Ngày Tết 2023 nên đi chùa nào ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn?

Mỗi năm Tết đến Xuân về cũng là lúc nhiều người dân và gia đình Việt đi lễ chùa nhằm cầu mong những điều may mắn. Để biết được vào ngày Tết nên đi chùa nào cho năm mới may mắn, hãy cùng tham khảo các ngôi chùa linh thiêng ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn trong bài viết sau.

‏Tết 2023 đi chùa nào ở Hà Nội cho năm mới may mắn, bình an?‏

‏Việc đi chùa đầu năm đã được xem là một nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt Nam nói chung và các Phật tử nói riêng. Hằng năm vào những ngày năm mới Tết đến, người dân Hà thành lại đổ về các ngôi chùa lớn để dâng lễ và cầu nguyện cho một năm mới an lành, may mắn.‏

‏Dưới đây là một số ngôi chùa linh thiêng ở Hà Nội mà bạn có thể tham khảo để đến cầu an trong dịp năm mới sắp tới:‏

‏Chùa Trấn Quốc‏

‏Với lịch sử hơn 1500 năm tuổi đời, chùa Trấn Quốc được xem là ngôi chùa lâu đời bậc nhất tại kinh thành Thăng Long và từng là trung tâm Phật Giáo của Kinh thành Thăng Long thời Lý và Trần. ‏

‏Ngày nay, chùa được mệnh danh là ngôi chùa linh thiêng bậc nhất tại Hà Nội và là nơi lui tới cầu an của các Phật tử, cũng như điểm vãn cảnh lý tưởng cho du khách.‏

‏Đặc biệt, chùa Trấn Quốc ngày xưa còn là danh thắng bậc nhất đất kinh kỳ, là nơi để các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết và nổi tiếng linh thiêng về cầu tài, cầu lộc. Chính vì vậy, vào những ngày đầu năm, ngôi chùa này luôn tấp nập những du khách, Phật tử đến lễ chùa và cầu mong những điều may mắn sẽ đến với gia đình mình.‏

‏Ngoài việc lễ bái, việc thưởng thức cảnh đẹp xung quanh chùa cũng là một trong những hoạt động không thể bỏ qua. Ngay từ cổng tam bảo khoảng 15m, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vườn tháp, nổi bật nhất là một tòa bảo tháp cao 11m, 9 tầng với khoảng 66 pho tượng. ‏

‏Một khu vực khác mà bạn không thể bỏ lỡ khác khi tham quan tại chùa là nơi trồng cây bồ đề được tổng thống Ấn Độ Prasat mang từ xứ sở của Phật Giáo tới trao tận tay cho Bác Hồ. Hàng năm, có hàng triệu khách du lịch đổ về đây để hành hương khấn Phật và bái lễ trước cây bồ đề này.‏

‏Địa chỉ: phía Đông bên Hồ Tây, cuối Đường Thanh Niên, Phường Yên Phụ, Quận Tây Hồ‏

‏Giờ mở cửa: ‏

‏- Ngày thường: 8h - 16h tất cả các ngày trong tuần‏

‏- Ngày giao thừa: 8h - 0h‏

‏- Ngày mùng 1 và ngày rằm: 6h - 20h‏

  ‏Ảnh: Du Lịch Việt Nam‏ 

  ‏Ảnh: Du Lịch Việt Nam‏ 

‏Chùa Quán Sứ‏

‏Chùa Quán Sứ từ lâu đã nổi tiếng là ngôi chùa linh thiêng, thanh tịnh tại thủ đô Hà Nội. Ngoài ra đây còn là trụ sở của giáo hội Phật giáo Việt Nam và là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của giáo hội. ‏

‏Do đó, trong ngày đầu năm mới thường có rất nhiều người dân, Phật tử đổ về đây để đi lễ cầu mong mình và gia đình gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc sống. ‏

‏Không những vậy, chùa Quán Sứ cũng là một trong rất ít ngôi chùa ở Việt Nam mà tên chùa cũng như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ. ‏

‏Về lịch sử hình thành, ngôi chùa này là nơi thờ Phật và các vị quốc sư của nhà Lý. Trong đó, gian bên trái thờ tượng Đức Ông và tượng Châu Sương, Quan Bình, gian bên Phải thờ Lý Quốc Sư (tức Thiền sư Minh Không) với hai thị giả.‏

‏Phía trong cùng của chùa sẽ khu vực thờ ba vị Tam Thế Phật trên bậc cao nhất, bậc kế tiếp thờ tượng Phật A-di-đà ở giữa, hai bên có tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí. Bậc tiếp theo được sắp xếp vị trí ở giữa để thờ Phật Thích Ca, hai bên là A-nan-đà và Ca-diếp. Bậc thấp nhất, ở ngoài cùng có tòa Cửu Long đứng giữa tượng Quan Âm và Địa Tạng.‏

‏Địa chỉ: 73 phố Quán Sứ, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm‏

‏Giờ mở cửa: 6h - 19h‏

‏Ảnh: Tạp chí Công thương‏ 

‏Ảnh: baotintuc.vn‏

‏Chùa Phúc Khánh‏

‏Chùa Phúc Khánh còn có tên gọi là chùa Sở và chùa Thịnh Quang theo tên địa danh nhân dân thường gọi. Ngôi chùa này đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia vào năm 1988. ‏

‏Đến thăm chùa bạn có dịp được ngắm những di vật trong chùa và 20 pho tượng được tạc vào thế kỷ XVIII mang đậm phong cách nghệ thuật Tây Sơn với số bia đá lên đến 21 tấm. Trong đó, bia Chính Hòa 19 có tuổi đời lâu nhất đã được gìn giữ từ năm 1698 đến nay. ‏

‏Ngoài ra chùa Phúc Khánh còn sở hữu đến ba quả chuông đồng, một quả đã có từ thời Cảnh Thịnh 4 (1796), cửa võng 14 bộ và một số đồ thờ khác như bát hương đồng, lư hương đá, nhang án,...‏

‏Đặc biệt, các Phật tử đến lễ chùa còn có dịp thỉnh chuyện với Thượng tọa Thích Thanh Quyết - một bậc cao tăng nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam về chùa trụ trì.‏

‏Không chỉ nổi tiếng bởi kiến trúc cổ kính, thanh tịnh, chùa Phúc Khánh còn tổ chức các đại lễ cầu an lớn năm vào ngày 14 và 15 tháng Giêng hằng năm thu hút hàng nghìn Phật tử đến cúng viếng, dâng sao giải hạn đầu năm, cầu may, hái lộc và xin quẻ cho một năm mới của bản thân và gia đình.‏

‏Thông thường, chùa sẽ mở cửa từ sáng sớm, nhưng chỉ vừa đến đầu giờ chiều là khuôn viên đã chật kín người đến dâng lễ. Vì vậy, nhà chùa phải đóng cửa từ 17h để hạn chế tình trạng đông đúc chen lấn, nếu có ý định đến chùa Phúc Khánh cầu an, các Phật tử nên chủ động đi từ sớm để xếp lễ. ‏

‏Địa chỉ: 382 phố Tây Sơn, Quận Đống Đa‏

‏Giờ mở cửa: 5h - 21h

 ‏Ảnh: Tổ Đình Phúc Khánh‏

 ‏Ảnh: Tổ Đình Phúc Khánh‏

‏Tết đi chùa nào ở Huế linh thiêng nhất 2023?‏

‏Bên cạnh những công trình lịch sử văn hóa vượt thời gian, xứ Huế còn là “cái nôi” của những ngôi chùa cổ kính, nơi chứa đựng vẻ đẹp tâm linh huyền ảo gắn liền với lịch sử bao đời của đất cố đô.‏

‏Cũng chính vì vậy mà việc đi chùa vào những đầu năm mới đã trở thành một trong những hoạt động vô cùng quan trọng đối với người dân nơi đây.‏

‏Nếu như bạn đang tìm kiếm một ngôi chùa để đến dâng lễ cầu an trong những ngày Tết, bạn có thể tham khảo những ngôi chùa ở Huế linh thiêng nhất sau đây:‏

‏Chùa Thiên Mụ ‏

‏Nhắc đến những ngôi chùa Huế, chắc hẳn không thể bỏ qua chùa Thiên Mụ - ngôi chùa cổ nhất xứ Huế được xây dựng vào năm 1601, dưới thời chúa Nguyễn Hoàng. Chùa nằm bên dòng sông Hương đoạn qua Phường Kim Long, cách trung tâm TP Huế 5km về hướng Tây. ‏

‏Trải qua hàng trăm năm từ thời các chúa Nguyễn đến vua Nguyễn, chùa Thiên Mụ được vua Thiệu Trị xếp vào diện “thần kinh nhị thập cảnh”. Ngày nay, ngôi chùa này được xem là một trong những biểu tượng tâm linh của người dân cố đô.‏

‏Không những vậy, nơi đây còn được liệt kê vào danh sách những ngôi chùa có kiến trúc cổ kính, đồ sộ nhất ở Huế với các công trình nổi tiếng như: đỉnh Hương Nguyện, điện Đại Hùng, điện địa Tạng, điện Quan Âm…‏

‏Có thể thấy, chùa Thiên Mụ luôn thu hút rất đông Phật tử cũng như du khách đến cúng viếng, tụng kinh vào mỗi dịp lễ lớn hay ngày rằm. Những ngày Tết Nguyên Đán, nơi đây cũng chào đón hàng nghìn du khách xa gần đến để cầu bình an, may mắn cho năm mới.‏

‏Địa chỉ: Đường Nguyễn Phúc Nguyên, đỉnh đồi Hà Khê, Phường Hương Long, bờ Bắc sông Hương (cách trung tâm TP Huế khoảng hơn 5km)‏

‏Giờ mở cửa: Cả ngày

 ‏Ảnh: Báo Dân sinh‏

‏Chùa Từ Đàm‏

‏Chùa Từ Đàm là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Huế và luôn thu hút rất đông du khách đến chiêm bái, đặc biệt mỗi dịp Tết Nguyên Đán. ‏

‏Bên cạnh việc chiêm bái cầu bình an cho gia đình, du khách đến chùa Tử Đàm còn có thể tìm hiểu về những giá trị lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc, điêu khắc cổ mà ngôi chùa vẫn còn giữ gìn đến ngày hôm nay.‏

‏Theo đó, ngôi chùa này được xây dựng vào năm 1690, dưới đời chúa Nguyễn Phúc Thái, hiện đang là trung tâm Phật học lớn của cả nước và là niềm tự hào của Phật giáo Huế cũng như Phật giáo Việt Nam. Kiến trúc và cách thờ tự của ngôi chùa này từ lâu đã trở thành hình mẫu cho các chùa chiền ở vùng đất cố đô. ‏

‏Địa chỉ: Số 1 đường Sư Liễu Quán, Phường Trường An‏

‏Giờ mở cửa: 6h - 21h

‏Ảnh: Vietgoing‏

‏Chùa Từ Hiếu‏

‏Ẩn mình trong rừng thông rộng lớn, chùa Từ Hiếu cũng là một trong những địa điểm nằm trong danh sách các ngôi chùa linh thiêng ở Huế mà bạn không thể không ghé thăm. ‏

‏Đến với ngôi chùa này, chắc chắn bạn sẽ bị mê hoặc bởi bản ca du dương được dệt từ hàng thông cao chót vót, tiếng chuông chùa ngân vọng từ xa. ‏

‏Chính sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc độc đáo và khung cảnh thiên nhiên thơ mộng đã làm cho biết bao du khách đến đây có cảm tưởng như lạc vào thế giới nửa thực nửa mơ. Tất cả làm nên một hành trình khám phá mảnh đất cố đô đầy ấn tượng.‏

‏Bên cạnh đó, chùa Từ Hiếu còn nổi tiếng với câu chuyện về lòng hiếu thảo của người con đối với mẹ già. Đây cũng là nơi các Phật tử viếng thăm để cầu sức khỏe, bình an cho ông bà, cha mẹ và gia đình vào mỗi dịp đầu năm. ‏

Địa chỉ: Thôn Dương Xuân Thượng III, Phường Thủy Xuân‏

‏Giờ mở cửa: 5h30 - 20h tất cả các ngày trong tuần‏

‏Ảnh: thuvien.thuathienhue.gov.vn‏

‏Chùa Huyền Không Sơn Thượng‏

‏Nhắc đến những ngôi chùa ở Huế nổi tiếng linh thiêng không thể bỏ qua chùa Huyền Không Sơn Thượng. ‏

‏Đây là một trong những ngôi chùa thuộc hệ Phật giáo Nam Tông nằm cách TP Huế khoảng hơn 10km về hướng Tây, ẩn mình trong một thung lũng, xung quanh là những dãy núi cao, rừng thông bạt ngàn xanh mát suốt quanh năm. ‏

‏Đến đây, bạn sẽ không thể nào quên được sự giản dị có phần khiêm nhường nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp riêng biệt. ‏

‏Nếu chú ý quan sát, bạn sẽ thấy được sự khác biệt của chùa Huyền Không Sơn Thượng so với những ngôi chùa khác. Ở đây không có cổng Tam quan lớn mà chỉ là cổng bình thường của ngôi nhà theo kiến trúc sân vườn đặc trưng xứ Huế. ‏

‏Chùa Huyền Không Sơn Thượng được chia thành hai không gian chính là Ngoại viện và Nội viện với khung cảnh trầm mặc, thanh tịnh, thu hút du khách khắp nơi tìm về để tĩnh tâm và thư giãn. ‏

‏Vào dịp Tết Nguyên Đán hằng năm, bạn đừng quên ghé chùa Huyền Không Sơn Thượng để thưởng ngoạn vẻ đẹp thơ mộng, an yên và quan trọng hơn hết là để cầu bình an cho bản thân, gia đình.‏

‏Địa chỉ: Thôn Chầm, Phường Hương Hồ, Thị xã Hương Hà‏

‏Giờ mở cửa: Cả ngày‏

 ‏Ảnh: Phatgiao.org.vn‏

 ‏Ảnh: hocvahanh.com‏

‏Tết đi chùa nào ở Sài Gòn để cầu may mắn 2023?‏

‏Trong trường hợp bạn vẫn chưa biết dịp ‏Tết đi chùa nào‏ ở Sài Gòn để cầu mong những điều may mắn, tình duyên và tài lộc cho bản thân và gia đình, bạn có thể tham khảo một số ngôi chùa linh thiêng tại TP HCM sau đây:

‏Chùa Ngọc Hoàng (Chùa Phước Hải)‏

‏Chùa Ngọc Hoàng hay còn có tên gọi khác là chùa Phước Hải là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Sài Gòn mà bạn không nên bỏ qua trong chuyến hành hương lễ chùa đầu năm mới.‏

‏Chùa Ngọc Hoàng được thiết kế theo kiến trúc của người Hoa, tương truyền trước kia chùa còn được gọi là Điện Ngọc Hoàng thờ Thần Hoàng của người Hoa. ‏

‏Bên trong chùa vẫn còn lưu giữ lại nhiều bức tượng điêu khắc bằng gỗ rất đẹp và quý hiếm. Khi bước vào trong bạn sẽ phải trầm trồ với khung cảnh nhang khói tỏa nghi ngút khắp sân vườn và hồ hoa sen. 

‏Đặc biệt, trong chùa có một hồ nuôi rùa lên tới hàng nghìn con, du khách vãn cảnh chùa có thể phóng sinh rùa xuống hồ.‏

‏Không chỉ có kiến trúc đẹp mà đây còn là ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng, đến đây bạn sẽ được nghe những câu chuyện linh thiêng rằng, chỉ cần thành tâm và chạm vào ông Tơ, bà Nguyệt hay Thánh mẫu thì sẽ cầu được tình duyên, cầu được con. Chính vì thế mà vào dịp lễ Tết và cả ngày thường cũng có đông người dân kéo về chùa Ngọc Hoàng chủ yếu là để cầu tình duyên và mong cho gia đạo ấm êm, hạnh phúc.‏

‏Địa chỉ: 73 Mai Thị Lựu, Phường Đa Kao, Quận 1‏

‏Giờ mở cửa: 7h - 16h tất cả các ngày trong tuần‏

 ‏Ảnh: Tico Travel‏

 ‏Ảnh: Tico Travel‏

‏Chùa Vĩnh Nghiêm‏

‏Chùa Vĩnh Nghiêm là một ngôi chùa theo Phật giáo Bắc Tông (hệ phái Đại Thừa) rất nổi tiếng ở Sài Gòn, được xây dựng theo nguyên mẫu của ngôi cổ tự cùng tên ở Bắc Giang vào năm 1964 và bắt đầu hoạt động từ năm 1971 đến nay.‏

‏Nét độc đáo của ngôi chùa này chính là tháp đá cao 14m với 7 tầng, được xây dựng và trạm trổ với những hoa văn, họa tiết theo phong cách văn hóa đời Lý Trần. ‏

‏Ngoài ra, đây cũng là một ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng nằm trong khu vực trung tâm thành phố. Chính vì vậy, vào mỗi dịp lễ, Tết, hay thậm chí là trong những ngày bình thường, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn nghi ngút nhang đèn của khách hành hương, khách du lịch, cũng như các Phật tử đến viếng chùa.‏

‏Địa chỉ: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 14, Quận 3‏

‏Giờ mở cửa: 7h - 21h tất cả các ngày trong tuần‏

Ảnh: Go2Joy‏

‏Ảnh: Phật Sự Online

‏Việt Nam Quốc Tự‏

‏Việt Nam Quốc Tự luôn thu hút rất đông Phật tử cũng như du khách đến cúng viếng, tụng kinh vào mỗi dịp lễ lớn hay ngày rằm. Những ngày Tết Nguyên Đán nơi đây cũng chào đón hàng ngàn du khách xa gần. ‏

‏Bên cạnh việc được chú ý bởi sức hút tâm linh, Việt Nam Quốc Tự Sài Gòn còn được biết đến với lối kiến trúc rất ấn tượng. Đến chùa, bạn sẽ thấy sự hài hòa trong kiến trúc khi khuôn viên chùa vừa sở hữu yếu tố hiện đại, lại vừa có những nét truyền thống cổ xưa. ‏

‏Nếu bên ngoài mang vẻ đẹp lấp lánh, phảng phất nét cổ xưa, thì bên trong kiến trúc của Việt Nam Quốc Tự lại có vẻ đẹp hiện đại. Các nội thất được sử dụng điều đó giúp cho người dùng cảm thấy thoải mái và dễ chịu, đáp ứng được nhu cầu dùng linh hoạt.‏

‏Hiện tại, chùa Việt Nam Quốc Tự có diện tích lên đến 11.000 mét vuông, bao gồm cả phần khuôn viên bên ngoài. Diện tích này đã tăng lên nhiều sau quá trình tu sửa, nhờ đó mà ngôi chùa đã trở thành trung tâm văn hóa, cũng như trung tâm hành chính của giáo hội Phật giáo nước ta.‏

‏Không chỉ là một ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng tại Sài Gòn, Việt Nam Quốc Tự còn được biết đến nhiều hơn khi sở hữu tòa tháp cao nhất nước ta. Theo đó, tòa tháp của chùa có 13 tầng với chiều cao lên đến 63m, đây thực sự là con số ấn tượng với một ngôi chùa Phật giáo.‏

‏Với những nét độc đáo trong kiến trúc và các hoạt động văn hóa tín ngưỡng truyền thống, Việt Nam Quốc Tự chắc hẳn sẽ là một địa điểm mà bạn nên đến để lễ chùa vào những ngày đầu Xuân năm mới.‏

‏Địa chỉ: 244 Đường 3 Tháng 2, Phường 12, Quận 10‏

‏Giờ mở cửa: 7h30 - 11h | 15h - 17h30 vào tất cả các ngày trong tuần‏

 Ảnh: Giác Ngộ Online‏

‏Ảnh: Riviu‏ 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.