Việt Nam là quốc gia đa dạng văn hóa, trong đó có ẩm thực. Mỗi khu vực sẽ có những món ăn độc đáo mang đậm bản sắc vùng miền. Miền Bắc, nơi tinh hoa ẩm thực được thể hiện rõ nét khi có nhiều địa phương là kinh đô của các triều đại trong lịch sử dân tộc.
Theo đó, ẩm thực phương Bắc được biết đến với nhiều món ngon dù đơn giản nhưng vẫn mang đến mùi vị không thể trộn lẫn. Hãy cùng tham khảo 5 món ăn Tết ngon tại khu vực này để thiết đãi khách trong nhân dịp Xuân Quý Mão.
Nộm là một trong những món ăn quan trọng trong ngày Tết cổ truyền của người dân miền Bắc. Món ăn được kết hợp từ một số nguyên liệu như rau muống, su hào, hoa chuối, cà rốt,… tạo nên một món ăn có vị chua ngọt dễ ăn cùng màu sắc vô cùng bắt mắt.
Trên mâm cỗ đãi khách ngày Tết, nhiều gia đình thường chọn món ăn này vì giúp cân bằng hương vị với các thực phẩm khác. Trong khi các món ăn được làm từ thịt, được chiên, rán,... rất dễ gây ngán thì món ăn này sẽ là cứu cánh để thực khách có thể tiếp tục thưởng thức các món ngon trên bàn tiệc.
Gà luộc là món ăn truyền thống của miền Bắc. Không chỉ ngày Tết mà ngay cả những ngày thường, khi khách đến nhà, gia chủ cùng chiêu đãi khách món ăn này.
Đặc biệt, đây cũng là món ăn luôn thường trực trong mỗi gia đình. Để cúng Giao thừa hay ngày đầu năm mới, gà luộc đều là món không thể thiếu. Nhiều người tin rằng, khi dâng gà luộc lên đất trời sẽ mang tới khởi đầu thuận lợi, may mắn đủ đầy.
Gà luộc với phần da vàng ươm, chặt thành miếng thật đều tay, xếp lên đĩa thật đẹp mắt, để trang trí, gia chủ sẽ rắc thêm vài sợi lá chanh thái chỉ mỏng. Khi ăn, gà luộc sẽ được ăn kèm với muối tiêu chanh khiến cho món ăn thêm đậm vị.
Một món ăn đãi khách ngày tết không thể thiếu chính là thịt đông. Giữa tiết trời se lạnh của miền Bác ngày đầu năm, món thịt đông ăn kèm với dưa hành lại càng thêm hấp dẫn.
Trong những món ngon ngày Tết đậm đà hương vị cổ truyền, thịt đông là món không thể thiếu. Món ăn được làm từ thịt heo, thịt gà hoặc đôi khi là cả chân giò heo, thêm chút mộc nhĩ, nấm hương, gia giảm gia vị vừa ăn rồi ninh nhừ. Sau đó để ngoài trời cho đông lại hoặc bảo quản trong tủ lạnh.
Bổ sung vào danh sách những món ăn đãi khách ngày Tết chính là món hành cuốn tôm thịt. Món ăn mang đến độ béo của thịt, bùi của tôm quyện hòa với rau thơm và vị cay của rau răm, vị ngọt hành củ,…
Khi ăn, người dùng sẽ chấm cùng nước mắm mặn giúp món ăn thêm dậy vị. Món ăn có đầy đủ dưỡng chất, không gây ngán cho người ăn. Nếu bạn không muốn nên đãi khách đến chơi nhà món ăn gì thì đây là lựa chọn đáng cân nhắc.
Nói đến các món ăn tráng miệng đãi khách ngày Tết không thể bỏ qua món chè kho hấp dẫn. Cách nấu chè rất đơn giản, chè có một hương vị đặc biệt thơm thơm mùi của đậu xanh, chút thoang thoảng của nước hoa bưởi ăn vừa mát vừa mềm mịn.
Sau khi thưởng thức nhiều món ăn nhiều đạm thì món ăn này sẽ giúp cân bằng vị giác. Món ăn có độ béo nhưng không gây ngán, ngọt nhưng không gắt khiến ai một lần ăn đều muốn thử lại thêm lần nữa.
Miền Trung là khu vực tập trung nhiều món ăn ngon không hề kém cạnh khu vực nào. Ẩm thực miền Trung mang đến sự cân đối, hài hòa và tinh tế. Món ăn dù có đơn giản thì cũng phải đậm đà, bởi theo quan niệm của người miền Trung món ăn phải đậm đà thì mới ngon.
Sau đây là một số món ăn ngày Tết ở miền Trung đặc sắc mà bạn có thể cân nhắc để thiết đãi nhân dịp Tết này.
Bò kho mật mía là một món ăn đặc trưng ngày Tết mang hương vị thơm nồng pha chút cay từ gừng, quế và ớt. Món ăn còn xen lẫn vị giòn ngọt tự nhiên của bắp bò kết hợp trong cái đậm đà, thơm dịu từ mật mía. Tất cả cùng nhau hòa quyện một cách hoàn hảo và ngon miệng.
Món ăn này thường được gia chủ thiết đãi mỗi khi khách đến chơi nhà và được nhiều người yêu thích.
Thịt ngâm mắm có thể được làm từ thịt heo hay thịt bò. Sau khi sơ chế xong sẽ đem ngâm vào nước mắm đường đã được pha nấu theo tỷ lệ nhất định. Khi thưởng thức, bạn hãy cắt lát và ăn kèm với dưa món.
Đặc biệt, món này còn có thể để trong nhiều ngày. Món ăn này được người dân miền Trung yêu thích và sử dụng trong cả ngày thường. Món ăn này giúp người dân chống chọi với cơn lũ trong nhiều ngày.
Xôi đậu xanh là món ăn luôn hiện diện trong mâm cơm trong ngày Tết miền Trung. Xôi nấu không quá dẻo, khi thưởng thức sẽ cảm nhận rõ được vị bùi của từng hạt đậu kết hợp cùng vị thơm từ nếp. Món ăn này được nhiều người yêu thích vì mang đậm hương vị của quê hương vừa giúp no lâu.
Tôm chua là món ăn đặc trưng ở Huế. Nếu ai đã từng ghé Huế thì chắc hẳn cũng đã một lần nghe qua hoặc thưởng thức món ăn này. Vào ngày Tết, món ăn được nhiều gia chủ bày lên mâm cỗ để đãi khách.
Tôm chua sẽ bao gồm đa dạng nguyên liệu khác nhau như: Củ riềng, tỏi, ớt, khế, quả vả một số rau thơm. Sự hấp dẫn của món ăn đến từ phong vị đậm đà, ngọt bùi và một xíu chua và cay. Tất cả cùng hòa quyện vào nhau để tạo nên một món ăn bắt miệng này.
Nem chua cũng là món ngon được nhiều gia đình dùng làm món ăn thiết đãi khách. Với sắc hồng hào được bọc qua lớp lá ổi và gói bên ngoài bằng lá chuối, nem chua thường mang hương vị dịu nhẹ và khá mịn màng. Khi ăn, món ăn có thể ăn kèm với tép tỏi cho tăng thêm phần hương vị.
Ẩm thực của mỗi khu vực sẽ mang đến nét đặc trưng riêng. Theo đó, các món ăn của miền Nam đều mang những hương vị không thể hòa lẫn. Trong Tết năm nay, hãy tham khảo những món ăn sau để thiết đãi khách.
Một trong những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết miền nam đó là thịt kho nước dừa. Để có món thịt kho ngon, nhiều người sẽ kho thịt ba chỉ cùng trứng vịt luộc cho đến khi nước dùng sánh lại và các nguyên liệu trên đều chuyển sang màu vàng nâu.
Người ta thường thưởng thức thịt kho cùng cơm trắng với một dưa món để tăng thêm hương vị đậm đà.
Dưa giá là món dưa muối rất được ưa thích vì tính mát, vị giòn ngon của nó. Dưa giá ăn với cơm, cuốn bánh tráng nhưng thích hợp nhất vẫn là ăn kèm thịt kho hột vịt trong mấy ngày Tết vì tác dụng giải ngấy rất hiệu nghiệm. Thành phần trong món dưa giá gồm giá, hẹ, cà rốt, rất bổ dưỡng cho cơ thể. Món này có thể muối xổi hoặc muối kỹ.
Chả giò là món ăn quen thuộc trên mâm cơm của người miền Nam. Những miếng chả được gói nhân thơm ngon trong chiếc bánh đa giòn rụm. Khi ăn có thể kèm với rau xanh và chấm nước mắm chua ngọt để món ăn thêm đậm đà.
Nếu miền Bắc nổi bật với gà luộc thì miền Nam sẽ có món gỏi gà xé phay. Được xem là một món ăn ngày Tết miền Nam mang lại cảm giác rất tuyệt, gỏi gà xé phay sẽ là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm đãi khách ngày Tết.
Món ăn này có vị chua ngọt chứa nhiều chất dinh dưỡng. Bạn có thể ăn thoải mái mà không lo sẽ tăng cân khi thưởng thức món ăn này. Vào ngày đầu năm, khi khách đến chơi nhà hầu hết gia chủ đều chiêu đãi món ăn này.
Lạp xưởng bên cạnh có màu đỏ đại diện cho sự may mắn, theo quan niệm của người Trung Hoa, lạp xưởng có kiểu dáng giống với một xâu bao tiền đỏ về mặt hình dáng nên được gọi là lạp xưởng thể hiện cho sự mong cầu một năm giàu sang, may mắn.
Do đó lạp xưởng cũng trở thành một món đặc trưng trên mâm cơm để thiết đãi khách ở miền Nam. Lạp xưởng có nguyên liệu chính là thịt sống cả mỡ cả nạc được xay nhuyễn hoặc thái mỏng. Sau đó người ta sẽ ướp tiêu, muối, tỏi, rượu, gia vị ướp xá xíu vào trong thịt rồi gói thật chặt.