Các ngân hàng thay đổi chính sách sau nhiều vụ tài khoản “bỗng nhiên” mất tiền
Sau loạt vụ việc được phản ánh trong tháng 8 vừa qua, đầu tháng 9 này lại xuất hiện các trường hợp báo mất tiền trong tài khoản dù không giao dịch. Và phía ngân hàng đã có hướng xử lý tích cực hơn.
Như trường hợp trên tại Vietcombank, chủ tài khoản có thẻ ghi nợ quốc tế Visa debit, liên kết với tài khoản ATM với số dư hơn 240 triệu đồng. Khách hàng khẳng định vẫn giữ thẻ, không để lộ thông tin cá nhân về tài khoản và mã giao dịch…, không truy cập các trang web giả mạo, nhưng đầu tháng này liên tiếp nhận được tin nhắn báo số dư tài khoản mất hơn 22 triệu đồng.
Sau khi xác minh, Vietcombank đã trực tiếp làm việc với khách hàng, ứng trước khoản tiền bị mất trước khi có kết quả tra soát và xác minh cụ thể.
Sự việc trên được xử lý khá nhanh, về quy trình thủ tục cũng như yêu cầu bảo đảm lợi ích khách hàng. Đã có khác biệt so với nhiều trường hợp xẩy ra trước đây.
Trước Vietcombank, vừa qua tại Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank), sự việc khách hàng báo mất 120 triệu trong tài khoản ATM cũng được xử lý khá nhanh. Sau một tháng tiếp nhận, rà soát và kiểm tra lại các giao dịch, HDBank cam kết hoàn trả toàn bộ số tiền cho khách hàng.
Về hướng xử lý trên, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, nguyên tắc đầu tiên là ngân hàng phải bảo vệ niềm tin và quyền lợi của khách hàng một cách nhanh nhất.
“Họ gửi tiền vào mình, họ tin thì mới gửi, nên phải nhanh chóng xử lý để giữ niềm tin của họ”, ông Trung nói.
Tất nhiên, Phó tổng HDBank cho biết, ngân hàng cần một thời gian nhất định để xác định rủi ro do đâu, từ ngân hàng hay khách hàng. Nếu khách hàng không có lỗi, nguyên tắc là phải bồi hoàn.
Trong trường hợp trên, tại HDBank cũng như ở Vietcombank, việc xử lý đã nhanh hơn nhiều so với quy trình thông thường.
Cụ thể, với trường hợp rủi ro mất tiền trong tài khoản liên quan đến các đầu mối thanh toán ngoài hệ thống, với các tổ chức thẻ quốc tế, đặc biệt là các giao dịch gian lận xẩy ra ngoài lãnh thổ Việt Nam…, quá trình xử lý thường mất 45-60 ngày để tra soát, truy xuất và đối chứng thông tin, đến kết luận cuối cùng, rồi mới thực hiện bồi hoàn hay không.
Trường hợp chuyển sang cơ quan điều tra, thời gian chờ đợi có thể phải kéo dài hơn nữa.
Tuy nhiên, với nghiệp vụ ngân hàng, nhiều trường hợp sớm được nhận diện lỗi thuộc về khách hàng hay không để xác định hướng xử lý.
Trước loạt sự việc rủi ro xảy ra gần đây, cùng các hình thức gian lận ngày càng tinh vi hơn, các ngân hàng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đầu tư hơn nữa cho các biện pháp phòng vệ. |
Lãnh đạo chuyên trách một ngân hàng thương mại cũng cho biết, trong trường hợp đánh giá sơ bộ cho thấy chủ thẻ không thực hiện giao dịch, rủi ro khách quan và nhận thấy sẽ thu hồi được tiền từ các đơn vị liên quan, ngân hàng sẽ chủ động hơn trong việc bồi hoàn.
“Nhưng đây là việc điều chỉnh chính sách vì lợi ích khách hàng, ngân hàng thực hiện bồi hoàn hoặc ứng trước nhanh chóng. Còn theo quy trình trước đây, việc hoàn trả số tiền bị mất, trong trường hợp khách hàng không có lỗi, phải chờ đến khi có kết luận và xác nhận cuối cùng”, lãnh đạo ngân hàng trên cho biết.
Như vậy, sau loạt sự việc tài khoản “bỗng nhiên” mất tiền xẩy ra gần đây, phía ngân hàng bắt đầu có điều chỉnh chính sách khi xử lý, theo hướng bảo đảm tốt hơn lợi ích và thời gian cho khách hàng.
Còn với trường hợp có dấu hiệu lỗi từ khách hàng, vô tình hoặc cố ý, khách quan hay chủ quan, ngân hàng sẽ phải chờ có kết luận cuối cùng, xác định mức độ cụ thể để xử lý.
Cần cả “núi tiền” để ngăn gian lận thẻ, thanh toán trực tuyến
Tại hội nghị trực tuyến chuyên đề “Đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ” ngày 8/9, báo cáo của Cục Công nghệ tin học ngân hàng cho hay, tỷ lệ rủi ro qua thẻ thanh toán tại Việt Nam khá thấp, chỉ bằng 1/3 so với số trung bình trên toàn thế giới.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương (VietinBank) cũng đánh giá: với số lượng giao dịch khổng lồ hiện nay, thì tỷ lệ các giao dịch bị gian lận gây thất thoát chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Nhưng, trước loạt sự việc rủi ro xảy ra gần đây, cùng các hình thức gian lận ngày càng tinh vi hơn, các ngân hàng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đầu tư hơn nữa cho các biện pháp phòng vệ.
Tại hội nghị trên, đại diện Bộ Công an kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai lắp đặt thiết bị và phần mềm, phòng chống tội phạm đánh cắp thông tin khách hàng và tấn công máy ATM, vì hiện nay còn nhiều máy chưa có.
Thứ nữa là khuyến nghị các ngân hàng thương mại trang bị POS không dây có tính năng định vị qua GPS và phối hợp với các công ty viễn thông để xác định vị trí khi thực hiện các giao dịch qua POS không dây.
Với trên 17.330 ATM và hơn 240.660 POS được lắp đặt, việc đảm bảo 100% hai yêu cầu trên chắc chắn sẽ đòi hỏi nguồn tiền đầu tư lớn.
Chưa hết, một yêu cầu đã và đang được đặt ra, thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, tất cả thẻ từ hiện nay bắt buộc phải chuyển sang thẻ chip để đảm bảo theo tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, tính đến tháng 7/2016, Việt Nam đã có trên 107 triệu thẻ các loại được phát hành. Nguồn tiền để chuyển đổi lượng thẻ từ chiếm chủ yếu trong đó rất lớn, và càng lớn hơn nữa khi cũng phải đầu tư cho hệ thống ATM đọc được thẻ chip.
Và theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, hiện đã xuất hiện một số công nghệ tiên tiến như xác thực sinh trắc học qua vân tay, qua ánh mắt, qua giọng nói… Các ngân hàng Việt Nam cần tiếp cận tìm hiểu những công nghệ mới này để tăng cường an toàn bảo mật thêm cho khách hàng.
Nếu ứng dụng những công nghệ mới trên, hệ thống càng đòi hỏi nguồn tiền lớn hơn nữa cho đầu tư phần cứng, phần mềm…
Không có con số cụ thể để đo “núi tiền” cần cho yêu cầu tăng cường bảo đảm an toàn trong giao dịch thẻ, thanh toán trực tuyến, nhưng với loạt yêu cầu cơ bản như trên, chắc chắn sẽ rất lớn.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam có đáp ứng, đầu tư được không?
Cách thứ nhất là giãn ra. Các ngân hàng cần có lộ trình để từng bước triển khai, tránh dồn yêu cầu đầu tư cùng lúc dẫn tới chi phí gia tăng, mà cuối cùng rồi cũng đẩy sang phía khách hàng (qua phí dịch vụ). Như với việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, lộ trình được giãn ra trong 5 năm (đến 2020).
Cách thứ hai, như trên, nguồn thu từ khách hàng, qua phí sử dụng. Tuy nhiên, nguồn này trải ra trong quá trình sử dụng dịch vụ, chứ không dồn được ngay cho yêu cầu đầu tư. Mặt khác, điểm nhạy cảm trong dư luận những năm qua là chính sách phí dịch vụ liên quan này.
Phó tổng giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân cũng cho rằng, đầu tư cho bảo mật đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí, giảm lợi nhuận. Do đó, để bảo đảm về lợi nhuận, các ngân hàng đang buộc phải thu phí khách hàng cho các tính năng tăng cường bảo mật, trong khi bản thân khách hàng lại không hiểu rõ về giá trị của các tính năng này.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 7469/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán. Văn bản trên cho biết, trong thời gian qua, có xảy ra một vài sự cố rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán, với tài khoản của khách hàng tại các ngân hàng. Để hạn chế thấp nhất rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán nói chung, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử cũng như đảm bảo quyền lợi của khách hàng và ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, trước ngày 15/10/2016 ban hành quy định mới và cụ thể hơn. Trong những quy định đó, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán cần ghi rõ trong các hợp đồng cung ứng dịch vụ nội dung cụ thể về trách nhiệm trong việc tiếp nhận thông tin từ khách hàng, thời gian xử lý, phương án đền bù đối với các trường hợp phát sinh rủi ro, sự cố trong hoạt động thanh toán. Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra đảm bảo việc chấp hành các qui định của pháp luật về hoạt động thanh toán. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước có biện pháp khuyến khích, yêu cầu các ngân hàng đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn, an ninh các dịch vụ thanh toán; tuyên truyền sâu rộng, hướng dẫn cụ thể cho người dân về cách sử dụng các dịch vụ thanh toán an toàn, hạn chế rủi ro và phòng tránh tội phạm. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đấu tranh, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm trong hoạt động thanh toán ảnh hưởng đến an toàn, an ninh của hệ thống thanh toán quốc gia và uy tín của hệ thống ngân hàng. |
An Yên (Tổng hợp)