Theo quy hoạch, TP HCM có 5 tuyến đường trên cao với tổng chiều dài 70,7 km quy mô 4 làn xe: Tuyến số 1 Cộng Hòa - Lăng Cha Cả - Phan Đăng Lưu - cầu Thủ Thiêm 1; tuyến số 2 Lăng Cha Cả - Bùi Thị Xuân - Bắc Hải - Hương lộ 2 - quốc lộ 1; tuyến số 3 Thành Thái - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - rạch Ông Lớn - Nguyễn Văn Linh; tuyến số 4 quốc lộ 1 - Vườn Lài - sông Vàm Thuật - Điện Biên Phủ; tuyến số 5 dọc quốc lộ 1 từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Lạc.
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Công ty tư vấn thiết kế B.R cho biết, tình hình giao thông trên địa bàn TP HCM, trục Đông - Tây ít tắc hơn trục Bắc - Nam. Mở đường trên cao theo hướng Bắc - Nam sẽ tạo trục giao thông giải quyết được tắc đường ở khu vực Trường Chinh, sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó, tư vấn đề xuất hướng tuyến là kết nối các đoạn tuyến thuộc 3 đường trên cao 1 - 2 - 3 theo quy hoạch, tạo thành trục giao thông đi trên cao theo hướng Bắc - Nam.
Theo đó, điểm đầu của đường trên cao Bắc - Nam là đường Cộng Hòa, điểm cuối là đường Nguyễn Văn Linh, tổng chiều dài tuyến 14,1 km; quy mô mặt cắt ngang đường trên cao là 16 m (4 làn xe) và các đường dọc tuyến là 30 - 40 m theo quy hoạch.
Tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 29.537 tỷ đồng. Trong số đó, chi phí xây dựng và các chi phí liên quan (quản lý dự án, tư vấn, dự phòng…) là 16.200 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 13.337 tỷ đồng.
Hướng tuyến dự án đi dọc các trục Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - hẻm 659 Cách Mạng Tháng Tám - Bắc Hải - Thành Thái - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn - Nguyễn Văn Linh. Trên tuyến có 5 nút giao gồm Cộng Hòa, Lăng Cha Cả, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh. Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được kết nối với đường trên cao; trong đó, nhánh N1 từ sân bay Tân Sơn Nhất kết nối đường trên cao; nhánh N2 từ đường trên cao đi sân bay.
Nhà đầu tư đề xuất 3 phương án để bố trí nguồn vốn gồm: Phương án 1 là đầu tư công hoặc kêu gọi ODA; phương án 2 thu phí hoàn vốn tương đương 20%, ngân sách Nhà nước 80%; phương án 3, nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu tăng tỷ trọng PPP lên 50% tổng mức đầu tư như nghiên cứu xem xét giá thu phí, tìm nguồn vốn lãi suất thấp, khai thác quỹ đất trên tuyến, chỉnh trang đô thị…
Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng Giám đốc CII cho biết, trong các phương án đề xuất, phương án 1 và phương án 2 khó khả thi do tổng mức đầu tư quá lớn. Trong số đó, nếu thực hiện theo PPP, với mức thu phí khoảng 35.000 đồng/lượt (theo quy định), trong 26 năm chỉ hoàn vốn được 5.500 tỷ đồng (khoảng 20%), ngân sách Nhà nước bù 80%, nên sẽ không khả thi.
Theo bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, hiện CII cũng như tư vấn đang nghiên cứu ở phương án 3 mang tính đặc thù, với mong muốn khai thác quỹ đất và chỉnh trang đô thị trên tuyến. Phương án này sẽ nghiên cứu theo hướng làm nhà trên tuyến (nhà cao tầng phía trên, đường đi xuyên nhà ở dưới). Hiện một số nước trên thế giới đã triển khai theo mô hình này nhằm khai thác được quỹ đất hai bên đường và tăng khả năng hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Trước đó, đầu tháng 11/2021, lãnh đạo UBND TP HCM đã chấp thuận đề xuất của Công ty CII về giao nghiên cứu lập đề xuất dự án đường trên cao Bắc - Nam từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT) từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp.