Nghịch lý thí sinh thành phố về tỉnh lẻ học do thiếu điểm cộng ưu tiên

Hiện tượng một số thí sinh điểm cao từ 29 - 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1 vì không có điểm ưu tiên đang gây xôn xao dư luận.

Hệ lụy của “mưa điểm 10”

Đánh giá một cách khách quan, kỳ thi THPT Quốc gia 2017 có nhiều đổi mới giúp giảm tải áp lực cho thí sinh và gia đình. Nhưng phải thẳng thắn rằng, việc nhiều thí sinh đạt điểm cao, với những cơn mưa điểm 10 không phải vì chất lượng giáo dục tốt hơn, không phải vì học sinh giỏi hơn, mà do phương thức thi cử (cách tổ chức thi, trông thi và việc ra đề thi).

Năm nay, nhiều môn lần đầu áp dụng thi theo hình thức trắc nghiệm. Đề thi theo đánh giá của nhiều thí sinh là khá dễ, nên số lượng em đạt được điểm 10 cao kỷ lục (4.200 điểm 10, gấp 60 lần so với năm học 2016). Từ kỷ lục này kéo theo nhiều kỷ lục khác, trong đó có việc điểm chuẩn tăng cao nhất từ trước đến nay. Cũng chưa bao giờ trong lịch sử tuyển sinh đại học của Việt Nam có chuyện thí sinh đạt 29-30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1.

Trượt vì điểm thấp đã đành, đằng này điểm cao, đạt điểm tuyệt đối các môn thi vẫn bị trượt. Và nguyên nhân của việc này là vì cộng điểm ưu tiên. Nguyễn Phùng Hưng, nam sinh ở Thạch Thất (Hà Nội) đạt 29,25 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 ngành Y đa khoa - ĐH Y Hà Nội. Vì “thua” tiêu chí phụ và điểm cộng khu vực, nên em bức xúc và cho việc cộng điểm ưu tiên khu vực hiện nay là bất công.

Nên thu hẹp mức điểm ưu tiên

Đánh giá về câu chuyện thí sinh điểm cao vẫn có thể trượt đại học, PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội - cho rằng, đây là bài học trong việc lựa chọn nguyện vọng của thí sinh.

Năm nay, nhiều thí sinh đạt điểm cao và các em đều “bỏ trứng vào một giỏ” nên điểm chuẩn của trường top trên tăng mạnh. Nhưng đạt điểm tuyệt đối mà vẫn trượt thì đúng là rất tiếc.

nghich ly thi sinh thanh pho ve tinh le hoc do thieu diem cong uu tien
PGS-TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Hồng Hạnh

“Chính sách ưu tiên trong tuyển sinh bằng hình thức cộng điểm khi xét tuyển ĐH, CĐ đã được Bộ GDĐT áp dụng từ nhiều năm nay. Việc này thể hiện chính sách của Nhà nước nhằm đảm bảo sự công bằng với các thí sinh sống ở những khu vực khác nhau, khi đất nước vẫn còn sự chênh lệch về điều kiện kinh tế, mức sống, văn hóa giữa các khu vực.

Tuy nhiên, việc cộng điểm này cũng lộ rõ sự bất cập. Bình thường có rất nhiều ưu tiên, nhưng khi cộng điểm để xét tuyển đại học thì chỉ nên được một ưu tiên thôi, chứ không nên cộng dồn lại. Vì cộng dồn, nếu thí sinh thuộc nhiều nhóm, đối tượng ưu tiên có khi được cộng lên đến 3-4 điểm. Trong khi các thí sinh khác phải cạnh tranh từng 0,25 điểm để giành cơ hội vào đại học” - PGS-TS Trần Văn Tớp phân tích.

Ông kiến nghị Bộ GDĐT cần tính toán lại mức điểm cộng sao cho hợp lý: “Năm con trai tôi thi đại học, cháu cứ mơ ước được cộng 4-5 điểm như các bạn người dân tộc thiểu số. Cháu cũng bức xúc như các thí sinh ở thành phố, những bạn trượt oan chỉ vì không được cộng điểm ưu tiên.

Tôi đã giải thích cho con về việc các bạn ở miền núi, nông thôn cuộc sống khó khăn ra sao, điều kiện thế nào. Nhưng đấy là câu chuyện của 5-10 năm trước, còn bây giờ việc tiếp cận với sách vở, internet đã trở nên dễ dàng hơn. Khoảng cách giữa thành thị và nông thôn thu hẹp dần, vì thế khoảng cách mức điểm ưu tiên khu vực cũng nên thu hẹp lại. Chẳng hạn trước đây chênh nhau 0,5 điểm giữa các khu vực, thì bây giờ nên cộng ở mức 0,25 điểm thôi. Khu vực 1 hơn khu vực ba nên là 0,75 điểm thay vì cộng 1,5 điểm như hiện nay” .

Phó hiệu trưởng Trường Bách Khoa cũng chia sẻ thêm, hiện nay Bách khoa và nhiều trường khác rất khó xử với chính sách cộng điểm ưu tiên và cử tuyển. Mỗi năm, Đại học Bách khoa nhận rất nhiều học sinh ở các trường dân tộc nội trú vào học, riêng năm nay là 40 học sinh.

“Ở một chừng mực nào đó, tôi thực sự rất thương các em. Có những em năng lực vừa phải, vào học không theo được các bạn và khả năng bị thôi học rất cao. Có những em năm ngoái trượt đại học, rồi vào các trường dân tộc nội trú. Vậy là không phải thi cử gì nữa, cứ theo chính sách gửi vào các trường đại học thôi. Chúng tôi sẵn sàng nhận, nhưng sợ nhất là các em không theo được.

Chúng tôi cũng phải đảm bảo chất lượng chứ không thể vì học sinh ở trường nội trú mà cứ cho qua. Việc cộng điểm ưu tiên và đưa học sinh đi học dạng cử tuyển là cần thiết, nhưng nên điều chỉnh cho hợp lý và cử những thí sinh có năng lực thực sự”- PGS-TS Trần Văn Tớp kiến nghị.

Nhận định về việc này, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc - giáo viên nhiều năm gắn bó với công tác luyện thi đại học của Hệ thống giáo dục Học mãi - cho rằng: Nếu vẫn giữ như mức cộng điểm đó, thí sinh ở khu vực 3 hầu như không được tiếp cận những trường top đầu có điểm chuẩn cao như công an, quân đội hay ngành y đa khoa. Có thể thấy đang có một làn sóng “di cư”: Học sinh Hà Nội về Thái Bình, Hải Phòng học y, còn học sinh Thái Bình, Hải Phòng về Hà Nội học y”, ông Ngọc nêu ý kiến.

Chính từ thực tế đó, ông Ngọc cho rằng, cần thay đổi mức điểm cộng này cho phù hợp hơn mà vẫn đảm bảo được công bằng giữa các thí sinh và duy trì được những chính sách của Nhà nước.

Ngoài những băn khoăn về điểm cộng ưu tiên, thầy Vũ Khắc Ngọc nhận định, chưa bao giờ tiêu chí phụ lại rối loạn, giống ma trận như năm nay. “Một số trường thông báo trước nhưng thực tế không thể ngờ mức tiêu chí phụ lại cao như vậy”, giáo viên này nói.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.