Tại hội trường của Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Ngoại trưởng Kerry dí dỏm nói rằng “Không khí trẻ trung trong phòng này giúp tóc tôi biến thành màu nâu trở lại”. Ông cũng cảm ơn lãnh đạo nhà trường, và cho đây là một tuyệt vời để ông đến suy nghĩ về tương lai của quan hệ hợp tác song phương.
Ông nói rằng mình rất hân hạnh được trực tiếp chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục trong quan hệ Việt Nam - Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại thời gian khi ông tham chiến ở miền nam Việt Nam, có lần ông đã xin nghỉ phép 3 ngày rời bỏ vùng sông nước ĐBSCL lên Sài Gòn để gặp gỡ bạn bè. “Hồi đó mọi người rất thích lên sân thượng khách sạn Rex, từ đó có thể quan sát khung cảnh của cuộc chiến, nghe thấy tiếng pháo, tiếng đạn. Cảm giác thật lạ...”.
Ngoại trưởng Kerry dí dỏm: “Không khí trẻ trung trong phòng này giúp tóc tôi biến thành màu nâu trở lại”. Ảnh: ĐỘC LẬP |
Ngoại trưởng Mỹ cũng nhắc lại lần tiếp đón Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh thăm Mỹ theo lời mời của Ngoại trưởng Mỹ hồi tháng 10.2016. “Chúng tôi đều là cựu chiến binh, đều mất những người bạn thân vì chiến tranh... Nhưng tôi đã nhìn thấy rất nhiều người trước đây chống lại việc xây dựng quan hệ Việt Nam - Mỹ bây giờ lại rất nhiệt tình đóng góp. Tất nhiên chúng ta không hề quên quá khứ, nhưng chúng ta không thể trở thành tù nhân của quá khứ, và chúng ta đã không như thế. Đó là lý do vì sao tôi đến và nói chuyện với các bạn hôm nay”.
Ông cũng tâm sự rằng cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trước đây từng nói nhiều lần rằng phải làm thế nào để mọi người trên thế giới khi nghe đến Việt Nam phải nghĩ rằng đó là một đất nước chứ không phải là chiến trường. “Chúng tôi biết đã góp phần để làm được điều đó”, ông Kerry chia sẻ.
Ngoại trưởng Mỹ nói về việc thiết kế kế hoạch phát triển năng lượng sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng ĐBSCL. “Nông dân, ngư dân đã sống nhờ tài nguyên sông nước này hàng trăm năm, con cháu họ cũng sẽ cần, nên chúng ta phải giảm thiểu các tác hại của môi trường. Đó là lý do chúng ta phải tập trung phát triển năng lượng sạch, quản lý nước bền vững, giữ gìn hệ sinh thái. Những thách thức môi trường ở vùng châu thổ sông Mekong rất quan trọng vì gắn liền với an ninh lương thực”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tham quan Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM ngày 13/1/2017. Ảnh: ĐỘC LẬP |
Về tương lai của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Kerry khẳng định: “Không có gì bí mật khi nói tương lai của TPP là không rõ ràng, không biết chính quyền mới của Mỹ sẽ làm gì với TPP. Nhưng tôi tin rằng nhu cầu giao thương sẽ không thể thay đổi, Mỹ vẫn cần phải bán hàng. Việc người Mỹ mất việc là vì yếu tố công nghệ chứ không phải là vì các hiệp định thương mại. Ví dụ máy móc làm việc hiệu quả hơn, năng suất cao hơn, chứ không phải mất việc làm vì các hiệp định thương mại. Sự bảo hộ mậu dịch sẽ không có ý nghĩa.
Ông Kerry cũng nhắc đến quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới, khi chính quyền của Tổng thống tân cử Donald Trump chính thức hoạt động. Theo ông, không có sự thay đổi chính quyền nào ở Mỹ làm thay đổi hoặc xói mòn cam kết của Mỹ với khu vực. Quan hệ Việt Nam - Mỹ không phụ thuộc vào cá nhân Tổng thống hay của đảng nào ở Mỹ mà dựa trên lợi ích chung, theo Ngoại trưởng Kerry.
Việt Nam cũng sẽ phải lựa chọn. Tôi biết rằng khu vực này sẽ có những lựa chọn khác, sẽ có một số nước có những thỏa thuận nhanh, không theo những tiêu chuẩn cao về môi trường, về nhân lực... Nhưng tôi rất mong các bạn sẽ theo con đường này, hợp tác với những nước theo đuổi những nguyên tắc này”.
Quan hệ Việt Nam - Mỹ không phụ thuộc vào cá nhân Tổng thống hay của đảng nào ở Mỹ mà dựa trên lợi ích chung, theo Ngoại trưởng Kerry. Ảnh: ĐỘC LẬP |
Đối với cá nhân ông Kerry, Việt Nam có một ý nghĩa thật đặc biệt, gắn liền với quãng thời gian gần 50 năm cuộc đời, từ ngày ông tham chiến tại miền nam Việt Nam hồi năm 1968. Trở về Mỹ vào năm 1969, ông Kerry lập tức lên tiếng chống lại cuộc chiến tranh này. Đây cũng là những hoạt động chính trị đầu tiên trong sự nghiệp thành đạt của ông, để rồi đưa ông trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao của nước Mỹ.
Đây là chuyến thăm cuối cùng của ông Kerry trên cương vị ngoại trưởng Mỹ, đi qua 4 nước, trong đó Việt Nam là nước châu Á duy nhất. Ba nước còn lại đều thuộc châu Âu: Pháp, Anh và Thụy Sĩ. Lúc trở về Mỹ, ông chỉ còn hơn một ngày tại chức, kết thúc công việc mà ông gọi là quan trọng nhất trong đời mình.
Từ khi ông Kerry trở thành thượng nghị sĩ bang Massachusetts, cùng với thượng nghị sĩ John McCain, hai ông đã đi đầu trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Trên cương vị ngoại trưởng Mỹ, ông Kerry đã tới Việt Nam đến 4 lần.
Ngày 14/1, ông sẽ đến Cà Mau, một chuyến đi mà vị ngoại trưởng muốn có những giây phút riêng tư. Đó là vùng đất mà ngày xưa ông đã trực tiếp tham chiến. Gần 50 năm sau, ông đến đây vì những mục tiêu khác, trong đó có chống biến đổi khí hậu - một mục tiêu mà ông muốn dành nhiều thời gian theo đuổi sau khi rời ghế ngoại trưởng.