Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học (NLSH) có góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên.
Theo đó, từ tháng 10/2007 đến tháng 3/2009, PVN đã quyết định chủ trương đầu tư, chỉ đạo các đơn vị thành viên góp vốn thành lập hai công ty cổ phần và một công ty liên danh để thực hiện 3 dự án sản xuất NLSH ethanol tại Phú Thọ, Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) và tỉnh Bình Phước. Công suất mỗi nhà máy 100 triệu lít mỗi năm, nguồn vốn do các cổ đông đóng góp 30%, vay tín dụng thương mại 70%.
Theo Thanh tra Chính phủ, dự án tại Phú Thọ do Công ty CP Hóa dầu và NLSH Dầu khí (PVB) làm chủ đầu tư. Ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án 1.317,5 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên gần 2.500 tỷ đồng (tăng tổng mức đầu tư 1.167,43 tỷ đồng), trong đó vốn vay là 771 tỷ đồng.
Đơn vị được chỉ định thầu, thực hiện các công việc chính của dự án dự án là Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC). Tuy nhiên, PVC là nhà thầu chưa có năng lực, kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án NLSH. Việc chỉ định thầu này là vi phạm Luật đấu thầu.
Việc PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm cũng là nguyên nhân chính khiến dự án phải dừng thi công từ tháng 11/2011. Hiện toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt tại dự án đã han gỉ, vốn đã đầu tư 1.534 tỷ đồng chưa được phát huy, tăng chi phí vốn vay và các chi phí khác…
Một góc nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ. Ảnh: Vietnamnet. |
Đến nay, chủ đầu tư PVB, nhà thầu PVC và PVN vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Dự án đang trong tình trạng bế tắc, tiềm ẩn nguy cơ khó tiếp tục thực hiện.
Đối với dự án tại Dung Quất, dự án này do Công ty CP NLSH Dầu khí miền Trung (PCB) làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.886 tỷ đồng, nhưng về sau đã bị đội vốn lên hơn 2.100 tỷ đồng.
Đơn vị được chỉ định thầu thực hiện dự án là Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật và xây lắp dầu khí (PTSC). Cũng giống như trường hợp dự án tại Phú Thọ, PTSC là nhà thầu chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực NLSH.
Cụ thể, trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của PTSC thể hiện chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, mua sắm, xây dựng và các dự án dầu khí, chưa thực hiện dự án NLSH hoặc có tính chất tương tự.
Mặc dù vậy, PTSC lại chịu trách nhiệm thực hiện các công việc quan trọng của dự án, từ thiết kế tới mua sắm các phân xưởng phụ trợ và các hệ thống của nhà máy, xây dựng và lắp đặt toàn bộ nhà máy.
Chính vì vậy, việc chỉ định thầu nói trên là không thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm Luật đấu thầu.
Đáng chú ý, từ khi đi vào hoạt động tới nay, nhà máy này chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí không vận hành nhưng vẫn phát sinh nhiều chi phí. Năm 2014 nhà máy lỗ khoảng 164 tỉ đồng.
Về dự án nhiên liệu sinh học tại Bình Phước, dự án này do Công ty TNHH NLSH Phương Đông làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 1.492,653 tỷ đồng (80,684 triệu USD), sau đội vốn lên 84,533 triệu USD, tăng hơn 3,8 triệu USD.
Tính đến tháng 3/2013, nhà máy chỉ hoạt động 5 đợt, sản xuất được 16,286 triệu lít ethanol với giá thành lên tới 21.500 đồng/lít, tăng 10.459 đồng/lít (tăng 95%) so với giá thành khi lập dự án đầu tư.
Giá sản phẩm cao, sức tiêu thụ hạn chế nên từ tháng 4/2013 đến nay, nhà máy này gần như "đắp chiếu". Dự tính mỗi năm nhà máy lỗ khoảng 200 tỷ đồng, riêng năm 2013 và 2014 lỗ khoảng 400 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, sau khi thực hiện xong dự án, các nhà máy đi vào hoạt động đều bị thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại. Toàn bộ vốn đầu tư vào 3 dự án với tổng số tiền đã thanh toán đến tháng 11/2014 là 5.401 tỷ đồng chưa có hiệu quả.
Các dự án NLSH bị đội vốn, bị tạm dừng thi công hay hoạt động không hiệu quả thì trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư và nhà thầu.
Trên cơ sở kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, chỉ đạo PVN kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra sai phạm tại từng dự án, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Bộ Công thương cần chỉ đạo PVN, chủ đầu tư khẩn trương xây dựng giải pháp cụ thể đối với dự án NLSH tại Phú Thọ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật đối với các sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án NLSH Phú Thọ và Dung Quất có dấu hiệu cố ý làm trái và/hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn sai địa điểm xây dựng (dự án Dung Quất), trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.