Người tiêu dùng vẫn 'thắt lưng buộc bụng' dù đại dịch qua đi?

Chịu ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế, tài chính và tình trạng thất nghiệp, sinh kế và thu nhập của nhiều người bị giảm sút nghiêm trọng. Người tiêu dùng sẽ tái ưu tiên những gì họ có thể mua ở mức chỉ mua thực phẩm thiết yếu để "sống".
Dịch Covid-19 thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. (Ảnh: Báo Công Thương).

Dịch Covid-19 thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. (Ảnh: Báo Công Thương).

Người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng" trong giai đoạn cách li xã hội

Đại dịch Covid-19 khiến mọi mặt trong đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt làm suy thoái nền kinh tế. Chịu ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế, tài chính và tình trạng thất nghiệp, sinh kế và thu nhập của nhiều người bị giảm sút nghiêm trọng. Người tiêu dùng sẽ tái ưu tiên những gì họ có thể mua ở mức chỉ mua thực phẩm thiết yếu để "sống".

Theo Báo cáo Triển vọng ngành 6 tháng cuối năm của CTCK Rồng Việt, trong giai đoạn cách li xã hội, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm thực phẩm, sữa, chăm sóc nhà cửa và cá nhân hơn là chi tiêu cho bia rượu, nước giải khát và thuốc lá. 

Khảo sát mức tiêu dùng hồi tháng 3 và 4 - mốc đỉnh của đại dịch, ngoài ngành thực phẩm ghi nhận mức tăng trưởng dương 10%, tất cả các ngành thuộc nhóm tiêu dùng đều ở mức âm. Trong đó, bia rượu ít được tiêu thụ nhất khi doanh số tăng trưởng âm 26%. 

Bên cạnh đó, nhiều dòng sản phẩm điện tử, điện máy chứng kiến tiêu thụ giảm trong bối cảnh thu nhập người tiêu dùng bị ảnh hưởng rõ rệt. Hàng điện tử và máy ảnh kĩ thuật số ghi nhận một mùa kinh doanh "bết bát" khi mức tăng trưởng âm lần lượt là âm 13% và âm 32%.

Mặc dù thế giới đang mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu vẫn cách xa so với thời điểm trước đại dịch. Trong nửa đầu năm 2020, tiêu dùng nội địa tại Việt Nam chỉ tăng 0,7% so với mức trung bình 7% của năm trước đó. Kể từ sau lệnh giãn cách toàn xã hội được gỡ bỏ, ngoại trừ các thành phố trung ương, nhiều tỉnh/thành cấp 1, 2 ghi nhận sức mua hồi phục yếu.

Sức cầu kém khiến các doanh nghiệp lâm vào cảnh khó. Lần đầu tiên sau nhiều năm, doanh số bán lẻ Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm vào tháng 3/2020 do Covid-19 bắt đầu lây lan trong cộng đồng. Sau đó, lệnh cách li xã hội đã được Chính phủ thực thi, khiến tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm xuống mức thấp nhất -27% so với cùng kì trong tháng 4. Kể từ đó, chi tiêu của người tiêu dùng bắt đầu phục hồi nhưng vẫn thấp hơn mức trước Covid-19. Đến tháng 8, khi đợt dịch thứ hai đã được kiềm chế, các ngành hàng tiêu dùng có dấu hiệu khởi sắc hơn nhưng vẫn ở mức thấp.

Báo cáo tài chính hợp nhất quí II/2020 của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) cho biết, doanh thu giảm 21,5% so với cùng kì. Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của SAB đã giảm lần lượt 34,5% và 31,5% so với cùng kì năm ngoái.

Trong lĩnh vực sản xuất đồ uống, dù dẫn đầu thị trường, hai ông lớn có vốn nhà nước là Sabeco và Habeco cũng không thoát khỏi tình trạng doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh từ 30-35% trong 6 tháng đầu năm. Riêng Habeco, lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm giảm tới 51% so với cùng kì năm ngoái, theo Số liệu tổng hợp báo cáo Ðảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.

Hai doanh nghiệp trên tỏ ra "khá dè dặt" trước khả năng hoàn thành chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh 2 quí cuối năm cũng như cả năm 2020, trong bối cảnh dịnh bệnh tái bùng phát.

Người tiêu dùng vẫn 'thắt lưng buộc bụng' dù đại dịch qua đi? - Ảnh 2.

Người tiêu dùng ưu tiên mua sắm thực phẩm, sữa, chăm sóc nhà cửa và cá nhân hơn là chi tiêu cho bia rượu, nước giải khát và thuốc lá. Số liệu trong Báo cáo Triển vọng ngành 6 tháng cuối năm của CTCK Rồng Việt.

Theo báo cáo tình tình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 8 tháng năm 2020 của Bộ Công Thương, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm nay ước tính đạt 322,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 10% tổng mức và giảm 16,4% so với cùng kì năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng ước tính đạt 13,1 nghìn tỉ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 54,4% so với cùng kì năm trước (cùng kì năm 2019 tăng 10%) do dịch Covid-19 làm cho các chính sách kích cầu du lịch nội địa không thể thực hiện, nhiều khách du lịch hủy tour và nhiều sự kiện lễ hội văn hóa hủy bỏ, một số địa điểm thăm quan phải đóng cửa trở lại.

Doanh thu dịch vụ khác 8 tháng ước tính đạt 335,9 nghìn tỉ đồng, chiếm 10,4% tổng mức và giảm 5,7% so với cùng kì năm 2019.

Các con số đều ở mức giảm cho thấy người tiêu dùng đã có sự chọn lựa và co lại phạm vi tiêu dùng của mình để có thể vượt qua cơn bĩ cực.

Giữ thói quen tiêu dùng hậu cách li xã hội

Báo Nhân Dân dẫn kết quả nghiên cứu “Covid-19 - Đâu là nơi người tiêu dùng hướng tới?” của Nielsen về thái độ của người tiêu dùng đối với sự bùng phát của virus SARS-CoV-2, sự thay đổi trong lối sống và chi tiêu cho các ngành hàng tiêu dùng nhanh chỉ ra rằng, tại 11 thị trường châu Á, phần lớn người tiêu dùng đều sẽ ưu tiên việc ăn tại nhà. 

Đại dịch lần này đã làm thay đổi đáng kể hành vi người dân, từ tiêu dùng mua mang đi đến tiêu dùng an toàn tại nhà. Việt Nam cũng nằm trong top 3 các quốc gia theo xu hướng này, với 62% số người tiêu dùng nói rằng họ cũng chọn ăn tại nhà.

Việc người tiêu dùng ưu tiên ăn uống và giải trí tại nhà, dẫn đến doanh số của nhiều nhà bán lẻ ở trung tâm thương mại vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với mức trước cách li xã hội. Hệ quả là mua sắm trực tuyến và giao hàng tận nơi đang phát triển nhanh hơn.

Hơn nữa, Covid-19 đã đẩy nhanh xu hướng bán lẻ hiện tại, bao gồm kênh hiện đại (khách hàng chuyển từ chợ truyền thống sang siêu thị mini như BHX và Vinmart +), mua sắm trực tuyến và giao hàng tận nơi.

Người tiêu dùng vẫn 'thắt lưng buộc bụng' dù đại dịch qua đi? - Ảnh 3.

Số liệu trong Báo cáo Triển vọng ngành 6 tháng cuối năm của CTCK Rồng Việt.

Ngay cả sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, lối sống ăn uống khỏe mạnh sẽ trở nên quan trọng với người tiêu dùng hơn so với trước đây, với sự kì vọng về một bữa tối tại nhà được tái thiết lập.

Xu hướng này tạo nên một cơ hội đầy tiềm năng cho nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà hàng và các công ty giao thực phẩm, để suy nghĩ lại về các dịch vụ sức khỏe cũng như đảm bảo rằng các sản phẩm đáp ứng được sự hài lòng trước nhu cầu ngày càng tăng đối với sức khỏe và sự thuận tiện; nhưng vẫn có chất lượng cao và đạt chuẩn vệ sinh cho những khách hàng sẵn sàng trả nhiều hơn.

Hậu cách li xã hội, người tiêu dùng sẽ tiếp tục tập trung vào mua sắm các sản phẩm thiết yếu. Trong trường hợp thu nhập thấp hơn và tình trạng thất nghiệp tăng, người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu không thiết yếu. Đồng thời họ lựa chọn hàng hóa với hiệu quả kinh tế cao hơn, giá thành thấp hơn và các mặt hàng riêng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều công ty trang sức, ngành sữa, công nghệ,... 


chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...