Ngày Quốc tế Gia đình là ngày nào?
Ngày Quốc tế Gia đình tên tiếng Anh là International Day of Families (IDF) là một ngày lễ quốc tế được Liên Hợp Quốc đặt ra nhằm tăng cường nhận thức về những vấn đề gia đình trên toàn thế giới. Đây cũng là dịp để nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình đối với xã hội và nhắc nhở mỗi cá nhân về tầm quan trọng của gia đình trong cuộc sống.
Ngày 20/9/1993, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 15/5 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình. Trong năm 2024, ngày lễ này rơi vào thứ Bảy. Đây là một ngày đặc biệt được chọn để mọi người trên khắp thế giới cùng tôn vinh và đề cao vai trò của gia đình trong cuộc sống.
Nguồn gốc của ngày Quốc tế Gia đình
Năm 1983, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, theo đề nghị của Ủy ban Phát triển Xã hội tại kỳ họp thứ 28, đã thông qua một nghị quyết (1984/23) về vai trò của gia đình trong quá trình phát triển. Nghị quyết này nhấn mạnh mục tiêu "thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách và công chúng hiểu rõ hơn về những vấn đề và nhu cầu của gia đình cũng như các phương tiện hiệu quả để đối phó với những vấn đề đó".
Ngày 29/5/1985, trong nghị quyết 1985/29, Hội đồng Kinh tế và Xã hội đã trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc xem xét trong chương trình nghị sự một mục mang tên "Các gia đình trong quá trình phát triển" nhằm bắt đầu một quá trình phát triển nhận thức toàn cầu về những vấn đề liên quan tới gia đình.
Sau đó, ngày 7/12/1987, theo đề nghị của Ủy ban Phát triển Xã hội tại kỳ họp thứ 30 và cũng của chính Ủy ban này tại phiên họp chính thức đầu tiên năm 1987 (nghị quyết 1987/42 ngày 28/5/1987), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết 42/134, trong đó kêu gọi "Tất cả các quốc gia đưa ra ý kiến về việc kỷ niệm một năm quốc tế về gia đình".
Đại hội đồng cũng yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc "công bố, tại phiên họp thứ 43, một bản báo cáo chi tiết, xây dựng dựa trên các đánh giá và đề xuất của các chính phủ thành viên, liên quan đến việc kỷ niệm một năm quốc tế gia đình và các phương tiện khác để cải thiện tình hình, vật chất của gia đình và nhấn mạnh sự hợp tác quốc tế trong khuôn khổ các nỗ lực chung của thế giới nhằm ủng hộ các tiến bộ và sự phát triển trong lĩnh vực xã hội".
Từ những nghị quyết và đề xuất trên, Năm 1993, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã đưa ra nghị quyết A/RES/47/237, lấy ngày 15/5 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Gia đình.
Kể từ đó, ngày Quốc tế Gia đình đã “châm ngòi” cho hàng loạt các sự kiện nâng cao nhận thức về gia đình ở các quốc gia.
Ở nhiều nước, ngày này là dịp để nhấn mạnh các lĩnh vực ưu tiên khác nhau và những giá trị quan trọng khác nhau đối với mỗi gia đình. Các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế gia đình bao gồm: Tổ chức hội nghị, hội thảo, các chương trình trên vô tuyến, đài, các sự kiện văn hóa với chủ đề gia đình…
Ý nghĩa của ngày Quốc tế Gia đình
Có thể nói, ngày Quốc tế Gia đình mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, gia đình không chỉ là một phần của xã hội mà còn là trụ cột quan trọng đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển toàn diện.
Một trong những mục tiêu trọng tâm của Chương trình là chấm dứt đói nghèo, phát triển kinh tế thịnh vượng, phát triển xã hội, nâng cao phúc lợi cho người dân và bảo vệ môi trường. Trong tình hình này, gia đình vẫn giữ vai trò chủ chốt trong đời sống xã hội, góp phần đảm bảo sự hạnh phúc và khỏe mạnh cho từng thành viên. Gia đình là nơi mà các thành viên nhận được sự chăm sóc, giáo dục và hỗ trợ, nhất là trẻ em và người già.
Đặc biệt, việc áp dụng các chính sách lấy gia đình làm trọng tâm có thể đóng góp mạnh mẽ vào việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Những chính sách này không chỉ hỗ trợ mục tiêu xóa đói giảm nghèo mà còn bảo đảm sự khỏe mạnh và hạnh phúc cho từng thành viên trong gia đình, tạo điều kiện cho cơ hội học tập và phát triển bình đẳng giới.
Với tầm quan trọng và vai trò không thể phủ nhận của gia đình trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và hạnh phúc cho mọi người, ngày Quốc tế Gia đình trở thành dịp để tôn vinh và cảm ơn sự đóng góp của gia đình trong xã hội, cũng như để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và hỗ trợ gia đình trên toàn thế giới.