Cụ thể, tổng thu NSNN lũy kế 7 tháng ước đạt 779 nghìn tỉ đồng, giảm 13,1% so với cùng kì năm 2019.
Khoản thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 21%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 12,6%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 20,5%...
Theo Vụ Ngân sách nhà nước, chỉ có 6/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 58%), nhưng chủ yếu là các khoản thu nhỏ hoặc tiền sử dụng đất, 6 khoản thu còn lại không đảm bảo tiến độ dự toán và giảm mạnh so cùng kì năm 2019.
Trong khi đó, NSNN trong 7 tháng qua phải chi 855,5 nghìn tỉ đồng, bằng 49% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kì năm 2019. Cụ thể, chi đầu tư phát triển đạt 40,8% dự toán, chi trả nợ lãi 57,8% dự toán; chi thường xuyên đạt 55,8% dự toán,...
Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm đã chịu tác động lớn bởi đại dịch Covid-19, nhất là trong thời gian thực hiện biện pháp cách li, giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Điều này đã tác động đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh và đời sống người dân.
Từ tháng 5, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất - kinh doanh - tiêu dùng dần trở lại. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn khó khăn do nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ hai tại Đà Nẵng, Quảng Nam,...
Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó do tác động của đại dịch, Chính phủ đã thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Báo cáo của Vụ Ngân sách nhà nước cũng cho biết, trong thời gian qua, NSNN đã chi khoảng 17,77 nghìn tỉ đồng cho các hoạt động liên quan đến dịch Covid-19.
Trong đó, chi cho công tác phòng, chống dịch khoảng 5,37 nghìn tỉ đồng; chi hỗ trợ cho 12,6 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 12,4 nghìn tỉ đồng.
Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã thực hiện xuất cấp khoảng 13,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.
Trước đó, theo Báo Chính phủ, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống Covid-19 ngày 7/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế và các đơn vị liên quan phải bảo đảm đủ thiết bị, vật tư y tế cho các địa phương có dịch, không để thiếu sinh phẩm, thực phẩm, vật tư y tế: "...Không được nói là vì tôi thiếu tiền, thiếu tiền thì phải xuất ngân sách dự phòng hoặc báo cáo gấp Trung ương để xử lí vấn đề này", người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Có thể nói gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ là quyết định chưa từng có trong tiền lệ, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.