Lượng xăng sinh học E5 tiêu thụ tại TPHCM thấp hơn nhiều bình quân cả nước, chỉ đạt 26,7% (Ảnh minh họa) |
Theo thống kê, trên địa bàn TP HCM, sản lượng xăng sinh học tiêu thụ bình quân một tháng vào khoảng 44.730 m3, chiếm tỷ lệ khoảng 26,7% tổng lượng cung ứng. Tuy nhiên, con số này cũng được coi là cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ 6,7% của xăng E5 tiêu thụ của năm 2017. Hiện tại, xăng RON A95 vẫn là mặt hàng chủ đạo tiêu thụ tới 122.181m3, chiếm tới 73,2% ở thành phố đông dân cư này.
Nguyên nhân được giới chức trách thành phố lý giải là do tâm lý người dân không có thói quen thay đổi cũng như chưa nhận thức đúng đắn về dòng xăng sinh học E5. Vì thế, khi dừng lưu hành xăng RON92 học đã chuyển sang chọn RON95 để thay thế. Bản thân doanh nghiệp cũng phàn nàn về hiện tượng tiêu thụ chậm, E5 hao hụt cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận và hoạt động kinh doanh của các công ty đầu mối.
Thêm vào đó, tỷ lệ chiết khấu hoa hồng cũng bị doanh nghiệp phần nàn là chưa đủ bù đắp chi phí.
Hiện nay, trên địa bàn TP HCM có khoảng 36 doanh nghiệp đầu mối tổng đại lý phân phối xăng dầu cùng với khoảng 538 cửa hàng bán lẻ. Trong đó, 3 doanh nghiệp chiếm thị phần chủ lực gồm Petrolimex khoảng 30%, PVOilt 16,6% và Saigon Petro 6,5%.
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) đã gửi kiến nghị đến Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về việc nên cho sử dụng lại xăng A92 để không bị lãng phí xã hội trong trường hợp áp dụng các biện pháp khuyến khích nhưng sản lượng tiêu thụ xăng E5 thấp. Theo tính toán của Saigon Petro, mỗi tháng xã hội phải chi thêm 400 tỷ đồng do người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xăng A95 một cách không cần thiết trong khi xe chỉ cần sử dụng xăng E5.
Tuy nhiên, trong văn bản trả lời mới đây, Bộ Công thương đã đề nghị doanh nghiệp này thực hiện đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tránh gây dư luận không tốt về mục tiêu cũng như chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với nhiên liệu sinh học nói chung, xăng E5 nói riêng.