Nếu được chọn, tôi cũng mong sẽ không còn xe máy!

Mấy ngày qua, dư luận lại một lần nữa xôn xao khi báo chí đăng tải ý kiến của PGS, TS Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông - ĐH Bách khoa TPHCM) phát biểu  đại ý: Phải cấm xe máy, đừng lấy cái nghèo ra để “dọa” mãi!?!
neu duoc chon toi cung mong se khong con xe may
Ảnh minh họa - Nguồn: Zing.vn

Việc dư luận “lên đồng” phản đối cũng dễ hiểu, bởi hiện nay, trong tổng số phương tiện tham gia lưu thông trên đường, xe máy chiếm đến 70-80%.

Nhưng, cũng phải khách quan nhìn nhận rằng, đề xuất ấy không phải không có lý. Và tôi tin rằng, đề xuất trên nhận được rất nhiều sự ủng hộ của những người tham gia giao thông bằng xe buýt và ô tô cá nhân.

Đó không phải là vì sự phân biệt “sang-hèn” giữa ô tô với xe máy. Nhưng, quả thật, nếu cứ ngồi trên ô tô sẽ thấy, cánh lái xe ô tô “sợ” người đi xe máy ở ta nhường nào.

Là người đi lại chủ yếu bằng cả 2 phương tiện ô tô và xe máy, với tôi, cứ ngồi trên ô tô, nhìn thấy người đi xe máy, tôi lại sợ.

Nhớ lần đầu lái xe sang nội thành, mồ hôi tôi túa ra như tắm, dù xe đang bật máy lạnh. Cảm giác mắt tập trung cao độ, chân lúc nào cũng sẵn sàng ở tư thế đạp phanh, tay luôn đặt vào vị trí đập còi chắc những ai đã từng lái xe ô tô sẽ hiểu nó là một thứ cực hình như thế nào.

Do là lái mới, tôi đã cố tình chọn cho mình làn trong cùng, với mong muốn tránh tối đa các cuộc vượt, lấn, ấy vậy mà vẫn chẳng được yên.

Cứ thỉnh thoảng, đang tập trung đi theo đúng làn đường của mình thì bỗng đâu xuất hiện một chiếc xe máy “như từ trên trời rơi xuống” uốn lượn trước đầu xe.

Không kịp định thần, lúc đó, tôi chỉ biết ôm chặt vô lăng, chân đạp phanh hết cỡ, tay đập còi loạn xạ. Ngước mắt nhìn lên, bóng chiếc xe máy kia đã mất hút, nhanh như khi nó xuất hiện.

Một hiện tượng khác cũng gây ức chế không kém khi đi ô tô, đó là dù rõ ràng làn dành cho ô tô nhưng những chiếc xe máy vẫn vô tư lấn sang, nghênh ngang như không biết mình đang chiếm làn của người khác.

Đến những điểm có biển báo đèn đỏ được rẽ, chủ nhân của những chiếc xe máy nhiều khi cũng chẳng nhận ra, cứ thản nhiên đứng kềnh càng chắn lối.

Còi mãi, đợi đến lúc họ nhận ra mình đứng sai làn và di chuyển thì có khi tín hiệu lại báo không được rẽ nữa rồi!

Ngồi trên ô tô, có lẽ chủ nhân của chiếc xe 4 bánh lúc này chẳng biết làm gì khác ngoài lắc đầu ngán ngẩm.

Điều mà cánh lái xe ô tô cũng “toát mồ hôi” với xe máy đó là khi đường ùn, tắc.

Trong khi ai cũng sốt ruột nối đuôi nhau nhích từng chút một thì chủ nhân của những chiếc xe máy lại luồn lách uốn lượn từ bên này sang bên kia qua khoảng hở giữa các xe ô tô theo hình xoắn quẩy để vượt lên.

Có người tay lái cứng, căn đường chính xác thì không sao, gặp phải những cậu choai choai, đi xe theo kiểu đường của riêng nhà mình, sẽ khó tránh khỏi va quệt.

Và ai cũng hiểu, khi xảy ra va quệt, phía bị thiệt hại chắc chắn là ô tô. Chỉ cần những vết xước nhỏ, nếu là xe sang, để tút lại cũng phải mất cả tiền triệu.

Xót của bước xuống, chưa kịp bắt đền thì bóng chiếc xe máy đã chỉ còn những làn khói khét nẹt để lại.

Đó là những va quệt nhẹ, khó tránh khỏi khi ùn tắc. Còn khi xảy ra va chạm giao thông giữa ô tô và xe máy, trong quan niệm của phần đông người dân nước ta, kiểu gì “xe to phải đền xe bé, ô tô phải đền xe máy”, bất biết luật lệ, ai đúng, ai sai.

Chính điều đó đã khiến những người lái ô tô thực sự sợ hãi mỗi khi chẳng may bị xe máy va phải. Bởi vì, chưa cần biết đúng sai thế nào, chắc chắn, số đông những người đi xe máy sẽ hùa vào với nhau để đổ lỗi cho người lái ô tô.

Kể cả trường hợp ô tô bị xe máy đâm phải, người đi ô tô vẫn không được số đông ủng hộ.

Dù có làm căng, họ vẫn bị thiệt, vì hầu hết người đi xe máy, rất khó bồi thường tại chỗ với số tiền lớn? Chờ cơ quan công an xử lý, đôi khi lại mất công mất việc, có khi còn thêm bực vào người.

Nhiều người đi ô tô vì vậy thường “cho qua” mỗi khi bị xe máy va phải. Nhưng dù có bỏ qua, sự bực bội, khó chịu chắc chắn vẫn còn đeo bám họ mãi.

Chính vì lẽ đó nên dân lái ô tô luôn có cảm giác bị “thiệt” khi gặp xe máy.

Nhiều người nhìn thấy xe máy là chủ động tránh xa cho “lành”. Cách hành xử đó vô hình trung tạo ra tư tưởng nghênh ngang, bất chấp luật lệ của người đi xe máy khi gặp ô tô.

Họ không chỉ lấn đường, tạt ngang đầu xe mà còn mang trong mình thái độ chủ quan rằng: “Họ là ô tô, xe đắt tiền, phanh lại an toàn hơn, họ phải chủ động. Ta là xe máy, cứ thoải mái đi!”.

Tất nhiên, không phải ai đi xe máy cũng mang tâm lý như vậy. Nhưng, chứng kiến nhiều vụ va chạm xảy ra giữa ô tô với xe máy, tôi khẳng định rằng, suy nghĩ trên của người đi xe máy là khá phổ biến.

Chỉ cần ra đường vào giờ tan tầm, sẽ thấy, trên làn đường dành cho ô tô, luôn loi choi những chiếc xe máy chen lấn nghênh ngang trên đầu ô tô.

Vì vậy, tôi nghĩ, đa số người lái xe ô tô khi nghe đề xuất cấm xe máy trên các thành phố lớn cũng đều ủng hộ.

Với riêng tôi, khi ra đường, nhất là đi vào nội thành, tôi luôn ước: Giá mà không có bóng dáng chiếc xe máy nào thì hay biết mấy?!?

Tuy nhiên, tất cả những điều này cũng chỉ những suy nghĩ một chiều.

Để cấm được xe máy, có lẽ không chỉ cần mức thuế ô tô ở Việt Nam phải hạ thấp như những nước xung quanh mà quan trọng hơn, còn cần một khoảng thời gian nhất định để ảnh hưởng từ việc cấm xe máy được giảm thiểu nhất đối với những người dân đang mưu sinh bằng chiếc xe máy.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

neu duoc chon toi cung mong se khong con xe may Lấp hồ Thành Công, lợi thì có lợi…

Ý tưởng lấp hồ Thành Công để xây nhà tái định cư, nếu được thực hiện, không phải không có những cái lợi đối với ...

chọn
Những dự án sắp ra mắt của Vincom
Dự kiến giai đoạn quý II - quý IV/2024, Vincom sẽ khai trương 6 dự án, gồm Vincom Mega Mall Grand Park; Vincom Plaza Hà Giang; Vincom Mega Mall The Empire; Vincom Plaza Điện Biên Phủ; Vincom Plaza Đông Hà Quảng Trị và Vincom Plaza Bắc Giang.