Dưới đây là 5 món ăn với hương vị vô cùng mới lạ, hứa hẹn sẽ kích thích vị giác của bạn ngay từ cái tên:
Miến măng gà với những nguyên liệu ít tinh bột và chất béo là một món ăn ngày Tết không béo mà bạn không thể bỏ qua. Măng được xem là một nguyên liệu đặc trưng dùng để kho với thịt hay trứng cút, trong khi gà luộc lại là lễ vật cúng không thể thiếu trong mỗi dịp Tết. Chính vì vậy, sự kết hợp này với miến sợi đầy dinh dưỡng chắc chắn sẽ làm hài lòng vị giác cũng như thỏa mãn tâm lý “ăn không béo” của bạn trong Tết này.
Nguyên liệu cần có:
- 300g miến dong
- 1 miếng ức gà
- 200g măng khô
- 1 nhánh gừng, tỏi băm
- Hành khô, hành lá, rau răm
- Muối, hạt nêm, tiêu, nước mắm, đường
Hướng dẫn cách chế biến:
Bước 1: Măng khô rửa sạch và ngâm khoảng 1 ngày để ra hết chất chua. Sau đó, cho măng đã ngâm vào nồi luộc chín, thay nước luộc 2 lần và vớt măng ra xả lại bằng nước lạnh. Xé nhỏ măng thành sợi và ướp măng với chút muối, hạt nêm, tiêu.
Bước 2: Hành khô rửa sạch, để ráo rồi nướng cho vàng. Gừng cạo vỏ, một nửa cắt lát, một nửa để làm nước mắm. Hành lá, rau răm rửa sạch rồi cắt nhỏ.
Bước 3: Thịt gà rửa sạch, cho vào nước sôi với gừng cắt lát, hành khô và 1 muỗng cà phê muối để luộc. Gà chín thì vớt ra, để nguội rồi xé nhỏ. Nước luộc gà giữ lại để nấu nước dùng.
Bước 4: Nấu nước sôi, cho miến vào luộc khoảng 3 phút rồi vớt ra, xả lại nước lạnh, để ráo. Cho dầu ăn vào chảo, cho tỏi băm vào phi vàng, sau đó cho măng vào xào cho măng chín.
Bước 5: Đun sôi lại nước luộc gà, cho măng đã xào vào, nấu khoảng 15 phút, nêm lại gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
Bước 6: Cho hỗn hợp đường, ớt trái, gừng, tỏi vào giã nhuyễn sau đó pha nước mắm vào, nêm nếm cho vừa ăn.
Bước 7: Cho miến đã trụng ra tô, cho thịt gà, hành lá, rau răm lên trên, chan nước dùng và măng vào, rắc một chút tiêu là đã có món miến măng gà hoàn chỉnh.
Nếu gia đình bạn muốn “đổi khẩu vị” trong dịp Tết này thì hãy lưu ngay món tôm xào hạt điều bùi bùi, thơm ngon, hấp dẫn này. Hạt điều là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh, rất cần thiết cho cơ thể để hấp thu các vitamin hòa tan trong mỡ. Đồng thời, loại hạt này còn chứa nhiều chất xơ và protein, giúp mang lại cho bạn một món ăn vừa ngon miệng mà vừa “lành mạnh” cho cân nặng cơ thể trong những ngày Tết.
Nguyên liệu cần có:
- 400g tôm tươi
- 100g hạt điều
- Nửa củ hành tây
- 1 quả ớt chuông
- Dầu ăn, gia vị, tiêu xay
Hướng dẫn cách chế biến:
Bước 1: Tôm rửa sạch lột vỏ, ướp 15 phút với hạt tiêu, muối, đường. Hành tây và ớt chuông thái lát vừa ăn.
Bước 2: Cho dầu vào trong chảo, đợi dầu nóng thì cho hành tây vào xào sơ qua, rồi cho tôm vào đảo đều.
Bước 3: Khi tôm chuyển qua màu đỏ thì cho tiếp ớt chuông, hạt điều vào xào trong khoảng 2 phút. Nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Cá hồi áp chảo sốt me là một món ăn cực kỳ lạ miệng, không béo mà bạn nên thử trong dịp này. Đây là loại cá rất ít chất béo bão hòa, đồng thời là nguồn protein, kali, vitamin B12 và vitamin D vô cùng tốt. Món cá này không những giàu dưỡng chất mà còn có hương vị rất đậm đà, là món ngon mà bạn nên thử thưởng thức cùng gia đình trong dịp xuân mới.
Nguyên liệu cần có:
- 200g cá hồi (phi lê cá)
- 2 muỗng canh nước cốt me
- 1/2 trái chanh, 1 trái ớt sừng, 1 củ gừng nhỏ, 2 tép tỏi, 2 củ hành tím
- 50g bơ lạnh
- 2 muỗng canh rượu trắng
- 4 muỗng canh dầu ăn
- 1 ít ngò rí
- 1 ít đường, muối, tiêu xay
Hướng dẫn cách chế biến:
Bước 1: Cá hồi làm sạch vẩy cá, rửa sạch, thấm nước, sau đó cắt đôi miếng cá ra. Ướp cá với 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê tiêu xay. Rắc các gia vị đều lên bề mặt thịt cá và ướp trong 10 phút.
Bước 2: Hành tím và tỏi bóc vỏ. Ớt rửa sạch, bỏ cuống và hạt. Gừng cạo vỏ. Sau đó bạn mang tỏi, hành, gừng ớt băm nhuyễn cùng với nhau. Ngò rí nhặt sạch lá hư, bỏ rễ, rửa sạch sau đó cắt nhuyễn.
Bước 3: Cho vào chén 2 muỗng canh nước cốt me, vắt thêm nước cốt 1/2 trái chanh vào, nêm thêm 2 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê muối, khuấy đều cho các gia vị hòa quyện vào nhau.
Bước 4: Cho vào chảo 2 muỗng canh dầu ăn, đun nóng dầu và cho hỗn hợp hành, tỏi, gừng, ớt băm vào phi thơm. Tiếp đến, cho hết phần sốt me vừa chuẩn bị vào, nấu sốt với lửa trung bình, vừa nấu vừa khuấy cho đường tan hết. Sau đó, cho 50g bơ lạnh vào chảo, tiếp tục khuấy cho tan bơ và tắt bếp, cuối cùng là cho ngò rí vào.
Bước 5: Cho vào chảo 2 muỗng canh dầu ăn, đun nóng dầu rồi cho cá hồi đã tẩm ướp gia vị vào áp chảo. Áp cá với lửa vừa khoảng 2 phút thì cho thêm 1 muỗng canh rượu trắng vào đốt cá. Sau 1 phút đốt thì thêm 1 muỗng canh rượu và đốt cá lần 2. Tiếp đến, bạn trở mặt cá, áp chảo cho bề mặt còn lại vàng thơm là được.
Đây cũng là một món ăn tận dụng món gà luộc trong mỗi dịp Tết mà bạn nên thử. Với vị hăng hăng của hành tây cùng các nguyên liệu thanh đạm khác, món ăn này chắc chắn sẽ làm hài lòng vị giác của các thành viên trong gia đình bạn trong dịp Tết 2022 này.
Nguyên liệu cần có:
- Gà nguyên con bỏ da
- 20g nấm rơm
- 1 củ cà rốt
- 100g đậu phộng
- 3 nhánh hành lá, 2 củ hành tây, 3 củ hành tím
- 1 muỗng canh hành phi khô
- 3 trái ớt, 5 trái tắc
- 50g rau răm
- 2 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh đường
Hướng dẫn cách chế biến:
Bước 1: Nấm rơm rửa sạch rồi cắt nửa, hành tím cắt dọc làm hai. Rau răm rửa sạch rồi cắt nhỏ vừa phải để trộn gỏi. Đậu phộng rang chín rồi bóc vỏ giã nhỏ. Hành lá bỏ rễ, rửa sạch rồi quấn thành bó để cho vào bụng gà.
Bước 2: Hành tây cắt mỏng, sau đó ngâm vào một tô nước đá để khử bớt mùi hăng. Cà rốt gọt vỏ rồi rửa sạch sau đó bào thành sợi ngâm chung với tô nước đá.
Bước 3: Mổ bụng gà rồi cho nấm rơm, hành lá và hành tím vào ở giữa để khi nướng gà sẽ thơm hơn. Sau đó dùng giấy bạc quấn kín gà lại. Lò nướng bạn cài đặt nhiệt độ ở mức 200 độ C rồi cho gà vào nướng khoảng 40 phút.
Bước 4: Xé gà vào 1 cái tô lớn, cho một ít tiêu xay, nước cốt 2 trái tắc, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh nước mắm, đậu phộng rang đã giã dập, 1 muỗng canh hành phi khô và một ít rau răm vào trộn đều.
Bước 5: Vớt hành tây và cà rốt, rồi trộn chúng riêng với 1 muỗng canh đường, 1 muỗng canh nước mắm, chờ khoảng 5 phút để ngấm gia vị trước khi cho vào hỗn hợp gà xé, cho ra thành phẩm là món gỏi gà hành tây hấp dẫn.
Lẩu vịt nấu chao là một món ăn ngày Tết lạ miệng đảm bảo các thành viên trong gia đình bạn phải hết lời khen ngợi. Món ăn này chứa rất nhiều chất dinh dưỡng mà không quá khó làm. Sự hòa quyện giữa thịt vịt và chao tạo nên vị rất độc đáo, ăn hoài không ngán, thích hợp là lựa chọn cho gia đình bạn trong dịp Tết này.
Nguyên liệu cần có:
- 1 con vịt đã được sơ chế
- 1 hũ chao
- 1kg bún tươi
- 400g khoai môn
- 1 trái dừa xiêm
- Củ hành tím, tỏi, quả chanh, hành lá
- Gừng, rượu trắng
- Rau nhúng: rau muống, cải xanh, nấm rơm,...
- Gia vị: muối, hạt nêm, bột ngọt, tiêu bột, dầu điều
Hướng dẫn cách chế biến:
Bước 1: Khoai môn gọt vỏ, rửa sạch và cắt thành từng khúc vừa ăn Hành, tỏi lột vỏ, sau đó băm nhuyễn. Dừa xiêm chặt để lấy nước. Hành lá cắt khúc vừa ăn. Nhặt rau rửa sạch và để ráo nước.
Bước 2: Vịt sơ chặt khúc vừa ăn, cho vào tô lớn. Sau đó cho một muỗng canh muối, vài lát gừng và một muỗng canh rượu trắng vào. Dùng tay để chà xát thịt vịt với muối để cho khử bớt mùi tanh trong khoảng 5 phút, sau đó rửa lại với nước sạch nhiều lần, để cho vịt ráo nước và bắt đầu tẩm ướp vịt.
Bước 3: Cho vào thịt vịt khoảng 2 muỗng canh đường, 1/2 muỗng canh hạt nêm, 1/2 muỗng canh muối, 75g chao, một ít hành tím băm và tỏi băm. Sau đó thì đeo bao tay vào và trộn đều cho thịt vịt thấm đều gia vị.
Bước 4: Dùng một cái chảo đủ lớn và bắc lên bếp, cho vào chảo một ít dầu chờ cho đến khi dầu nóng thì cho hết phần khoai môn vào. Dùng đũa để đảo đều khoai môn cho đến khi khoai có mùi thơm và chín sơ thì tắt bếp.
Bước 5: Làm nước chấm. Cho vào một cái chén 50g chao và 2 muỗng cà phê nước chao, thêm tiếp vào 2 muỗng cà phê đường và ớt băm nhuyễn. Cho thêm một ít nước cốt chanh vào rồi dùng muỗng khuấy cho hỗn hợp hòa quyện với nhau.
Bước 6: Dùng một cái nồi đủ lớn và bắt lên bếp, cho vào nồi một muỗng canh dầu màu điều, đợi cho dầu nóng rồi cho hết phần hành và tỏi băm vào và xào cho đến khi nghe mùi thơm. Cho hết phần thịt vịt đã ướp vào và đảo đều cho đến khi thịt vịt săn lại.
Bước 7: Cho 700ml nước lọc vào ngập phần thịt vịt. Hầm vịt trong vòng 20 phút, vặn lửa nhỏ và tiếp tục hầm cho đến khi nào thịt vịt mềm. Sau khi thịt vịt đã mềm thì bạn cho phần nước của trái dừa xiêm vào và tiếp tục nấu cho đến khi nào sôi lại.
Bước 8: Khi nước lẩu sôi lại thì cho hết phần khoai đã xào vào và nấu thêm 10 phút nữa cho đến khi khoai mềm. Nêm nếm lại nồi lẩu, cho thêm 1/2 muỗng canh muối, 1/2 muỗng canh hạt nêm sao cho vừa ăn là hoàn thành.