Nghệ sĩ Minh Nhí buồn lòng vì nhiều diễn viên trẻ vô ơn với thầy cô

Trong sự nghiệp đưa đò, nghệ sĩ Minh Nhí từng có nhiều học trò thành công như Việt Hương, Thúy Nga, Tiết Cường… nhưng cũng có không ít người “sang sông” không một lời từ biệt.

4 vị thánh hài của Tiếu lâm tứ trụ gồm: Hồng Vân, Minh Nhí, Thanh Thủy, Đức Hải đều có sự nghiệp “trồng người” vẻ vang. Trong ngày ghi hình tập 4, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các nghệ sĩ đã có những chia sẻ chân thành về việc “đưa đò”.

Minh Nhí: 'Có những học trò sang sông không lời từ biệt'

Minh Nhí chú trọng nghiệp diễn hơn vai trò một người thầy. Nhưng năm nào cũng vậy, vào dịp 20/11, trong anh lại rộn lên những khoảnh khắc xúc động về nghĩa cử “tôn sư trọng đạo”.

Các thế hệ học trò của Minh Nhí, người gọi điện, gửi thiệp chúc mừng, người tổ chức buổi gặp mặt để tặng hoa cho thầy cũng như bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng. Những tấm chân tình đó khiến anh cảm thấy yêu công việc của một “người đưa đò” nhiều hơn.

Minh Nhí tâm sự anh khát khao đưa tất cả học trò đến bến bờ thành công của dòng sông nghệ thuật. Đối với anh, cái tên Minh Nhí nổi tiếng không còn quan trọng bằng việc ươm mầm để tạo ra một thế hệ nghệ sĩ tài năng tiếp nối con đường nghệ thuật.

Những cái tên nổi tiếng như Thúy Nga, Việt Hương, Cao Minh Đạt, Tiết Cương, Xuân Thùy… đều là học trò được thầy Minh Nhí dìu dắt.

Minh Nhí thường dọa ném dép lào vào mặt học trò mỗi khi làm sai. Ảnh: Jet.

Minh Nhí dạy học trò không chỉ bằng những giáo trình lý thuyết, anh còn truyền thụ cho họ kinh nghiệm diễn xuất được đúc kết qua nhiều năm gắn bó với sân khấu.

Thánh hài hoạt hình nói: “Mỗi lần đến ngày 20/11, tôi có nhiều cảm xúc lắm! Không chỉ nhớ đến thầy Nguyễn Văn Phúc, người đã dìu dắt đào tạo để tôi có được ngày hôm nay. Tôi còn nhớ đến các học trò, đôi khi lại loay hoay, trăn trở rằng không biết bọn chúng có còn nhớ tới mình không. Chắc chắn cũng có em sẽ quên hẳn và không biết 20/11 là ngày gì nhưng cũng rất vui khi nhiều em nhớ đến, nghĩ đến các thầy cô giáo cũ.

Nghề sư phạm giống như người đưa đò, hết lượt khách qua sông có người nhắn tin, gọi điện chúc mừng khi nhớ đến nhưng cũng có nhiều người qua rồi thì đi luôn, không hẹn ngày tái ngộ. Điều này đôi khi làm tôi thấy buồn lòng”.

Minh Nhí nhắn nhủ với học trò “ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây” bởi nghệ sĩ thành công lâu bền ngoài tài năng còn phải có đạo đức.

Thầy giáo Đức Hải bị học trò xưng anh - em

Trên bục giảng, NSƯT Đức Hải khá nghiêm khắc với tác phong sư phạm chuẩn mực. Anh tâm sự: “Trong công tác giảng dạy, tôi hơi nghiêm khắc nhưng rất tận tâm, rút ruột mình ra truyền đạt lại cho học trò những kinh nghiệm mà mình tích lũy cả một đời. Môi trường giảng dạy mang đến cho tôi nhiều niềm vui và ngày càng hoàn thiện hơn tư cách nghệ sĩ”.

Bận rộn với hàng loạt công việc từ đạo diễn, diễn viên, giảng dạy, quản lý, kinh doanh… Đức Hải cho biết vai trò thầy giáo khó hơn tất cả bởi nó đòi hỏi phải có kiến thức, nghiêm túc nhưng vui và hấp dẫn.

NSƯT Đức Hải. Ảnh: Jet.

Đến giờ nam nghệ sĩ vẫn không quên được những kỷ niệm sâu sắc khi đứng trên bục giảng.

“Ngày mới về nước, lúc đó tôi 34 tuổi, đứng trên bục giảng mà ở dưới phòng học, có người hơn 20 tuổi, có người ngoài 50, có cả NSƯT, NSND rồi cả giám đốc, phó giám đốc các nhà hát, lãnh đạo các trường trung cấp nghệ thuật…

Lúc đó tôi run mà còn bị họ trêu đùa. Ra khỏi lớp có người ngay lập tức xưng anh, chị với tôi một cách rất thân tình, việc này khiến tôi thật khó xử. Nhưng chỉ sang buổi thứ hai tôi lấy lại tinh thần cùng bản lĩnh trên bục giảng”.

NSND Hồng Vân vui vì được học trò chúc mừng 20/11

Trái ngược với Minh Nhí, Đức Hải, NSND Hồng Vân không đứng lớp thường xuyên mà chỉ là giảng viên khách mời tại các lớp học đào tạo diễn viên trẻ.

NSND Hồng Vân không đứng lớp nhiều vì bận rộn quản lý sân khấu kịch Phú Nhuận. Ảnh: Jet.

Tuy nhiên, chị chia sẻ ngày 20/11 rất có ý nghĩa với mình bởi "không chỉ biết ơn thầy cô, các em học viên của sân khấu Phú Nhuận vẫn nhớ đến để bày tỏ cảm xúc, lòng biết ơn. Thật lòng mà nói, được các em quý mến, nghĩ đến như vậy là tôi vui lắm rồi”.

Thanh Thủy từng giảng dạy cho Lý Hùng, Diễm Hương

Sau khi tốt nghiệp trường Nghệ thuật Sân khấu 2, trong khi bạn bè loay hoay đi tìm sàn diễn để khẳng định tên tuổi thì Thanh Thủy âm thầm đến với nghề giáo ngay trên chính ngôi trường mà chị vừa tốt nghiệp. Khi ấy, chị ở lại phụ thầy Nguyễn Văn Phúc tiếp tục sự nghiệp trồng người.

Khóa đầu tiên phụ giảng của chị ra lò nhiều học trò thành danh như Lý Hùng, Diễm Hương, Ngọc Hiệp… Sau một thời gian, chị quyết định tạm ngưng việc dạy học mà đầu tư cho công việc của diễn viên.

Thanh Thủy bày tỏ: “Thời của chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn chứ chưa có nhiều điều kiện như bây giờ. Không có nhiều cơ hội để lựa chọn nhưng khi chúng tôi học là học hết mình. Hầu như sau thời gian lên lớp vẫn tiếp tục học ở nhà, chỉ ăn với học thôi chứ không đi show diễn kiếm tiền như bây giờ".

Nghệ sĩ Thanh Thủy truyền đạt kinh nghiệm cho học trò cũng "bạo lực" không kém Minh Nhí. Ảnh: Jet.

Chia sẻ về những kỷ niệm buồn vui trong công tác giảng dạy, nữ nghệ sĩ nói: “Tôi không hiểu tại sao trong nghề này, hỉ nộ ái ố toàn xuất hiện lúc học trò diễn sai. Mỗi khi các em không diễn được, tôi nổi nóng phóng lên sàn để phân tích nhân vật, hướng dẫn. Khi các em làm được, tôi mừng rớt nước mắt. Trải qua những cảm xúc đó, tôi lại càng biết ơn, kính trọng các thầy cô đã giúp mình có được ngày hôm nay”.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.