Jollibee, Tập đoàn vừa thâu tóm Coffee Bean & Tea Leaf bành trướng ra sao ở lĩnh vực nhà hàng và cà phê?

“Chú ong vui vẻ” đến từ Philippines đang sở hữu hơn 100 cửa hàng thức ăn nhanh cùng tên, hơn 300 cửa hàng Highlands Coffee và chuỗi Phở 24. Việc mua lại Coffee Bean & Tea Leaf giúp Jollibee thực hiện hóa tham vọng bá chủ trong lĩnh vực nhà hàng và cà phê.

Coffee Bean & Tea Leaf vừa bán lại 80% cổ phấn cho Jollibee, chuỗi thức ăn nhanh lớn nhất châu Á. 20% cổ phần còn lại thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Quốc tế Việt Thái (VTI), đối tác của Jollibee trong lĩnh vực nhà hàng và cà phê tại Việt Nam. Việc kiểm soát được Việt Thái đã giúp "chú ong" đến từ Philippines nắm trong tay chuỗi cà phê Highlands Coffee và hệ thống Phở 24.

Jollibee thu hơn trăm tỉ đồng mỗi năm từ Highlands Coffee

Từ Mỹ trở về Việt Nam, David Thái thành lập Tập đoàn Việt Thái Quốc Tế (VTI) và cho ra đời Highlands Coffee vào đầu những năm 2000. Sau 10 năm hoạt động, Highlands định hình thưởng thức cà phê truyền thống Việt Nam theo cách hiện đại cho cư dân thành thị Việt Nam.

Highlands Coffee dù không gặp khó khăn nhiều đến mức buộc bán cổ phần cho đối tác, nhưng vẫn phải chọn cách chia sẻ quyền lực cho Jollibee vào đầu năm 2012, vì áp lực cạnh tranh. Dù có ưu thế lâu năm và hiểu tâm lí người tiêu dùng Việt, nhưng Highlands Coffee chưa hẳn đã có ưu thế so với các chuỗi cà phê ngoại đã có mặt tại Việt Nam, cụ thể là TP HCM thời điểm đó, vì người tiêu dùng có xu hướng "sính ngoại".

IMG_4211

Trước tâm lí "sính ngoại" của người tiêu dùng khiến Highlands Coffee cần nguồn lực tài chính từ Jollibee. (Ảnh: Tất Đạt).

Năm 2012, Jollibee chi ra 25 triệu USD để mua lại 49% bộ phận kinh doanh Việt Nam và 60% bộ phận kinh doanh tại Hong Kong (Trung Quốc) của tập đoàn Việt Thái. Từ đó, chuỗi này luôn tăng tốc và trở thành cái tên dẫn đầu thị trường cà phê từ 2014 đến nay.

Mua về Highlands Coffee, Jollibee chính thức nhảy vào thị trường bán lẻ cà phê lúc bấy giờ, được Babuki nhận định có giá trị gần 5.000 tỉ đồng. Highlands Coffee ngay lập tức có những bước tiến trên đất Philippines khi 42 điểm bán tại thị trường Philippines đã được mở ra. Highlands Coffee kì vọng sẽ nâng chuỗi cửa hàng tại Philippines lên con số 100.

Trước khi bán cổ phần cho Jollibee, Highlands Coffee đã từng nhượng quyền cho doanh nghiệp Philippines, là Digital Paradise Inc và IP Ventures Inc. Bản thân 2 doanh nghiệp này cũng có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Với hướng đi khác biệt, Highlands Coffee tập trung vào địa điểm, không gian và bài trí, thay vì thực đơn "muôn hình vạn trạng" các loại thức uống. Nhờ đó mà chuỗi dần tạo nên một nếp văn hóa với dân công sở, khách hàng trẻ thành thị mỗi khi nhắc đến cà phê.

IMG_5121

Dưới tầm kiểm soát của Jollibee, Highlands Coffee theo hướng tạo nét văn hóa cà phê cho người công sở. (Ảnh: Tất Đạt).

Bớt những thứ cồng kềnh, Highlands Coffee tập trung vào việc mở rộng hệ thống, len lỏi vào những trung tâm thương mại lớn, những cung đường đắc địa. Tính đến hết tháng 6/2019, Highlands Coffee vận hành tổng cộng 340 cửa hàng, trong đó có 297 cửa hàng tại Việt Nam và 43 cửa hàng ở Philippines. Thương hiệu này dự kiến sẽ mở ít nhất 100 cửa hàng mới trong năm 2019, chủ yếu vẫn tại Việt Nam.

Từ năm 2017, Highlands Coffee "vượt thác" khỏi điểm hòa vốn và bắt đầu thu lời. Với biên lợi nhuận ổn định ở mức gần 70%, hai năm qua, Highlands luôn có lãi trước thuế với con số trên 100 tỉ đồng.

Theo số liệu từ VIRAC, doanh thu năm 2018 của Highlands Coffee tăng liên tiếp với mức 31%. Con số doanh thu chuỗi này kiếm được hơn 1.600 tỉ đồng bỏ xa những đối thủ phía sau. 

Vị trí thứ hai thuộc về The Coffee House, với tốc độ tăng trưởng gần 100%. Cả hai chuỗi cũng cùng đánh bật Starbucks.

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-25 lúc 17

Highlands Coffee chiếm ưu thế áp đảo trong thị trường bán lẻ cà phê Việt Nam. (Đồ họa: Tất Đạt).

Ngoài Highlands Coffee, Jollibee còn sở hữu cả thương hiệu Phở 24, khi từ 2011, Việt Thái đã mua lại chuỗi Phở 24 của doanh nhân Lý Quý Trung. 

Thành lập vào năm 2003, ông chủ cũ Lý Quý Trung nuôi mộng biến Phở 24 thành thương hiệu đẳng cấp thế giới. Nhưng cuối cùng, tình hình kinh doanh ngày càng sa sút khiến ông quyết định bán đứt thương hiệu này với giá 20 triệu USD.

Lúc bấy giờ, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân cốt lõi là do Phở 24 đuối sức trong việc quản lí hệ thống nhượng quyền, dần đánh mất hình ảnh. Sau khi về "nhà chung" với Highlands Coffee, Phở 24 rút hết các cửa hàng nhượng quyền. Hiện tại, chuỗi này chỉ còn 18 cửa hàng tại Việt Nam và gần 20 cửa hàng tại Australia, Hàn Quốc, Hong Kong, Macao. 

Vào tháng 4/2018, Jollibee tuyên bố đầu tư vào Tập đoàn SuperFoods để đưa chuỗi Phở 24 về Philippines.

Jollibee - "tiểu bá" trong ngành thực phẩm châu Á

Từ một cửa hàng bán kem nho nhỏ vào năm 1975, Jollibee Food Corporation hiện sở hữu 4.000 cửa hàng ở 27 quốc gia, với gần 20 thương hiệu như Jollibee, Greenwich, Red Ribbon, và Burger King. Hiện tại, đây là chuỗi thức ăn nhanh lớn thứ 24 trên toàn cầu (bao gồm cả chuỗi cà phê) theo số lượng chi nhánh, và thứ 5 trong số các công ty không đến từ Hoa Kỳ. 

Jollibee từng tuyên bố mình là tập đoàn thực phẩm châu Á lớn nhất trên thế giới.

Giờ đây, Jollibee đang chứng minh lời tuyên bố trên của họ là không hề nói ngoa. Tập đoàn này không chỉ ra sức mở rộng trong khu vực mà cả các nước phương Tây, như Anh và Mỹ. Jollibee cũng đặt mục tiêu chiếm một vị trí trong top 5 tập đoàn thức ăn nhanh lớn nhất thế giới.

IMG_4311

Không chỉ là cà phê và thức ăn nhanh, Jollibee còn muốn bành trướng ra nhiều lĩnh vực khác. (Ảnh: Tất Đạt).

Trong 9 tháng đầu năm 2018, Jollibee đã mở 302 cửa hàng, 125 cửa hàng trong số đó là ở nước ngoài. Cổ phiếu của công ty đã tăng đều đặn kể từ cuối tháng 9/2018, với lợi nhuận một năm là 22,2% kể từ tháng 1/2018. Lãi ròng trong cùng kì tăng 26% lên 104 triệu USD. "Chú ong" này đang ráo riết thăm dò thị trường ở các quốc gia khác.

Việc chi 350 triệu USD mua lại The Coffee Bean & Tea Leaf là động thái mới nhất cho tham vọng của tiểu bá ngành thức ăn nhanh và cà phê này. Jollibee không phải thiếu ngành bán lẻ cà phê trong hệ sinh thái của mình, nhưng theo tạp chí Z6Mag, việc mua Coffee Bean sẽ cho phép ngành bán lẻ cà phê trở thành lĩnh vực lớn thứ hai sau thức ăn nhanh của tập đoàn này.  Theo đó, ngành bán lẻ cà phê dự kiến chiếm 14% doanh thu của Jollibee trên toàn thế giới.

Chủ tịch Jollibee, ông Tony Tan Caktiong, tiết lộ: "Ưu tiên của chúng tôi là thúc đẩy sự phát triển của thương hiệu Coffee Bean & Tea Leaf, đặc biệt là ở châu Á, bằng cách tăng cường hệ thống hỗ trợ phát triển, tiếp thị và nhượng quyền thương hiệu của mình".

Phó giáo sư Lawrence Loh của Trường Kinh doanh NUS, cho biết động thái này mang lại bước khởi đầu tốt cho việc tấn công nhiều thị trường quốc tế hơn nữa. 

Ông nói thêm: "Jollibee có thể thu về nhiều giá trị hơn từ Coffee Bean & Tea Leaf, nhờ kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực F&B, bao gồm cả hoạt động kinh doanh cà phê".

Coffee_Bean-Sg

The Coffee Bean & Tea Leaf được kì vọng sẽ giúp Jollibee nâng tỉ trọng ngành bán lẻ cà phê trong tổng doanh thu. (Ảnh: Daily Coffee News).

Còn dưới góc nhìn của Amos Tan, một giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh Bách khoa Singapore, thương vụ này khiến Jollibee trở thành một "tay anh chị" trên trường quốc tế. Ông giải thích: "Ngoài việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, thương vụ còn cung cấp nhiều cơ sở dữ liệu quý giá về sở thích của người tiêu dùng trên toàn cầu".

Giám đốc điều hành Jollibee vào tháng 10/2018 từng chia sẻ với Reuters, rằng tập đoàn này hi vọng sẽ tạo ra 50% doanh số bán hàng bên ngoài lãnh thổ Philippines trong vòng 5-7 năm tới. 

Còn ông Tan chia sẻ trên tờ CNA: "Kết hợp với Highlands Coffee và hoạt động kinh doanh chủ yếu ở Việt Nam, thương vụ này sẽ cho phép Jollibee Food trở thành một công ty độc lập trong ngành kinh doanh cà phê, lĩnh vực phát triển nhanh và có nhiều lợi nhuận".

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.