổng đài 114, 115: Gọi tới tổng đài báo cháy để... ca cải lương!

Chỉ cần để sót một tin báo cháy thật thì hậu quả khôn lường, thế nhưng tổng đài 114 TP.HCM lại đang bị các cuộc gọi rác 'khủng bố' hằng ngày. Thậm chí, nhiều trường hợp gọi tới chỉ để... ca cải lương!
Nạn quấy rối tổng đài 114, 115: Gọi tới tổng đài báo cháy để... ca cải lương! - Ảnh 1.

Mỗi ngày, tổng đài 114 tiếp nhận 600 - 1.000 cuộc gọi nên không khí làm việc luôn căng thẳng, tập trung cao độ. (Ảnh: Tiểu Thiên).

Sau nhiều ngày “trực” chung với cảnh sát PCCC tại Trung tâm (TT) thông tin chỉ huy thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM, phóng viên ghi nhận các cán bộ chiến sĩ ứng trực 24/24 không một phút lơ là.

Cùng một thời điểm, TT có thể tiếp nhận 4 - 5 cuộc gọi đến. Mùa nắng thì nhiều cuộc gọi báo cháy, mùa mưa thì chập điện, ngập nước...

600 cuộc gọi chỉ có 1 tin báo cháy

Nạn quấy rối tổng đài 114, 115: Gọi tới tổng đài báo cháy để... ca cải lương! - Ảnh 2.

Cảnh sát PCCC TP.HCM nỗ lực dập lửa tại một xưởng sản xuất nệm mút ở P.Phước Long A (Q.9). (Ảnh: Công Nguyên).

Chưa đến một phút ở TT, PV chứng kiến hơn 20 cuộc điện thoại gọi đến để… hỏi nơi làm hồ sơ tư pháp, sổ vay vốn.

Thượng úy Lương Trọng Nghĩa, cán bộ Đội tham mưu làm nhiệm vụ tiếp nhận thông tin báo cháy, phàn nàn: “Một số cơ quan, đơn vị thường lấy số nội bộ là 114 nên tình trạng gọi nhầm diễn ra thường xuyên. Việc gọi đến 114 để hỏi hồ sơ vay vốn, giao hàng, giao nước, giao gas, chửi bới… thì nhiều đếm không xuể”.

Theo các cán bộ, chiến sĩ trực tổng đài, thường thì ngày thứ bảy và chủ nhật có nhiều cuộc gọi báo cháy giả.

“Trẻ con gọi chọc phá, người lớn say xỉn cũng gọi. Gần đây địa bàn H.Bình Chánh là nơi có nhiều cuộc gọi chọc phá nhất. Ngày hè, các em nhỏ tụ tập chơi cả nhóm rồi thay nhau phá nên cuộc gọi báo cháy giả cũng tăng vọt lên.

Những trường hợp gọi cả trăm cuộc vào tổng đài 114 là chuyện thường”, đại úy Nguyễn Đình Thiện, Đội phó Đội tham mưu (PC07), nói và cho biết thêm với cuộc gọi cứu nạn cứu hộ ít có tin báo giả hơn, nhưng thời gian gần đây do tình trạng “ngáo đá” tăng cao nên số cuộc gọi cứu nạn cứu hộ cũng nhiều lên.

Ngoài ra, do phân vùng và định tuyến còn chưa chuẩn nên tổng đài 114 của TT thường xuyên nhận cuộc gọi từ các tỉnh khá xa như Đồng Tháp, An Giang, Nha Trang, thậm chí cả cuộc gọi ở Hàn Quốc, Nhật Bản “đi lạc” tới.

Cuộc gọi báo cháy giả nhiều nhưng cán bộ trực không thể bỏ sót cuộc gọi nào. Bởi chỉ cần để sót một tin báo cháy thật thì hậu quả khôn lường. Trong khi đó, nhiều người ngồi nhậu cũng gọi phá, thậm chí gọi tới để ca cải lương cho 114 nghe. Có người ngồi buồn buồn cũng gọi phá cho… vui

Thượng úy Lương Trọng Nghĩa, cán bộ Đội tham mưu PC07

Kết thúc một ngày ngồi “trực” cùng ê kíp tiếp nhận thông tin báo cháy của TT, phóng viên ghi nhận có khoảng 600 cuộc gọi đến, nhưng chỉ duy nhất 1 tin báo cháy. Đó là vụ cháy bình điện và đã được lực lượng địa phương dập tắt tại chỗ.

Cài phần mềm chọc phá tổng đài 114

Qua nhiều năm bị “khủng bố”, ê kíp trực đã “rèn” được tính cảnh giác và bình tĩnh xử lý các cuộc gọi báo cháy giả. Có số điện thoại gọi 500 cuộc/giờ đến tổng đài 114, cứ mỗi lần người trực bắt máy thì điện thoại bên kia giữ 3 - 5 giây rồi tắt.

Người trực cúp máy thì số điện thoại bên kia lại gọi tới. Những trường hợp này thường là điện thoại đã cài phần mềm để cố tình chọc phá tổng đài 114.

Theo thống kê của PC07, Trung tâm thông tin chỉ huy tiếp nhận khoảng 600 - 1.000 cuộc gọi/ngày nhưng số cuộc gọi đến do cấn máy, gọi nhầm số, tư vấn PCCC chiếm khoảng 70%, số cuộc gọi chọc phá chiếm 20%.

Thậm chí có người gọi tới 500 cuộc để chọc phá tổng đài 114.

Tại điểm a và b, khoản 3, điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định vi phạm về thông tin báo cháy: Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi: báo cháy giả; không báo cháy hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy.

“Cuộc gọi báo cháy giả nhiều nhưng cán bộ trực không thể bỏ sót cuộc gọi nào. Bởi chỉ cần để sót một tin báo cháy thật thì hậu quả khôn lường. Trong khi đó, nhiều người ngồi nhậu cũng gọi phá, thậm chí gọi tới để ca cải lương cho 114 nghe. Có người ngồi buồn buồn cũng gọi phá cho… vui.

Học sinh lấy máy bố mẹ gọi chọc phá cả trăm cuộc cũng có. Những lúc đang xảy ra cháy lớn, phải căng đầu lo điều tiết, hỗ trợ chỉ huy lực lượng làm nhiệm vụ ngoài hiện trường mà cứ bị “khủng bố” bởi hàng trăm cuộc gọi chọc phá thì rất bức xúc”, thượng úy Lương Trọng Nghĩa chia sẻ.

Theo các cán bộ, chiến sĩ tại TT, khi trực nhận cuộc gọi, nghe mấy câu đầu biết gọi nhầm số hoặc báo cháy giả thì phải tắt liền để dành thời gian tiếp nhận các cuộc gọi quan trọng, khẩn cấp khác.

Đối với những số điện thoại chọc phá nhiều lần, TT sẽ nhắc nhở, báo chính quyền địa phương, cơ quan khu vực để xử lý.

“Nhiều lúc tắt máy không kịp, vô cớ bị nghe người ta chửi bới, la lối um xùm trong điện thoại diễn ra như cơm bữa”, một cán bộ trực buồn phiền.

Cần tăng mức xử phạt

PC07 nhìn nhận việc gọi nhầm, cấn máy và báo cháy giả do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn trên bình điện của gia đình hoặc ngoài trụ điện thường ghi số điện thoại kèm lời cảnh báo khi có sự cố cháy, nổ để gọi.

Tuy nhiên, số 114 được ghi lên trước rồi mới ghi số hotline của điện lực, nên khi xảy ra sự cố mất điện, sập cầu chì, chập điện, thay vì gọi điện lực thì họ lại gọi cho 114 tới để báo...

Về giải pháp, PC07 cho rằng bên cạnh tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành quy định báo cháy, việc quan trọng là các đơn vị liên quan như nhà mạng, sở TT-TT phải phối hợp và có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp quậy phá tổng đài 114.

“Thực tế, để yêu cầu nhà mạng cung cấp thông tin về chủ thuê bao, địa chỉ... nhằm xử lý những số điện thoại quậy phá cũng rất nhiêu khê, mất nhiều thời gian, nên anh em tại TT đều phải chấp nhận “sống chung với lũ”.

Riêng những trường hợp quậy phá nhiều lần, gọi báo cháy giả ở những nơi như sân bay, nhà ga, trung tâm hành chính… thì chúng tôi sẽ nhờ cơ quan điều tra vào cuộc xử lý”, đại úy Thiện nói và cho biết từng có trường hợp một người đàn ông ở Q.4 liên tiếp gọi tới báo cháy giả ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, PC07 đã báo vụ việc qua cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, PC07 cho rằng kể cả khi cơ quan điều tra vào cuộc, mức xử lý với những trường hợp báo cháy giả, quậy phá tổng đài 114 cũng không đủ răn đe.

Như trường hợp người đàn ông ở Q.4 kể trên, sau khi vào cuộc xác minh, người này bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng và đây là mức “kịch khung” theo quy định.

“Cũng chưa có quy định gọi đến tổng đài 114 chọc phá bao nhiêu cuộc thì bị xử lý. Hơn nữa, việc xử lý các trường hợp chọc phá tổng đài 114 thuộc thẩm quyền của công an địa phương - nơi đối tượng cư trú, chứ PC07 không có quyền xử phạt”, một lãnh đạo PC07 cho biết và đề xuất cần tăng mức xử phạt để răn đe, thậm chí cần thiết xử lý hình sự những trường hợp số tình quậy phá các tổng đài khẩn cấp.

Cách "lật tẩy" tin báo giả

Để nhận biết tin báo cháy thật hay giả, cán bộ TT đều phải dùng kinh nghiệm và các câu hỏi nghiệp vụ kiểm tra, như: người gọi đến báo cháy mà giọng hoảng hốt, xung quanh có tiếng nhiều người kêu la thì chắc chắn cháy thật; còn gọi báo mà giọng cười cợt, đùa giỡn thì không phải.

Khi nhận được tin báo mà thông tin mơ hồ, không rõ vị trí, thì cán bộ trực sẽ cẩn thận gọi điện xuống quận, huyện xác minh...

 

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.