Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Đông Nam Á, hơn 250 nhà máy dệt may ở Campuchia đã buộc phải tạm dừng hoạt động, dẫn tới hơn 130.000 công nhân mất việc làm. Những nhà máy này có nguy cơ sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn nếu không có một chính sách hỗ trợ hiệu quả từ phía các cơ quan chức năng.
Tại Bangladesh, nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, việc hủy đơn hàng của các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ phương Tây, trị giá hơn 2,6 tỉ USD tính đến nay, đã gây khó khăn cho khoảng 1 triệu công nhân may mặc.
Dữ liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy, hàng may mặc chiếm tới 84% tổng sản lượng xuất khẩu hàng hóa của Bangladesh trong năm 2018. Tương tự như vậy, ngành may mặc xuất khẩu là một trong số rất ít ngành tạo ra nhiều việc làm ở Campuchia, với gần 930.000 lao động, trong đó có gần 79% là lao động nữ.
Trong khi đó tại Việt Nam, nhờ chuỗi cung ứng khu vực tích hợp cao, quần áo có nhãn "Made in Vietnam" thường bao gồm sợi tổng hợp được sản xuất tại Nhật Bản, kéo sợi ở Hàn Quốc, vải dệt ở Trung Quốc và phụ kiện do Đài Loan cung cấp.
Sản xuất hàng dệt may đòi hỏi vốn đầu tư và công nghệ đáng kể, không giống như qui trình cắt và may thông dụng. Đây chính là lí do tại sao các nhà máy may mặc ở hầu hết các quốc gia đang phát triển ở châu Á vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu (sợi và vải) với hơn 80% trong số đó có nguồn gốc từ các nền kinh tế phát triển hơn ở châu Á.
Đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức chưa từng có đối với “công xưởng dệt may” tại châu Á, dẫn đến việc hủy đơn hàng hàng loạt, nhiều nhà máy buộc phải đóng cửa và hàng triệu công nhân làm việc trong lĩnh vực này rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Tuy nhiên, triển vọng của ngành công nghiệp dệt may trong thời kì hậu Covid-19 vẫn còn đầy hứa hẹn, vì ba lí do chính dưới đây.
Thứ nhất, các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ phương Tây vẫn coi châu Á là khu vực cung ứng may mặc lớn nhất của họ. Đơn cử như trong 5 tháng đầu năm 2020, hơn 80% hàng may mặc nhập khẩu của Mỹ, về cả giá trị và số lượng, đều đến từ các công xưởng châu Á. Các nhà bán lẻ thời trang đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng ngoài Trung Quốc, nhưng các đơn hàng của họ phần lớn được thực hiện ở các quốc gia châu Á - chủ yếu là ở Bangladesh, Việt Nam và các khu vực khác của ASEAN.
Thứ hai, nhờ nhiều năm đầu tư liên tục vào các công nghệ tự động, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sản phẩm và cơ sở hạ tầng, hàng may mặc được sản xuất bởi “đại công xưởng” châu Á đang trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết trên thị trường thế giới.
Các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ phương Tây coi châu Á là nguồn cung ứng ưa chuộng, không chỉ bởi vì các nhà máy may mặc ở đây có thể cung cấp với mức giá cạnh tranh cao, mà còn bởi vì “đại công xưởng” này cung cấp các lợi ích giá trị gia tăng khác như tốc độ sản xuất, độ tin cậy và tính linh hoạt. Đây là một lợi thế cạnh tranh độc đáo nhưng rất quan trọng, khó có thể tìm thấy ở các nhà cung cấp khác trên thế giới.
Thứ ba, tăng trưởng kinh tế ổn định và sức mua của người tiêu dùng tăng đã biến châu Á thành một trong những thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn nhất thế giới. "Người châu Á dùng hàng châu Á" đã nổi lên như một xu hướng quan trọng có lợi cho các nhà sản xuất hàng may mặc trong khu vực.