Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lấy người học là trung tâm, giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn để khuyến khích học sinh học tập. Trong ảnh: một tiết học đổi mới, sáng tạo trong dạy và học của bộ môn hóa học Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Thậm chí, đã có người thẳng thắn đề nghị: nên nhập khẩu chương trình học của nước ngoài để đổi mới nền giáo dục nước nhà. Vậy, nguồn gốc của vấn đề nằm ở đâu? Và vấn đề phải được giải quyết như thế nào?
Lịch sử đã để lại một khoảng cách xa giữa nền giáo dục nước ta với khoa học giáo dục hiện đại của các nước Âu - Mỹ. Vì vậy, khó có thể biết đến lúc nào thì các chuyên gia giáo dục của ta lấp đầy được khoảng cách đó, để có thể xây dựng được chương trình giáo dục phổ thông mới ngang tầm quốc tế.
Với nhu cầu đổi mới giáo dục cấp bách hiện nay, việc nhập khẩu một chương trình giáo dục phổ thông tiên tiến ở nước ngoài để nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam là một giải pháp thiết thực và hữu hiệu.
Trên thực tế, giải pháp nói trên đã được Nhật Bản áp dụng từ thế kỷ 19, sau đó là Hàn Quốc và nhiều nước Đông Á khác. Đối với Việt Nam, việc lựa chọn chương trình học để nghiên cứu áp dụng có thể thu gọn vào hai hướng: giữa chương trình tự chọn của Mỹ và chương trình tú tài phân ban Pháp.
Chương trình học tự chọn của Mỹ là kiểu chương trình tiên tiến nhất với hiệu lực rất cao. Nhưng việc thực hiện kiểu chương trình này yêu cầu một nguồn tài chính lớn, với những điều kiện rất cao về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý điều hành.
Cùng với một quỹ học vấn hết sức phong phú và đa dạng, nó đòi hỏi một đội ngũ giáo viên được đào tạo rất khác với quy trình đào tạo giáo viên hiện hành ở Việt Nam, kèm theo là một đội ngũ cố vấn học tập (counsellor) chưa từng có ở nước ta.
Bên cạnh đó là cơ sở vật chất đồ sộ, với những phòng học chuyên dùng và trung tâm học liệu, những nguyên tắc tổ chức và quản lý theo học chế tín chỉ mới lạ.
Thực sự, những điều kiện nói trên là quá cao xa, rất khó đáp ứng trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam.
Trong khi đó, chương trình tú tài phân ban Pháp cũng rất có uy tín trên thế giới mà lại gần gũi với Việt Nam (như hệ thống “trường Tây” đã từng có uy danh ở nước ta trong suốt một thời). Những yêu cầu về cơ sở vật chất và tài chính ở loại chương trình này cũng không vượt khỏi khả năng của Việt Nam; đồng thời, việc tổ chức và quản lý điều hành vẫn thực hiện theo niên chế quen thuộc.
Hơn nữa, những cách “tích hợp” kiến thức kiểu Pháp đơn giản hơn và dễ thực hiện hơn đối với đội ngũ giáo viên hiện hành ở Việt Nam. Với giáo viên cho những môn mới về kỹ thuật - công nghệ cũng có thể tuyển dụng dễ dàng từ các nguồn đào tạo hiện có ở nước ta.
Thêm một lý do thuyết phục để lựa chọn chương trình tú tài phân ban Pháp: trước năm 1975, miền Nam nước ta đã quen thuộc với chương trình trung học tổng hợp đệ nhị cấp - một chương trình phân ban đồng dạng với tú tài phân ban Pháp.
Chương trình này đã được xây dựng và áp dụng thành công ở bậc trung học đệ nhị cấp (gồm các lớp 10, 11, 12) với 8 ban: ban A (khoa học thực nghiệm), ban B (khoa học toán), ban C (văn chương sinh ngữ), ban D (văn chương cổ ngữ), ban E (kinh tế gia đình), ban F (doanh thương), ban G (công kỹ nghệ) và ban H (canh nông).
Phục vụ cho chương trình này, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức đã được thành lập để đào tạo giáo viên giảng dạy các môn kỹ thuật nghiệp vụ. Bên cạnh đó còn có Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn cung cấp giáo viên dạy các môn văn hóa và khoa học cơ bản.
Tình hình giáo dục nước ta hiện nay đã khác nhiều so với miền Nam những năm 1970, nhưng những nguyên tắc cơ bản của một chương trình phân ban thì vẫn không thay đổi.
Vì vậy, nghiên cứu áp dụng chương trình phân ban tú tài Pháp, đồng thời tham khảo chương trình trung học tổng hợp đệ nhị cấp, chúng ta có thể đạt được một chương trình giáo dục phổ thông ngang tầm quốc tế.