Người tiêu dùng ít trung thành hơn trong xu thế mua sắm online

Trước đây, một sản phẩm có khoảng 80% khả năng người tiêu dùng sẽ mua lại nhưng hiện nay tỉ lệ đó chỉ còn 50%.
Người tiêu dùng không trung thành chiếm tới 50% trong thời đại mua sắm online - Ảnh 1.

Công nghệ ngày càng trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống hiện đại. (Ảnh: Cnet).

Ít trung thành với sản phẩm hơn trong thời đại công nghệ

Trong thời đại ngày nay, công nghệ luôn đạt được những bước tiến mới và nhảy vọt. Có thể kể đến các xu hướng công nghệ nổi bật trên thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ 5G, thanh toán kĩ thuật số, robot và tự động hóa...

Những thay đổi về công nghệ cũng dẫn tới sự chuyển hướng trong hành vi người tiêu dùng. Phát biểu trong buổi hội thảo về "Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam", bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực phía Bắc, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, cho biết hiện khách hàng không trung thành với sản phẩm khá là phổ biến.

"Trước đây, nếu mua một sản phẩm sẽ có khoảng 80% cơ hội khách hàng sẽ mua lại sản phẩm đó nhưng hiện nay tỉ lệ đó chỉ còn 50%. Nguyên nhân là do họ cần sự thuận tiện, nếu sản phẩm tốt nhưng việc mua sắm khó khăn, phải đi xa để mua, hơn nữa nếu đó lại là các sản phẩm không khó để thay thế thì họ sẵn sàng rời bỏ", bà Hà cho hay.

Người tiêu dùng coi thời gian là "vàng", bên cạnh đó trong giai đoạn dịch Covid-19 lây lan, họ còn tiếp cận thông tin nhiều hơn. Thống kê của Niesel Việt Nam cho thấy có tới 80% người tiêu dùng tiếp cận thông tin ở các kênh khác nhau.

Việc trải nghiệm mua sắm cũng rất quan trọng đối với người tiêu dùng, ví dụ như mua nhiều thứ trong một cửa hàng; khi vào một website hay sàn thương mại điện tử, tất cả các sản phẩm yêu thích của khách hàng đều đã phải thể hiện đầu tiên.

Bên cạnh đó, các nhu cầu như sự tự phục vụ, hệ sinh thái một chạm, chủ động đưa ra đề xuất, tiếp cận ra sao cũng rất quan trọng.

Người tiêu dùng không trung thành chiếm tới 50% trong thời đại mua sắm online - Ảnh 2.

Mua sắm online trở thành xu hướng trong nền kinh tế hiện đại. (Ảnh: e-spincorp).

Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng "số hóa" nhiều hơn

Theo thống kê của Niesel có 57% người Việt Nam cho biết sẽ sử dụng công nghệ thực tế ảo để tiếp cận thông tin sản phẩm mới bởi họ không cần phải đến cửa hàng vật lí nhưng vẫn có thể tìm hiểu về sản phẩm. 

Bên cạnh đó, có tới 75% số người cho rằng công nghệ giúp họ dễ dàng tiếp cận sản phẩm hơn.

Đối với các ứng dụng điều hướng trong cửa hàng hoặc thông báo các chương trình khuyến mại, có 43% người được hỏi cho rằng họ sẽ dùng các ứng dụng như vậy và 45% người tiêu dùng nói rằng họ sẵn sàng sử dụng các chương trình trực tuyến của doanh nghiệp.

Bà Hà cho rằng người Việt Nam đã "cởi mở hơn và đi theo xu hướng rất nhanh" đồng thời cho rằng các phần thưởng và chương trình khách hàng thân thiết là một trong những cách để các doanh nghiệp có các khách hàng thân thiết, giữ chân khách hàng và quản lí danh mục khách hàng...

Cũng theo Niesel, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ dân số trẻ dưới 35 tuổi chiếm tới 58% tổng dân số toàn quốc, so với các quốc gia khác trong khu vực như Singapore (42%) hay Thái Lan (46%) thì tỉ lệ này cao hơn hẳn.

Theo bà Hà, nhóm người này có đặc điểm là cập nhật tốt thị trường, đặc biệt thế hệ Gen Z hay có tên gọi khác là "công dân toàn cầu" được kì vọng nhiều trong thúc đẩy mua sắm, đặc biệt là mua sắm xuyên biên giới.

Trong xu hướng kinh tế chia sẻ toàn cầu, dự đoán của Niesel cho thấy năm 2025 nền kinh tế chia sẻ toàn cầu có trị giá 300 tỉ USD. Trong năm 2020, có 30% doanh số bán lẻ sẽ được thực hiện thông qua ứng dụng và 33% người tiêu dùng Việt Nam sẽ thực hiện chuyển tiền trực tiếp trên mạng khi mua sắm trực tuyến.

Tại Việt Nam cứ 10 người thì 3 người sở hữu tài khoản với một tổ chức tài chính. Con số này khiêm tốn nhưng tỉ lệ quan tâm tới việc sử dụng tài khoản tài chính hay dịch vụ ngân hàng ngày càng tăng.

Các thương hiệu thương mại điện tử tại Việt Nam rất phổ biến đối với người tiêu dùng bởi các dịch vụ của họ mang đến sự thuận tiện.

Người tiêu dùng không trung thành chiếm tới 50% trong thời đại mua sắm online - Ảnh 3.

(Nguồn: Niesel Việt Nam).

Các mặt hàng được mua sắm nhiều trên kênh thương mại điện tử đó là các sản phẩm thời trang, điện tử. Đặc biệt mặt hàng thực phẩm hiện được người tiêu dùng mua online rất nhiều, hơn 60% người được hỏi nói sẽ tiếp tục mua online mặt hàng thực phẩm và có tới 62% người tiêu dùng cho biết họ sẽ mua hàng và mang về nhà dùng. 

Ở các quốc gia láng giềng của Việt Nam, tỉ lệ trên cũng tương tự như vậy. "Lí do là bởi họ quan tâm đến sự an toàn khi đi ngoài mua sắm, một phần cũng vì thu nhập của họ bị giảm bớt và sự thuận tiện khi chọn kênh này cũng là một yếu tố không thể bỏ qua", bà Hà chia sẻ.

Ngoài ra, khảo sát của Niesel cho biết có tới 65% lượt mua hàng trực tuyến ở Việt Nam là diễn ra vào buổi tối do tính thuận tiện khi mua hàng bởi ban ngày mọi người làm việc, thời gian buổi tối là lúc họ nghỉ ngơi và lướt web, lượt truy cập trên Facebook cũng ghi nhận tăng nhiều hơn vào thời gian này.

chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...