Ngày mai các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn hầu tòa trong vụ án 'đi vào lịch sử tư pháp'

Theo dự kiến, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên xử các bị cáo liên quan thương vụ AVG từ sáng 16/12 cho đến ngày cuối cùng của năm 2019.
Ngày mai các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn hầu tòa trong vụ án đi vào lịch sử tư pháp - Ảnh 1.

Các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và đồng phạm. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (cả 2 đều từng giữ chức bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông) phải ra tòa với các cáo buộc về tội "vi phạm các quy định về quản đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "nhận hối lộ".

Ông Phạm Nhật Vũ - cựu chủ tịch hội đồng quản trị AVG - bị truy tố về tội "đưa hối lộ".

Điều đáng nói, cho đến nay, số tiền 3 triệu USD mà ông Nguyễn Bắc Son khai nhận từ ông Phạm Nhật Vũ vẫn chưa thu hồi được. Ông Son khai đưa số tiền này cho con gái làm nhiều lần nhưng cô này phủ nhận.

Các ông Son, Tuấn cùng nhiều cựu lãnh đạo MobiFone còn bị xét xử về tội "vi phạm các quy định về quản đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo cáo trạng, năm 2015 MobiFone thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỉ đồng, thuộc dự án nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư.

Trong quá trình thực hiện dự án, các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải cùng một số lãnh đạo MobiFone đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá; lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với tổng giá trị thiệt hại hơn 6.500 tỉ đồng.

Cáo trạng xác định: dự án chưa được Thủ tướng ban hành quyết định chủ trương đầu tư nhưng ông Son đã chỉ đạo ông Phạm Đình Trọng đề xuất và giao ông Tuấn quyết định phê duyệt.

Ông Son đã chỉ đạo quyết liệt cho MobiFone phải hoàn tất thương vụ mua AVG trong năm 2015, trước thời điểm ông nghỉ hưu. Kết quả điều tra cũng làm rõ quá trình thực hiện dự án, ông Phạm Nhật Vũ đã nhiều lần liên lạc, gọi điện thoại, nhắn tin cho ông Son để hối thúc mong muốn bán được sớm cổ phần. Ông Son nghĩ rằng nếu việc mua bán thành công thì cổ đông AVG sẽ cảm ơn ông bằng vật chất.

Sau khi hoàn tất việc mua bán, ông Vũ đến nhà riêng ông Son đưa 3 triệu USD.

Ngoài ra ông Tuấn thừa nhận quá trình thực hiện dự án đã được ông Vũ nhiều lần gọi điện thúc giục tạo điều kiện thực hiện nhanh. Sau khi hoàn thành dự án, ông Vũ đã đến phòng làm việc riêng của ông Tuấn đưa số tiền 200.000 USD. Ông Tuấn nhận thức được việc ông Vũ đưa tiền cho mình vì ông có tham gia dự án, quyết định 236. Các ông Cao Duy Hải cũng nhận từ Vũ 500.000 USD, Lê Nam Trà nhận 2,5 triệu USD.

Quá trình điều tra, truy tố vụ án này được đánh giá là đi vào lịch sử ngành tư pháp, bởi lần đầu tiên các cựu quan chức thừa nhận đã nhận hối lộ với số tiền lớn. Đồng thời, đây cũng là một trong số hạn hữu vụ án liên quan đến kinh tế, tham nhũng mà Nhà nước đã thu hồi được toàn bộ tài sản (bao gồm khoảng 8.900 tỉ đồng và số tiền lãi suất).

Ông Vũ được đánh giá là đã hợp tác tốt với cơ quan tiến hành tố tụng, từ đó đã làm rõ được tội "nhận hối lộ" của các ông Son, Tuấn và đồng phạm. 

Ông Vũ cũng chủ động khắc phục hậu quả, sớm hoàn trả tiền cho Nhà nước. Các cơ quan điều tra, truy tố cũng ghi nhận ông Vũ có nhiều đóng góp cho hoạt động từ thiện, hoạt động Phật giáo, coi đây là các tình tiết giảm nhẹ đáng được ghi nhận.

Ngày mai các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn hầu tòa trong vụ án đi vào lịch sử tư pháp - Ảnh 2.

(Nội dung: H.Đ. Đồ họa: AN BÌNH)

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.