Tết là thời điểm lúc mọi người ăn uống “sa đà” khi lao vào các bữa tiệc và được thưởng thức bao ngón ngon trên đời. Thêm vào đó, trong những ngày đầu năm, nhà nào cũng tràn ngập thịt cá, bánh chưng, chè cháo,... khiến nhiều người phải than trời vì “ngán tới tận cổ” Nếu bạn muốn thêm lạ vị vào dịp xuân Nhâm Dần này, tham khảo ngay 5 món ăn ngày Tết không ngán trong phần dưới đây để chế biến cho gia đình và bạn bè cùng thưởng thức:
Nếu đã quá ngán với những món ăn từ heo như thịt ba chỉ kho trứng, thịt quay, thịt heo xào,... thì nộm hoa chuối tai heo sẽ là lựa chọn không tồi trong dịp này. Đây là món ăn có đầy đủ hương vị chua, cay, mặn, ngọt nên vô cùng ngon và kích thích vị giác. Tai heo giòn sựt ăn kèm với hoa chuối tươi xanh, ngọt thanh tạo ra một món ăn vô cùng thanh mát. Nếu kết hợp thêm với ngó sen, đu đủ và đậu phộng rang, món ăn này sẽ trở nên ngon miệng hơn gấp nhiều lần. Cùng tham khảo ngay cách làm nộm hoa chuối tai heo đón Tết ở phần dưới đây:
Chuẩn bị nguyên liệu
- 1 cái hoa chuối (loại nhỏ)
- 1 cái tai heo
- 2 quả dưa chuột
- 2 quả khế chua
- 1 củ cà rốt
- 100g lạc
- 2 quả ớt sừng đỏ
- Rau thơm, rau húng bạc hà
- Gia vị, đường, giấm, nước mắm
Cách thực hiện:
Bước 1: Đầu tiên, thái mỏng hoa chuối thành lát sau đó ngâm ngay vào nước vo gạo hoặc nước lạnh có pha chút chanh/giấm. Mẹo nhỏ này sẽ giúp món nộm hoa chuối tai heo không bị thâm, khi ăn có độ giòn nhất định. Bạn nên chọn những chiếc hoa chuối còn non, nếu chọn hoa chuối già sẽ bị đắng, khi làm nộm sẽ cứng.
Bước 2: Tai heo mua về rửa sạch với nước, xát với muối hoặc giấm hay rượu trắng để làm sạch và khử mùi hôi. Sau đó đặt lên bếp luộc khoảng 15 phút, tai heo chín thì bạn vớt ra để nguội rồi thái tai heo thành những miếng mỏng, dài.
Bước 3: Tỏi bóc vỏ băm nhỏ, ớt rửa sạch, bỏ hạt, băm nhỏ, khế rửa sạch và thái miếng mỏng, còn dưa chuột gọt đầu, ngâm vào nước gạo cho nhả nhựa sau đó chẻ thành miếng dài, mỏng.
Bước 4: Lạc rang chín rồi bạn ủ trong vải để lạc được giòn. Khi rang nhớ để lửa vừa, đảo đều tay bởi nếu không lạc sẽ rất nhanh cháy.
Bước 5: Pha nước trộn nộm theo tỷ lệ: 3 thìa cà phê đường, 2 thìa cà phê dấm (bạn có thể thay bằng nước cốt chanh nếu muốn), 1 thìa cà phê mắm, 1 thìa cà phê đường, tỏi, ớt băm nhỏ.
Bước 6: Cho hoa chuối, tai heo, khế, rau sống, dưa chuột vào một bát tô, cho nước trộn nộm vào trộn đều lên và nêm nếm thêm cho vừa miệng.
Me bóp gân bò là một trong những món ăn ngày Tết không ngán được nhiều người yêu thích nhất hiện nay. Gân bò giòn dai trộn chung với nước me chua chua, ngọt ngọt sẽ khiến bạn ăn hoài mà không thấy chán. Đặc biệt, cách chế biến món ăn này lại không hề khó nên bạn có thể vào bếp thực hiện ngay cho gia đình trong ngày Tết.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 500g me
- 300 gân bò
- 5g muối
- 80g đường trắng
- 15g gừng
- 15g hành tím
- 15 ml rượu trắng
- 150g cà pháo
Cách thực hiện:
Bước 1: Cho vào nồi 80g me vắt, 150ml nước lọc rồi mở bếp đun sôi, khuấy đều cho me hòa tan vào nước. Tiếp theo lọc bỏ phần hạt me đi, thêm vào nồi 170g đường, 100ml nước mắm, đun sôi liu riu cho đường hòa tan và nước sốt me keo lại. Cuối cùng cho thêm 10g ớt băm, 10g ớt bột, khuấy đều lên rồi tắt bếp, để sốt nguội.
Bước 2: Lấy 300g gân bò rửa sạch, cho vào nồi cùng với 15g gừng, 15g hành tím, 15g rượu trắng, thêm nước lọc ngập sâm sấp gân bò rồi luộc 30 phút cho gân bò chín. Sau đó gắp ra cho vào thau nước đá lạnh ngâm để gân bò được giòn hơn. Khi gân bò nguội hẳn mới lấy ra thấm khô bớt nước rồi cắt thành những lát mỏng.
Bước 3: Ngâm 500g me sống còn nguyên vỏ vào tô nước sôi, thêm vào tô 5g muối rồi ngâm me 10 phút. Sau 10 phút bạn sẽ thấy vỏ me mềm hơn, lúc này dùng dao gọt bỏ phần vỏ rồi rửa lại với nước sạch. Đun sôi 200ml nước cùng 80g đường sau đó để đến khi nước đường hơi âm ấm thì đổ vào ngâm chung với me đã gọt vỏ. Ngâm me với nước đường thời gian lý tưởng từ 2 đến 4 tiếng để me giảm bớt vị chua, nếu không có thời gian bạn có thể ngâm 30 phút cũng được.
Bước 4: Cà pháo mua về rửa sạch, bỏ cuống sau đó cắt làm đôi. Chuẩn bị 1 tô nước muối loãng (5g muối và 200ml nước), cho cà pháo đã cắt vào ngâm. Lúc này bạn vắt thêm 1 miếng chanh nhỏ (khoảng 10ml nước cốt chanh) vào tô, việc này sẽ giúp cho cà pháo không bị thâm, bớt hăng và giòn hơn. Ngâm đến khi dùng thì vớt ra cho ráo nước.
Bước 5: Chuẩn bị một chiếc tô lớn, cho lần lượt gân bò, me, cà pháo vào tô. Tiếp theo cho thêm các nguyên liệu để làm tăng hương vị gồm 50g hành tím, 30g ớt sừng, 50g sả, 20g ớt xiêm xanh. Cuối cùng rưới nước sốt me vào tô, trộn đều lên cho tất cả đều ngấm sốt.
Nếu bạn đang tìm kiếm món ngon chống ngán ngày Tết thì canh cua rau đay là một gợi ý vô cũng hợp lý. Không chỉ đơn giản, dễ làm mà đây còn là món ngon bổ dưỡng, thanh mát, lợi cho tiêu hóa sau những bữa tiệc linh đình, đầy dầu mỡ. Để làm món canh cua rau đay, bạn cần chuẩn bị và thực hiện theo các bước sau:
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 300 - 500g rau đay
- 300 - 500g rau mồng tơi
- 1kg cua đồng
- 1 quả mướp
- Hành khô, ớt, tỏi
- Muối, mì chính, 1 muỗng nhỏ mắm tôm
Cách thực hiện
Bước 1: Cua được mua về đem ngâm với nước sạch trong 30 phút để bùn bẩn được ra ngoài. Sau khi cua đã được ngâm rửa sạch, bóc yếm và mai cua, lấy phần gạch cua cho vào bát. Tiếp đến, bạn cho phần thân cua đã được loại bỏ yếm và mai cho vào cối giã nát hoặc có thể xay nhuyễn trong máy xay sinh tốt. Bạn cho vào cua xay nửa thìa muối trắng, một bát tô nước, dùng tay bóp nhẹ nhàng cua xay, lọc cẩn thận lấy phần nước cua và bỏ đi phần xác cua. Lưu ý, khi chọn cua, bạn cần chọn cua còn sống, không gãy chân, gãy càng.
Bước 2: Rau đay, mồng tơi được nhặt sạch cuống, sau đó rửa sạch và ngâm trong chậu nước muối pha loãng. Sau 20 phút ngâm với nước muối, bạn rửa rau lại một lần nữa và thái nhỏ rau. Mướp được cạo hết vỏ, rửa sạch và thái thành miếng vừa miệng ăn.
Bước 3: Cho hết nước cua vào nồi, đun sôi với lửa nhỏ. Bạn nên để lửa nhỏ khi nấu, canh cua vừa sôi, thịt cua bắt đầu kết lại thành tảng thì bạn cho mướp vào. Sau 3 phút có thể cho rau đay và rau mồng tơi vào. Cuối cùng là thả phần gạch được lấy trong mai cua cho vào nồi canh. Sau khi những nguyên liệu cho vào nồi canh sôi, sau 1 phút bạn có thể tắt bếp và cho nồi ra ngoài.
Bước 4: Đập hoặc băm nhuyễn hành tỏi và vài lát ớt, sau đó đặt chảo lên bếp cho dầu nóng và phi vàng hành tỏi. Cuối cùng là cho vào nồi canh cua khi thấy hành, tỏi đã được vàng thơm.
Món tiếp theo được giới thiệu trong danh sách này là củ quả luộc chấm kho quẹt. Nước chấm kho quẹt có vị ngọt của tôm khô kết hợp mùi thơm và vị béo vừa phải, dai dai mà mềm mềm của thịt ba chỉ đã thắng bớt mỡ, một chút cay nồng của ớt và tiêu đem chấm rau củ luộc vào ngày Tết thì vô cùng hết ý. Cách làm món ăn này vô cùng đơn giản, chỉ cần bạn làm nước chấm thật ngon là có thể ăn “bất chấp” mọi loại rau củ nào.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 200g thịt ba chỉ
- 50g tôm khô
-1 trái khổ qua
- 500g bông cải xanh
- 1 củ cà rốt
- 1 nhánh hành lá
- 1 trái ớt tươi
- 3 củ hành tím
- 3 tép tỏi
- 1 muỗng cà phê ớt bột
- 1 muỗng cà phê tương ớt
- 1 muỗng canh dầu ăn
- 2 muỗng canh nước mắm
Cách thực hiện:
Bước 1: Bông cải dùng dao cắt bỏ phần cuống rồi cắt từng nhánh bông đến khi toàn bộ bông cải rời ra. Sau đó, đem đi ngâm với nước muối khoảng 10 phút rồi rửa sạch và để ráo. Cà rốt gọt bỏ vỏ, cắt thành từng đoạn dài khoảng 2 lóng tay rồi rửa sạch, để ráo. Khổ qua nạo bỏ ruột, cắt thành miếng vừa ăn rồi rửa sạch với nước, để ráo. Hành tỏi bóc bỏ vỏ rồi băm nhuyễn (chừa lại 1 ít hành cắt lát mỏng). Hành lá rửa sạch, để ráo, cắt nhỏ. Ớt mua về rửa sạch, cắt lát mỏng.
Bước 2: Thịt ba chỉ rửa sạch với nước, để ráo rồi đem đi cắt hạt lựu. Tôm khô ngâm nước nóng khoảng 15 phút sau đó vớt ra để ráo nước.
Bước 3: Cho vào chén nhỏ 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh nước lọc, 1 muỗng cà phê tương ớt, 1 muỗng cà phê ớt bột, 1 trái ớt tươi cắt lát rồi khuấy đều cho hỗn hợp gia vị tan vào nhau.
Bước 4: Bắc nồi lên bếp, cho nước lọc vào sau đó cho 1 muỗng cà phê muối vào đun sôi lên. Kế tiếp, cho từng loại rau củ vào luộc khoảng 5 phút rồi vớt ra cho vào chậu nước đá để giữ được độ giòn ngon của rau củ.
Bước 5: Bắc chảo lên bếp, cho phần thịt đã chuẩn bị sẵn vào chảo, vặn lửa nhỏ, rán đến khi thịt săn lại và chảy bớt mỡ thì cho tiếp 1 phần tỏi và hành vào phi thơm rồi vớt tất cả ra chén. Bắc lại chảo lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu ăn vào chảo. Đợi dầu nóng, cho tỏi và hành băm nhuyễn còn lại vào phi thơm. Tiếp theo, cho tôm khô và thịt đã rán vào trộn đều, cho tiếp hỗn hợp gia vị vào nấu ở lửa nhỏ khoảng 10 phút cho các gia vị hòa tan vào nhau. Cuối cùng, cho tiếp hành tím (cắt lát), hành lá và tiêu vào nấu thêm 5 phút nữa thì nêm nếm lại cho vừa ăn và tắt bếp.
Nếu bạn muốn thử một món ăn vừa lạ miệng, vừa để ăn chơi với bạn bè trong dịp Tết này thì sò xúc phồng tôm chắc chắn sẽ vô cùng đúng ý bạn. Vị ngọt của thịt sò, vị bùi bùi của lạc, ăn kèm với phồng tôm giòn tan không sợ ngấy mà còn vô cùng ngon miệng. Không chỉ vậy, món sò xúc phồng tôm này lại cực kỳ bổ dưỡng khi sò là thực phẩm có vô vàn lợi ích như cung cấp canxi, protein, lipit, các vitamin như vitamin A, B1, B2, C,…tốt cho sức khỏe của bạn và gia đình.
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 340g hến
- 1 ít lá rau răm
- 1 củ hành tím
- 2-3 tép tỏi
- 1 quả ớt đỏ
- Muối, tiêu, ớt bột, đường, ớt khô
- 1 gói phồng tôm
Cách thực hiện:
Bước 1: Hến mua về ngâm và xóc lại với nước cho sạch. Rau răm rửa sạch thái nhỏ, hành tỏi ớt băm nát.
Bước 2: Bắc chảo lên bếp rồi cho dầu vào để phi tỏi, ớt, hành cho thơm rồi cho hến vào. Đảo hến tầm 5 phút, sau đó cho hạt nêm, ớt bột, muối, hạt tiêu và ít nước mắm vào để món ăn dậy mùi thơm.
Bước 3: Xào cho hến chín, nước cũng cạn dần thì cho thêm rau răm băm nhỏ vào và tắt bếp.
Bước 4: Bắt chảo chiên bánh phồng tôm, đợi cho bánh chín thì vớt ra, để trên giấy thấm dầu rồi bày ra dĩa.