từ ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh giảm lãi suất. (Ảnh: tinnhanhchungkhoan.vn).
Ngân hàng Nhà nước vừa có thông báo về việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Theo đó, từ ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh giảm lãi suất, như sau:
Quyết định số 1870/QĐ-NHNN ngày 12/9/2019 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.
Cụ thể, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở cũng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cho biết giai đoạn trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lí.
Giai đoạn gần đây, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất điều hành; trong nước kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định.
Việc hạ lãi suất giúp các doanh nghiệp và cả nền kinh tế hoạt động đúng định hướng. (Ảnh:vietnamfinance.vn).
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, việc giảm lãi suất điều hành sẽ chưa tác động ngay tới lãi suất thị trường, song đây là thông điệp chính sách quan trọng theo hướng nới lỏng tiền tệ.
Tuy nhiên, mức giảm 3 loại lãi suất điều hành khá nhỏ chỉ 25 điểm phần trăm cho thấy sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc cắt giảm. Điều này phù hợp với tình hình thế giới hiện nay khi nhiều nước nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế khi thương chiến Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu chấm dứt, và nhiều diễn biến kinh tế phức tạp trên toàn cầu.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm hiện tại là cần thiết và hoàn toàn hợp lí. Thời gian qua, trong khi nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá thì tiền đồng vẫn ổn định và tăng giá so với đồng USD.
Trong bối cảnh đó, các Ngân hàng Thương mại lại tiếp tục nâng lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Điều này đã đi ngược lại với diễn biến của nền kinh tế. Do đó, “việc giảm lãi suất trung tâm được xem như chỉ hướng đúng cho các Ngân hàng Thương mại và cả nền kinh tế đi theo đúng định hướng”, ông Thịnh nhận định.
Cùng với đó, việc giảm lãi suất cũng là một tín hiệu tích cực cho hoat động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn tái đầu tư sản xuất, kinh doanh. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp đang tăng cao.
Trong khi đó, với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn cũng như trước diễn biến tiền đồng có xu hướng tăng giá, việc giảm lãi suất để hỗ trợ cho vay xuất khẩu cũng là lựa chọn phù hợp.