Người thay Shark Liên làm Tổng giám đốc Nước mặt Sông Đuống là ai?

Shark Liên và doanh nhân 8X Tạ Đức Hoàng đã đổi cho nhau vị trí Tổng giám đốc tại Công ty Nước mặt Sông Đuống và Tập đoàn Aqua One - công ty mẹ của Nước mặt Sông Đuống.

Shark Liên và doanh nhân 8X hoán đổi vị trí Tổng giám đốc tại Aqua One và Sông Đuống

Sau ngững lùm xùm về giá nước, dư luận tiếp tục xôn xao về việc bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) không còn là Tổng giám đốc của Công ty CP Nước mặt Sông Đuống.

Người thay Shark Liên làm Tổng giám đốc Nước mặt Sông Đuống là ông Tạ Đức Hoàng, sinh năm 1980. Doanh nhân 8X này hiện thường trú tại khu tập thể Quân đội, Học viện Quốc phòng, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

3014ea7564358d6bd424

Doanh nhân 8X Tạ Đức Hoàng (đứng) đã thay Shark Liên giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty Nước mặt Sông Đuống. (Ảnh: Thời báo Doanh nhân).

Tuy nhiên, thực tế, theo tra cứu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp, việc thay đổi chức danh Tổng giám đốc Công ty Nước mặt Sông Đuống từ Shark Liên qua ông Tạ Đức Hoàng đã được cơ quan chức năng cấp đăng kí thay đổi từ ngày 19/9/2019, tức cách nay đúng 2 tháng.

Ngoài việc thay đổi Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Nước mặt Sông Đuống cũng được chuyển từ bà Đỗ Thị Kim Liên sang cho vị doanh nhân 8X Tạ Đức Hoàng.

Ông Hoàng hiện là một trong số các thành viên HĐQT của Công ty Nước mặt Sông Đuống.

Một số thông tin cho biết ông Hoàng còn là Tổng giám đốc của Công ty CP Nước Aqua One (công ty mẹ của Nước mặt Sông Đuống). Tuy nhiên, thực tế, theo cập nhật mới nhất của Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp thì vị trí này tiếp tục đã có thay đổi.

photo-1-15736167909261075279570

Nhà máy nước mặt sông Đuống nhìn từ trên cao. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Ông Tạ Đức Hoàng không còn là Tổng giám đốc Aqua One, mà vị trí này được chuyển cho bà Đỗ Thị Kim Liên. Shark Liên đồng thời cũng là người đại diện pháp luật và Chủ tịch của Aqua One.

Quyết định thay đổi Tổng giám đốc Aqua One được cơ quan quản lí cấp ngày 4/10/2019.

Như vậy, trong vòng 10 ngày, ông Tạ Đức Hoàng và Shark Liên đã lần lượt hoán đổi vị trí Tổng giám đốc tại Nước mặt Sông Đuống và Aqua One cho nhau. Trong khi đó, bà Shark Liên vẫn là Chủ tịch tại 2 công ty này.

Người Thái đang lấn sâu vào Nước mặt Sông Đuống

Đáng chú ý, sau khi Công ty CP Nước mặt Sông Đuống thay đổi Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật là ông Tạ Đức Hoàng, cập nhật mới nhất của doanh nghiệp này vào ngày 4/11, cho thấy danh sách HĐQT chính thức xuất hiện thêm 3 thành viên người Thái Lan.

Danh sách 3 người quốc tịch Thái tham gia vào HĐQT Nước mặt Sông Đuống với vai trò thành viên là ông Vivat Jiratikarnsakil (sinh năm 1956), ông Wisate Chungwatana (sinh năm 1967) và bà Jareeporn Jarukornsakul (sinh năm 1967).

Ngoài ra, Ban kiểm soát doanh nghiệp này còn có một thành viên người Thái khác, là ông Natthapatt Tanboon-ek (sinh năm 1975).

gettyimages-938014580-1024x1024-crop

Nữ triệu phú Thái Lan hiện đã nắm 34% cổ phần tạ Nước mặt Sông Đuống. (Ảnh: Getty).

Trong số những người quốc tịch Thái trên tham gia vào điều hành Công ty CP Nước mặt Sông Đuống, đáng chú ý là bà Jareeporn Jarukornsakul - nữ triệu phú người Thái. Sở hữu khối tài sản ròng trị giá 865 triệu USD, bà Jareeporn Jarukornsakul là doanh nhân giàu thứ 35 của Thái Lan.

Việc có mặt của nhiều người Thái vào HĐQT Nước mặt Sông Đuống liên quan thương vụ Công ty WHA Utility and Power, do bà Jareeporn Jarukornsakul sở hữu, mua lại cổ phần từ ông Đỗ Tất Thắng - một cổ đông của Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Sau thương vụ, nhóm này sở hữu 34% vốn điều lệ của Nước mặt Sông Đuống.

Cũng trong báo cáo cập nhật mới nhất, tính đến nay, vốn điều lệ của Công ty Nước mặt Sông Đuống gần 1.000 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm 15%, vốn nước ngoài chiếm 34%, nguồn vốn tư nhân chiếm 51%.

Vai trò của Shark Liên ra sao tại Công ty Nước mặt Sông Đuống và Aqua One?

Công ty CP Nước mặt Sông Đuống chính là chủ đầu tư dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Nhà máy có quy mô cấp nước vùng, với tổng công suất 900.000 m3/ngày đêm, tổng công suất dự kiến lên đến 1,2 triệu m3/ngày đêm vào năm 2030.

Hiện dự án đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào ngày 5/9 vừa qua, với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tổng mức đầu tư giai đoạn này là 5.000 tỉ đồng.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-20 lúc 18

Aqua One đang nắm 51% cổ phần tại Nước mặt Sông Đuống. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Dự kiến, Nhà máy nước mặt Sông Đuống sẽ đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội, tương đương khoảng 3 triệu dân, tại 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực Đông bắc và phía Nam Hà Nội.

Ngoài ra, nhà máy này cũng phục vụ nước sạch cho các khu đô thị, khu công nghiệp trên đường 179, một số vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên… và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.

Nhà máy Nước mặt Sông Đuống chỉ là một trong số nhiều dự án thuộc sở hữu của Công ty CP Nước Aqua One - doanh nghiệp chuyên xử lí và cung cấp nước sạch do Shark Liên làm Chủ tịch HĐQT.

Aqua One của Shark Liên đang quản lí Nhà máy nước mặt Sông Hậu. Đây là nhà máy có quy mô cấp nước vùng, với công suất năm 2016 là 100.000 m3/ngày đêm, định hướng mở rộng đến 600.000 m3/ngày đêm.

Mới đây, trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri, UBND TP Hà Nội cho biết đã giao cho Công ty Cổ phần Aqua One triển khai dự án nước sạch Xuân Mai.

shark-lien-1159037

Shark Liên hiện là Chủ tịch Aqua One lẫn Công ty Nước mặt Sông Đuống. (Ảnh: Aqua One).

Thông tin về dự án nước sạch Xuân Mai cũng được doanh nghiệp của Shark Liên cập nhật trên website công ty. 

Theo đó, Nhà máy nước mặt Xuân Mai - Hòa Bình cũng có quy mô cấp nước vùng, với công suất: 600.000 m3/ngày đêm, tổng công suất dự kiến 900.000 m3/ngày đêm vào năm 2030. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án gồm 2 hợp phần, và chính thức hoàn thành vào năm 2023, với công suất 300.000 m3/ngày đêm.

Những ngày qua, dư luận tỏ ra bức xúc về việc giá nước của Nhà máy Nước mặt sông Đuống quá cao. UBND TP Hà Nội chấp thuận giá nước tạm tính gấp đôi so với các nhà cung cấp khác, lên tới 10.246 đồng/m3, thậm chí đắt hơn cả giá nước bán lẻ bậc 1 trên thị trường.

Trả lời Lao Động, ông Tạ Đức Hoàng - Tổng giám đốc mới của Nước mặt Sông Đuống, cho rằng việc so sánh hiệu quả và giá nước giữa các nhà máy phải được đưa về cùng thời điểm đầu tư, quy mô đầu tư và vận hành hoạt động.

Trong khi đó, nói với Tuổi Trẻ, Shark Liên phủ nhận doanh nghiệp của bà được UBND TP Hà Nội ưu ái. Về mức giá nước 10.246 đồng/m3, bà cho biết đây là giá TP Hà Nội tạm tính, để doanh nghiệp có điều kiện thực hiện vay vốn ngân hàng. 

"Với giá đó, tổng mức đầu tư của dự án là gần 5.000 tỉ đồng, các nhà tư vấn đã tính toán rất kĩ cùng với thành phố Hà Nội, Sở Tài chính thì mới ra được giá 10.246 đồng", Chủ tịch Aqua One Đỗ Thị Kim Liên cho biết.