Ông Cao Toàn Mỹ đang là một trong những cái tên được nhắc nhiều trên báo chí khi thực hiện vụ kiện Hoa hậu người Việt Trương Hồ Phương Nga. Ngoài những thông tin liên quan đến vụ án, thông tin về tài sản của ông Mỹ cũng được dư luận đặc biệt quan tâm. Người ta cũng tiếc nuối khi biết rằng, tài sản của ông Mỹ sẽ không chỉ là các công ty về hẹn hò ảo mà có thể sẽ lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu ông Mỹ... không thoái vốn khỏi Vinagame.
Vinamge thành lập năm 2004 với 4 cổ đông sáng lập là ông Cao Toàn Mỹ, ông Lê Hồng Minh, ông Trịnh Bảo và Nguyễn Thanh Bình. Vốn điều lệ của Vinagame là 4,5 tỷ đồng và ông Mỹ được biết đến nhiều với vai trò là 1 trong 4 cổ đông sáng lập của Vinagame – nay là CTCP VNG, công ty game online lớn nhất Việt Nam đồng thời là chủ sở hữu của ứng dụng nhắn tin Zalo. Trong đó, ông Mỹ góp 750 triệu đồng, tương đương 16,7% cổ phần và ông Lê Hồng Minh góp 2,62 tỷ đồng, tương đương 58%.
![]() |
Ông Mỹ đang được dư luận quan tâm khi quan tâm vụ kiện Hoa hậu người Việt Trương Hồ Phương Nga |
Ngay trong năm thành lập, Vinagame đã tạo được cú hích lớn khi giúp Võ lâm truyền kỳ trở thành hiện tượng mạng. Có thời kỳ, có tới 200.000 người chơi Võ lâm truyền kỳ truy cập tại cùng một thời điểm.
Năm 2008, công ty đổi thương hiệu thành VNG Corporation. Đó không chỉ bước ngoặt của công ty mà còn là bước ngoặt với cả ông Mỹ. Năm đó, ông Mỹ cùng 1 thành viên viên sáng lập khác đã rời VNG và được cho là thu về hàng trăm tỷ đồng. Cổ đông sáng lập duy nhất còn lại là ông Lê Hồng Minh. Hiện tại, qua nhiều thăng trầm, ông Lê Hồng Minh vẫn gắn bó với VNG.
Một thời, dư luận xôn xao với thông tin VNG bị nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm. Thông tin này không phải không có cơ sở khi hiện tại, ông Lê Hồng Minh từ việc nắm giữ gần 68% tại VNG đã giảm tỷ lệ xuống khoảng 20%.
Qua các đợt tăng vốn chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, bán cổ phiếu ESOP, tỷ lệ sở hữu của ông Cao Toàn Mỹ có thể xuống còn khoảng 4-5%. Dù vậy, chỉ cần với tỷ lệ này, nếu không rời VNG, có thể ông Mỹ vẫn có thể sở hữu khối tài sản lên tới nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính 1/2017 của VNG, tại thời điểm 31/3/2017, vốn góp cổ phần tại VNG là 331 tỷ đồng. Theo tỷ lệ vốn 5%, giá trị vốn của ông Mỹ tại VNG là 16,55 tỷ đồng. Còn theo tỷ lệ cũ, giá trị vốn góp của ông Mỹ là 55,2 tỷ đồng.
Tính theo thị giá của VNG, tài sản của ông Mỹ là con số khổng lồ. Có thời điểm, VNG thực hiện kế hoạch mua lại cổ phiếu VNG với giá mua 542.000 đồng/CP. Theo mức giá này, vốn hóa thị trường của VNG là 17.940 tỷ đồng.
Nếu tính theo tỷ lệ vốn góp điều chỉnh, tài sản của ông Mỹ sẽ đạt 897 tỷ đồng. Còn theo tỷ lệ cũ, ông Mỹ sẽ sở hữu 2.996 tỷ đồng. Với số tiền này, ông Mỹ có thể đã giàu tương đương bầu Đức, người đang đứng ở vị trí thứ 10 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Đó chỉ là giả sử. Còn trên thực tế, ông Mỹ đã rời VNG và lập ra những công ty khác cho riêng mình. Tuy nhiên, hiện tại, ông Mỹ không còn gắn bó với đơn vị nào.
Cụ thể, sau khi rời VNG, ông Mỹ sở hữu 2 công ty là công ty cổ phần Tin học không gian ảo Vi Na (Vinacyber JSC) và công ty cổ phần Tin học mạng ảo Vi Na (Vinac JSC).
VinaCyber được thành lập vào tháng 9/2006 với vốn điều lệ 9,5 tỷ đồng. Ông Cao Toàn Mỹ sở hữu 95% vốn. Tuy nhiên, VinaCyber đã ngừng hoạt động khi chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế.Tổng cục thuế đã đóng mã số thuế của công ty này từ tháng 10/2013.
Vinac JSC thành lập vào năm 2008 và có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, do ông Mỹ sở hữu 95,25%. Trước đây do ông Cao Toàn Mỹ làm người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, vào ngày 2/3 vừa qua, ông Cao Toàn Mỹ đã chuyển giao vị trí này cho giám đốc Nguyễn Sỹ Tiên.