Ngoài The Coffee Bean, những chuỗi cà phê ngoại nào đã 'khó sống' ở thị trường Việt Nam?

Từng kì vọng rất nhiều với thị trường cà phê Việt Nam với mô hình chuỗi cửa hàng hiện đại, nhưng hàng loạt thương hiệu cà phê đến từ Mỹ, Australia, Singapore… đã phải tháo chạy sau một thời gian ra mắt với nhiều tuyên bố mở hàng trăm cửa hàng tại Việt Nam.

Công ty Jollibee Foods có trụ sở tại Philippines đã tuyên bố mua lại chuỗi cà phê The Coffee Bean & Tea Leaf tại thị trường Việt Nam, với giá trị thương vụ dự kiến khoảng 350 triệu USD.

Tuy The Coffee Bean & Tea Leaf không tiết lộ nguyên nhân bán mình, nhưng thời gian qua, chuỗi cà phê này liên tục thua lỗ. 

Thực tế, không riêng The Coffee Bean & Tea Leaf, trước đó, đã có hàng loạt chuỗi cà phê ngoại đình đám phải tháo chạy chỉ sau vài năm mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, dù thị trường cà phê tại Việt Nam được các hãng đặt rất nhiều kì vọng.

Thua lỗ liên tục, The Coffee Bean & Tea Leaf quyết định bán lại cho Jollibee

Với thương vụ mua lại The Coffee Bean & Tea Leaf, đại diện Jollibee cho biết sẽ chi khoảng 350 triệu USD để sở hữu 80% vốn, 20% vốn còn lại do Công ty CP Quốc tế Việt Thái, đối tác của Jollibee, đăng kí mua.

shop-the-coffee-bean-001-ttt

The Coffee Bean & Tea Leaf đã quyết định bán toàn bộ chuỗi tại Việt Nam cho Jollibe. (Ảnh: The Coffee Bean & Tea Leaf).

Chuỗi The Coffee Bean & Tea Leaf chính thức có mặt tại Việt Nam từ năm 2006, với kì vọng sẽ chinh phục được khách hàng đô thị tại Việt Nam bằng mô hình cà phê hiện đại. Tuy nhiên, sau 13 năm hoạt động, hiện thương hiệu cà phê đến từ Mỹ này cũng chỉ có vỏn vẹn 15 cửa hàng, tập trung chủ yếu tại TP HCM.

Năm 2018, dù nằm trong nhóm 10 thương hiệu cà phê có doanh thu cao nhất tại Việt Nam nhưng The Coffee Bean & Tea Leaf vẫn bị lỗ.

Cụ thể, năm 2018, thương hiệu cà phê này đạt doanh thu toàn chuỗi khoảng 108 tỉ đồng nhưng lỗ đến 29 tỉ đồng. Thực tế, kết quả lỗ này của The Coffee Bean & Tea Leaf không quá bất ngờ, bởi suốt hơn chục năm qua, hãng vẫn liên tục lỗ đều đặn. 

Tổng lỗ lũy kế của The Coffee Bean & Tea Leaf đã đến hàng trăm tỉ và âm vốn chủ sở hữu. 

Trước việc kinh doanh không thuận lợi, IFB Holding - đơn vị sở hữu thương hiệu The Coffee Bean & Tea Leaf Việt Nam, từng cho biết đang tìm kiếm nguồn vốn bổ sung hoặc đối tác chiến lược. Tuy nhiên, với thương vụ mà Jollibee vừa tiết lộ, chuỗi 15 cửa hàng cà phê nổi tiếng này tại Việt Nam đã thuộc về "ông lớn" Philippines chứ không đơn thuần là đơn tác.

Gloria Jean's Coffees chạy ngay khi vừa hết hợp đồng nhượng quyền

Trước khi The Coffee Bean & Tea Leaf hụt hơi, thị trường phải kể đến thương hiệu cà phê đến từ Australia - Gloria Jean's Coffees, vừa rút khỏi Việt Nam vào tháng 4/2017. 

Sự biến mất khỏi thị trường Việt Nam của cửa hàng Gloria Jean's Coffees cuối cùng nằm tại một chung cư lớn tại quận 7, được xem là không quá bất ngờ, bởi trước đó, nhiều điểm kinh doanh nhượng quyền của thương hiệu này cũng lần lượt đóng cửa.

thuonghieugloriajeanscoffeesouc

Gloria Jean's Coffees chỉ có 6 cửa hàng sau 6 năm hoạt động tại Việt Nam. (Ảnh: Gloria Jean's Coffees).

Bắt đầu có mặt tại Việt Nam năm 2006, thương hiệu cà phê đình đám Gloria Jean's Coffees đến Việt Nam thông qua hợp đồng nhượng quyền với một công ty trong nước, và kì vọng sẽ làm nên chuyện, dù Việt Nam vốn được biết đến là nước xuất khẩu lớn về cà phê. Thời điểm đó, Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á của Gloria - ông Billy Sin, cho rằng sản phẩm cà phê của hãng là Arabica, trong khi người Việt lại có thế mạnh sản xuất Robusta nên sẽ không ảnh hưởng.

Tuy nhiên, thực tế, sau 10 năm hoạt động, Gloria Jean's Coffees chỉ có được 6 cửa hàng tại TP HCM, thậm chí "linh hồn" của chuỗi này là một điểm kinh doanh nằm trên đường Đồng Khởi cũng phải đóng cửa trước đó, do lợi nhuận không bù nổi chi phí mặt bằng. 

Trong tình hình kinh doanh không khả quan, lần lượt các cửa hàng phải đóng. Năm 2016, thương hiệu này chỉ còn 2 cửa hàng và chính thức đến tháng 4/2017, cửa hàng cuối cùng cũng rút lui.

Chủ cửa hàng nhượng quyền cuối cùng này cho biết điểm kinh doanh của ông vốn hoạt động hiệu quả nhất trong toàn hệ thống Gloria Jean's Coffees tại Việt Nam tuy nhiên công ty mẹ tại Australia đã hết hợp đồng với phía Việt Nam và quyết định không tiếp tục kí nên phải dừng cuộc chơi.

NYDC đóng hết mặt bằng tại "đất vàng" Sài Gòn sau 7 năm kinh doanh

Một thương hiệu cà phê đình đám khác ra đi trong sự bất ngờ của người dân TP HCM là NYDC (New York Dessert Café) của Singapore.

Quán cà phê NYDC cuối cùng tọa lạc ngay trung tâm quận 1, với hướng nhìn ra nhà thờ Đức Bà, công xã Paris đóng cửa vào tháng 7/2016,  khiến nhiều người bất ngờ. Bởi quán này vốn là điểm tập trung đông đúc khách hàng thành thị thuộc phân khúc trung đến cao cấp tại TP HCM. 

diadiemviet-vn-nydc-dong-khoi-5-1469600705049-crop

Thang 7/2016, cửa hàng NYDC đình đám tại góc đường Đồng Khởi đã đóng cửa. (Ảnh: NYDC).

Đầu tháng 11/2009, NYDC chính thức có mặt tại TP HCM. Theo kế hoạch, ông chủ của Tập đoàn SUTL muốn chuỗi cà phê này phải có tốc độ phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, như cách các thương hiệu thức ăn nhanh nước ngoài đang làm rất tốt tại thị trường này. 

Cụ thể, mục tiêu là trong vòng 5 năm, NYDC sẽ có 20 cửa hàng tại Việt Nam.

Thậm chí, kế hoạch đã được vạch cụ thể bằng việc ước tính trung bình mỗi cửa hàng sẽ "ngốn" từ 250.000-300.000 USD để đầu tư, chủ yếu tập trung tại các mặt bằng ở trung tâm thành phố, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại.

Tuy nhiên, việc xác định vị trí này đã khiến NYDC gặp khó, khi chi phí mặt bằng rất cao. Vì vậy, số lượng điểm kinh doanh của NYDC không phát triển được nhiều như kì vọng mà chỉ đếm được trên đầu ngón tay, với 6 cửa hàng.

Trước khi đóng cửa chi nhánh tại quận 1 vào tháng 7/2016, thương hiệu cà phê đến từ Singapore này cũng đã đóng cửa 3 chi nhánh trên đường Nguyễn Trãi, Cantavil và Crescent ở TP HCM.

Thời điểm đó, các chuyên gia bán lẻ cho biết thực tế NYDC đang bị cạnh tranh bởi hàng loạt chuỗi cà phê nội địa khác khi các doanh nghiệp bắt đầu thấy triển vọng của thị trường này. Đặc biệt, các chuỗi nội địa có phần am hiểu tâm lí người Việt hơn, giá thành cạnh tranh hơn. Mỗi li cà phê Việt chỉ bằng một nửa giá so với các thương hiệu ngoại.

Caffe Bene dùng sao Hàn "câu" giới trẻ không thành 

Gia nhập thị trường muộn hơn các thương hiệu khác, Caffe Bene của Hàn Quốc chính thức có điểm kinh doanh đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2015. Thời điểm đó, thương hiệu này gây được sự chú ý với giới trẻ khi mời "sao Hàn" thực hiện các chiến dịch marketing. 

quan-cafe

Chuỗi Ceffe Bene đã không còn nhiều điểm kinh doanh trên thị trường, sức "hot" đã hạ nhiệt. (Ảnh: Caffe Bene).

Thậm chí, CEO Caffe Bene đã lên kế hoạch sẽ mở khoảng 300 cửa hàng trong vòng 5 năm, tức gấp 15 lần so với NYDC. Tuy nhiên, chính thức vận hành được một năm, khi một số thương hiệu ngoại khác lần lượt bỏ cuộc thì Caffe Bên cũng thể hiện sự "thấm mệt", và quyết định hạ chỉ tiêu xuống còn 100 cửa hàng.

Hiện số lượng điểm kinh doanh của thương hiệu cà phê này cũng còn rất ít, và không tập trung vào các vị trí trung tâm TP HCM. Thậm chí khi tìm kiếm trên website của Caffee Bene, doanh nghiệp này cũng điều hướng cho khách hàng đến một cửa hàng duy nhất nằm trên đường Lê Lai (quận 1, TP HCM).

Về sự hụt hơi tại thị trường Việt Nam, đại diện Caffee Bene từng cho biết có quá nhiều "ông lớn", từ ngoại đến nội cùng tranh giành thị trường cà phê Việt Nam. 

Đặc biệt, chính yếu tố mặt bằng đắt đỏ cũng khiến các tay chơi ngoại đau đầu, khi lợi nhuận cũng không thể bù đắp nổi.

PJ's Coffee: Tuyên bố mở 100 cửa hàng nhưng 3 năm chỉ mở được 3 

Một trong những thương hiệu cà phê có mặt gần đây tại Việt Nam là PJ's Coffee. Đây cũng là một thương hiệu cà phê lớn của Mỹ với chuỗi hàng trăm cửa hàng.

Tháng 8/2016, PJ's Coffee chính thức có mặt tại Việt Nam và cũng chọn trung tâm quận 1, TP HCM để mở cửa hàng đầu tiên. 4 tháng sau, thương hiệu này mở điểm kinh doanh thứ hai tại khu nhà giàu quận 2 - đô thị Sala.

foodypjsvietnam269085541636075461810992857-thu-vu-minh-4819-crop

Tuyên bố sẽ có 100 cửa hàng, nhưng hơn 3 năm qua, PJ's Coffee chỉ mới có vỏn vẹn 3 điểm kinh doanh. (Ảnh: PJ's Coffee).

Với tốc độ mở chuỗi này, CEO PJ's Coffee Việt Nam - ông Robert Beausoleil, tuyên bố ngắn hạn sẽ có 10 cửa hàng trong 3 năm và 100 cửa hàng với chiến lược xa hơn.

Tuy nhiên, trái với kì vọng ban đầu, hiện PJ's Coffee chỉ có vỏn vẹn 3 điểm kinh doanh. Tức từ 2 cửa hàng trong năm đầu tiên thâm nhập thị trường Việt Nam, suốt 2 năm qua, thương hiệu Mỹ này chỉ có thêm 1 điểm kinh doanh khác cùng nằm tại quận 2.

Kết quả kinh doanh này đã trái với kì vọng của CEO Robert Beausoleil, bởi Việt Nam là thị trường đầu tiên ngoài Mỹ mà PJ's Coffee tấn công. Thậm chí, thương hiệu này còn muốn xây dựng một Học viện cà phê Sài Gòn để đào tạo ra những chuyên gia về cà phê.

Lãnh đạo PJ's Coffee cũng đã nhìn ra được khó khăn lớn nhất của việc mở chuỗi cà phê tại Việt Nam chính là giá thuê mặt bằng cao, thậm chí cao hơn cả ở Mỹ. Vì vậy, tương tự những thương hiệu khác, PJ's Coffee cũng đang gặp khó và loay hoay tại thị trường Việt Nam, dù đặt rất nhiều kì vọng.