Hạn hán tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Báo Giao thông. |
Theo báo cáo Kinh tế Việt Nam trong trung hạn và một số ảnh hưởng của môi trường vừa công bố mới đây của NCIF, dự báo biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cũng tác động ngày càng mạnh mẽ và có thể gây ra những tác động to lớn làm giảm tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Nhóm nghiên cứu đưa con số dự báo giảm 0,6% tăng trưởng GDP mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Khi đó, Việt Nam phải bỏ ra 35 - 40 nghìn tỉ giải quyết hậu quả ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cũng nhận xét, bức tranh kinh tế tăng nhưng bức tranh môi trường xấu đi. Sau một thời kì tăng trưởng, môi trường ở ngưỡng giới hạn.
Bởi theo chính báo cáo này, chỉ số về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI), Việt Nam xếp hạng thứ 23 trong tổng số 193 quốc gia, và là một trong 30 nước chịu “rủi ro rất cao”. Đối với nước ta, mực nước biển dâng sẽ làm mất đi các vùng đất thấp rộng lớn, là nơi cung cấp lương thực và sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước.
Ngoài ra, nhiệt độ, mực nước và làm thay đổi lớn tới thời tiết như chế độ mưa, bão, hạn hán, cháy rừng giảm năng suất nền kinh tế. Bão, lũ lụt, hạn hán và những thay đổi điều kiện sinh thái khác sẽ dẫn tới các thảm họa về người, tài sản với mức độ cao hơn.
TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích Dự báo của NCIF nhận xét, tình trạng môi trường hiện nay của Việt Nam rất đáng lo ngại.
Ngược lại, TS Lê Xuân Bá nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) lại cho rằng không nên quá lo lắng, hiện nay Việt Nam vẫn có cơ hội. "Nếu chúng ta thay đổi để có đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ, thay đổi sản phẩm, cây con thì tiêu cực từ biến đổi khí hậu không có gì ghê gớm", ông Bá nói.
Vị chuyên gia này dẫn chứng, nước biển dâng là cơ hội nuôi tôm sạch. Theo ông, làm cái gì có lợi hơn là trồng lúa lại phụ thuộc vào năng lực dự báo của khí tượng. Ông đặt ra câu hỏi, sao cứ bắt người nông dân phải trồng lúa trong khi hạt gạo trên thị trường hiện cạnh tranh rất khó với nước ngoài, giá trị gia tăng sản xuất thấp?
Hiện nay, nghiên cứu giống mới trong lúa gạo, cây, con mới để thay những vùng đất ngập nước là chưa có. "Dám thay đổi và ứng dụng khoa học công nghệ, khi đó, sẽ biến cái bất lợi thành có lợi. Trên thực tế, thay đổi từ tư duy đến hành động của Việt Nam khá chậm", ông Bá bày trỏ quan điểm.
Tuy vậy, TS. Nguyễn Xuân Bá cho rằng, "Thiên tai hiện nay được đánh giá là rất lớn, song nhân tai không nhỏ. Đừng để người ta hiểu rằng chỉ tại ông trời hết".
Chia sẻ với quan điểm này, GS. Nguyễn Mại nhắc lại chính con người tàn phá môi trường bằng những dự án thép, xi măng, lọc dầu và hóa chất... Ngoài Formosa đã để lại bài học lớn, ông ví dụ, Việt Nam đã dư thừa công suất, các nhà máy phần nhiều là lò đứng lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Nếu tiếp tục phát triển dự án nhỏ lẻ, chẳng bao lâu sẽ khai thác cạn kiệt đá vôi.
GS. Mại cho rằng cần thay đổi tư duy về phát triển, hướng đến tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường là phải từ tư duy phát triển đến hành động và thước đo. "Thu hút FDI đến mức chịu thiệt hại về tài nguyên năng lượng, thiên nhiên mà không đưa ra quy định khắt khe về tăng trường xanh là điều bất hợp lý", ông nhận xét.
TS. Nguyễn Thế Chính hiến kế, nếu mỗi năm mất gần 1% GDP do ô nhiễm môi trường, Chính phủ có thể đầu tư trước một khoản tương đương để cải thiện và bảo vệ môi trường. Khi đó, theo ông sẽ giải quyết được các vấn đề hiện tại, tương lai và hỗ trợ tăng trưởng.