‘Nếu vẫn hình thành các đại gia BĐS trong khi đa số người dân chưa đủ tiền lo nhà ở thì nhà ở xã hội còn gian nan'

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, cần phải cải cách thuế bất động sản nhằm tạo dựng một thị trường bất động sản có giá nhà đất thấp đi. Khi đó, tự cơ chế thị trường sẽ tạo động lực để giải quyết vấn đề nhà ở. Nếu còn việc hình thành các đại gia bất động sản mà thu nhập của đại đa số người lao động vẫn chưa đủ để lo nhà ở thì vấn đề nhà ở xã hội còn nan giải.

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023). Đóng góp vào dự án luật này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường nêu quan điểm đã có nhiều góp ý cho việc phát triển nhà ở xã hội, theo Cổng TTĐT Quốc hội.

Cụ thể, ông Đặng Hùng Võ cho rằng vấn đề vốn để phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa có giải pháp khả thi. Dự án Luật có đưa thêm quy định tạo kinh phí 10% tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn do UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thu để bổ sung vào một khoản mục riêng trong Quỹ đầu tư phát triển của địa phương nhằm để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng kết nối giao thông của dự án; bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, theo ông, hiện nay đã có quá nhiều khoản trông vào tiền thu từ đất (kể cả dự án Luật Đất đai sửa đổi) nên cần xem có đồng bộ với Luật Ngân sách không và ý kiến của Bộ Tài chính thu chi ngân sách nhà nước ra sao. 

Bên cạnh đó, chính sách lấy đất của các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội được thay thế bằng chính sách cho các dự án nhà ở xã hội được sử dụng 20% quỹ đất để phát triển nhà ở thương mại. Việc xác định quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội vẫn dựa hoàn toàn vào quy hoạch và quyết định của UBND cấp tỉnh. Như vậy, vẫn không có gì thay đổi so với trước đây. 

 “Câu chuyện lúc này xoay quanh câu hỏi là tại sao quy hoạch đã có đất cho nhà ở xã hội nhưng lại không được thực hiện. Đây cũng là nhược điểm của cơ chế giao đất không thu tiền, lợi ích đang gây khó khăn cho triển khai do phải quản lý chặt chẽ, tránh lợi dụng quỹ đất được giao không thu tiền để sinh lợi không đúng mục tiêu”, ông Đặng Hùng Võ nêu ý kiến.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Bên cạnh những cải cách cho chính sách phát triển nhà ở xã hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng còn nhiều việc mang tính vĩ mô cần phải được thực hiện.

Thứ nhất là cần cải cách chế độ tiền lương song hành với cải cách bộ máy hành chính nhằm cải thiện thu nhập của người lao động. 

“Việt Nam không thể giữ mãi tình trạng để lương thấp nhằm thu hút đầu tư. Khi mức lương cao lên thì tự nhiên vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp sẽ bớt khó khăn hơn”, GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhận định.

Ngoài ra, cần cải cách thuế bất động sản nhằm tạo dựng một thị trường bất động sản có giá nhà đất thấp đi. Theo GS.TSKH, khi đó tự cơ chế thị trường sẽ tạo động lực để giải quyết vấn đề nhà ở. Nếu còn việc hình thành các đại gia bất động sản trong khi thu nhập của đại đa số người lao động vẫn chưa đủ để lo nhà ở thì vấn đề nhà ở xã hội còn nan giải.

chọn
[Infographic] 8 dự án sẽ đóng góp 1.700 ha quỹ đất công nghiệp cho TP HCM thời gian tới
Trong thời gian tới, nguồn cung mới đất công nghiệp của TP HCM dự kiến có khoảng 1.759 ha đến từ 8 dự án tại Bình Chánh, Nhà Bè và Củ Chi.