Các phiên thảo luận trong diễn đàn Qũy đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. (Ảnh: Thiên Trường).
Diễn đàn Quĩ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam cho biết, nguồn nhân lực Việt Nam đang có thứ bậc khá thấp trên bảng xếp hạng nhân lực thế giới, chỉ ở mức 70/100.
Hiện tại, Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, chủ yếu ở các khía cạnh ngoại ngữ, kĩ năng mềm, kĩ năng lãnh đạo, quản lí,…
Theo bà Nguyễn Phương Mai, giám đốc điều hành Navigos, nhân tài công nghệ Việt Nam thông minh, nhạy bén. Tuy nhiên, điểm yếu của những nhân tài này, ngăn cản họ đến với các start-up, theo bà Mai đó là kĩ năng mềm, tư duy kinh doanh, cách nhận biết môi trường xung quanh, và đặc biệt là thiếu sự sáng tạo.
"Hệ thống giáo dục thiếu sự chia sẻ, không thể lên tiếng", bà Phương Mai giải thích.
Cũng theo vị giám đốc điều hành Navigos, việc thiếu sức sáng tạo của nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao Việt Nam thể hiện ở khía cạnh họ không có được các kĩ năng lãnh đạo, quản lí khi ở các vị trí cao hơn. "Hơn nữa, mức độ cam kết dài hạn của họ với công việc là không đảm bảo", bà Mai nhấn mạnh.
Còn theo ông Huy Nguyễn, CEO Holistics, một phần nguyên nhân của thực trạng trên đến từ lịch sử ngành IT ở Việt Nam. Trong lịch sử, ngành IT của Việt Nam phát triển chủ yếu thông qua quá trình gia công cho các công ty nước ngoài.
"Chúng ta không đảm nhận toàn bộ quá trình sản xuất ra sản phẩm, dẫn tới việc có một khoảng trống rất lớn giữa số lượng kĩ sư phần mềm và những người có khả năng quản lí, phát triển tổng thể một sản phẩm hoàn chỉnh", ông Huy chia sẻ.
Ông Huy Nguyễn ví von, lực lượng nhân lực công nghệ cao ở Việt Nam giống như những viên ngọc thô, cần được mài giũa, rèn luyện để tỏa sáng. Một lí do khác khiến Việt Nam có nguồn nhân lực thấp, theo ông Huy đó là do Việt Nam không có hệ sinh thái công nghệ phát triển. cũng như không có các tập đoàn công nghệ đầu tàu dẫn dắt như Google, Facebook hay Microsoft.
Nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao Việt Nam đang là bài toán khiến các doanh nghiệp đau đầu.
"Nhân lực công nghệ Việt Nam có nhiều vấn đề nhưng cũng có nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề này" ông Tuấn Phạm, CEO Topica Edtech Group cho biết.
Vị CEO này cho rằng, giải pháp hữu hiệu nhất cho bài toán nguồn nhân lực công nghệ tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại vẫn là "đào tạo lại". "Các doanh nghiệp cần xây dựng chương trình đào tạo lại cho sinh viên sau tốt nghiệp".
"Trong quá trình tuyển dụng, chúng tôi xác định xem ứng viên có sẵn sàn tiến về phía trước hay không, có sẵn sàng lên tiếng khi có vấn đề hay không, có cam kết với doanh nghiệp không… và đã thu được những kết quả khá cao, tìm được rất nhiều người tài để đưa vào các chương trình đào tạo của doanh nghiệp. Vì thế, chúng ta không nên quá bi quan về nguồn nhân lực công nghệ hiện tại của Việt Nam", vị CEO đến từ Topica khẳng định.
Nói về vấn nạn chảy máu chất xám, rằng người tài sau khi được đào tạo đã rời bỏ doanh nghiệp để đến với những cơ hội mới tốt hơn, ông Tuấn Phạm đưa ra thông tin: "Ngày đến các tập đoàn lớn như Facebook, Google với mức lương cao, đãi ngộ hấp dẫn cũng chỉ giữ chân nhân viên được 24 tháng".
Đứng dưới góc nhìn của một nhà quản lí, bà Phương Mai chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp: "Nếu không đầu tư cho đào tạo lại thì cần phải hoạch định chiến lược kinh doanh như thế nào cho hiệu quả? Doanh nghiệp thì luôn cam kết đào tạo nhân lực nhưng cam kết đó có được người lao động tôn trọng hay không thì không ai đảm bảo cả. Pháp luật không bảo vệ doanh nghiệp trong những trường hợp này".
Ông Tạ Hải Tùng, viện trưởng viện CNTT&TT, ĐH Bách Khoa HN đưa ra một giải pháp khác, đó là Chính phủ nên đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ ở các trường đại học, để có các bằng sáng chế vì "không có bằng sáng chế thì sao khởi nghiệp được", ông Tùng đặt câu hỏi.
Kết thúc phiên thảo luận, đa phần các diễn ra đều đồng ý rằng, nguồn nhân lực công nghệ tại Việt Nam rất giàu tiềm năng, nhân tài là những viên ngọc thô, các nhà tuyển dụng cần kiên nhẫn hơn một chút, cần thời gian để nâng đỡ, hỗ trợ họ, đến khi họ lên một cấp cao rồi thì họ sẽ trở thành các CTO, tỏa sáng. Vì thế hãy kiên nhẫn!