Người Trung Quốc thích thú khi xem hỗn chiến Trump - Biden

Màn hỗn chiến đã trở thành mục tiêu chế giễu của giới chuyên gia và người dùng mạng Trung Quốc, khi chủ nghĩa dân tộc ở cả hai nước trỗi dậy trong bối cảnh căng thẳng song phương ngày càng leo thang.

Cuộc tranh luận về thành tựu và chính sách phát triển đất nước của hai ứng viên tổng thống Mỹ cuối cùng trở thành một trận la hét, xúc phạm và công kích cá nhân.

Sau cuộc tranh luận kéo dài 90 phút, không ứng viên nào chiếm ưu thế rõ rệt. Một số chuyên gia Trung Quốc nhận định đó là một tổn thất lớn với các giá trị dân chủ mà Mỹ luôn ủng hộ và nói rộng ra, màn hỗn chiến này là một chiến thắng cho các đối thủ của Mỹ, ví dụ như Trung Quốc.

Ông Gu Su - một chuyên gia chính trị tại Đại học Nam Kinh, bày tỏ thái độ thất vọng khi thấy hai ứng viên lăng mạ và cáo buộc lẫn nhau, riêng ông Trump thì chẳng đoái hoài gì tới qui tắc hay nghi thức tranh luận.

"Dù chiến dịch tranh cử của cả hai ứng viên đều coi Trung Quốc là trọng tâm đối ngoại hàng đầu, chúng tôi không thực sự thấy nhiều trao đổi qua lại về đất nước mình trong cuộc tranh luận tối 29/9 như dự đoán trước đó", ông Gu chia sẻ.

Ông Gu lập luận, cả hai ứng viên tổng thống Mỹ đều đề cập đến cách xử lí yếu kém của Trung Quốc trong những tuần đầu tiên của đại dịch Covid-19, độ tin cậy về số liệu thống kê của Trung Quốc và rạn nứt trong quan hệ thương mại song phương.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump và cựu Phó Tổng thống Biden đều không đưa ra các lập luận thực tế và có giá trị trong quá trình tranh luận, ông Gu nhận định.

South China Morning Post (SCMP) dẫn lời chuyên gia Gu Su kết luận: "Nhìn chung, sự kiện tối ngày 29/9 quá lộn xộn và là một trong các cuộc tranh luận tổng thống tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Không ai chiến thắng vì cuộc tranh luận không đáp ứng được kì vọng của người dân trên thế giới khi họ xem Mỹ là một trong các nước dân chủ phát triển nhất".

Đáp trả chỉ trích từ ông Trump và đối thủ Biden, Bắc Kinh khẳng định không ai được sử dụng Trung Quốc như một bàn đạp chính trị.

Phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Chúng tôi kiên quyết phản đối quan chức Mỹ sử dụng Trung Quốc trong các chiến dịch tranh cử của họ. Thực tế đã chứng minh các cáo buộc của Mỹ về Trung Quốc là vô căn cứ".

Trung Quốc bình luận về hỗn chiến Trump - Biden: 'Đây có phải nền văn minh kiểu Mỹ?' - Ảnh 1.

Cuộc tranh luận đầu tiên của Tổng thống Trump và đối thủ Joe Biden trở thành một thất bại trong mắt người dân Trung Quốc. (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP)

Từ trước khi cuộc tranh luận diễn ra, tờ Nhân dân Nhật báo - một cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc - đã đăng bài viết yêu cầu các chính trị gia Mỹ "không lôi Trung Quốc vào chuyện bầu cử của Mỹ để kiếm phiếu bầu". Thực tế buổi tranh luận đã diễn ra tương đối đúng với mong muốn của Bắc Kinh.

Không ai quá tập trung vào Trung Quốc

Các nhà quan sát khác cho rằng ông Trump hơi quá đà khi tìm cách chọc phá ông Biden bằng cách liên tục chen ngang lời đối thủ.

Theo ông Huang Jing - chuyên gia chính trị tại Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, trong khi ông Biden duy trì hình ảnh là một ứng viên trưởng thành và vững vàng hơn thì ông Trump cố gắng chiếm ưu thế bằng lối hành động bộc phát khiêu khích để phủ đầu mọi lời chỉ trích.

"Cả hai ứng viên đều muốn sử dụng Trung Quốc để tấn công đối thủ, điều này khiến họ khó tập trung vào một vấn đề cụ thể về Trung Quốc. Họ liên tục lời qua tiếng lại và ông Trump rõ ràng quá háo hức ghi điểm", ông Huang lập luận.

Tổng thống Trump đã nhiều lần cố gắng lôi kéo ông Biden vào cuộc tranh luận về Trung Quốc bằng cách công kích mối liên quan của ông Biden và con trai Hunter với Trung Quốc, ông Huang nói tiếp.

"Tuy nhiên, ông Biden đã chuẩn bị rất tốt và không rơi vào cái bẫy do ông Trump giăng ra. Ông chủ Nhà Trắng đang hi vọng hồi sinh chiến dịch tái tranh cử bằng cách tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc và đổ lỗi cho những người tiền nhiệm trong chính quyền ông Barack Obama, trong đó ông Biden là Phó Tổng thống", SCMP dẫn lời ông Huang Jing kết luận.

Ông An Gang, cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc, cho biết cuộc tranh luận đầu tiên không có khả năng ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử, vì hầu hết các khảo sát sau cuộc tranh luận đều chứng thực vị trí dẫn đầu của ông Biden trong các cuộc thăm dò.

"Cuộc tranh luận phản ánh thực tế của các cuộc bầu cử tại Mỹ, khi các vấn đề ngoại giao hiếm khi chiếm được sự quan tâm của cử tri Mỹ, mặc dù người dân Trung Quốc ý thức rằng các chủ đề liên quan đến đất nước tỉ dân sẽ nổi bật trong các cuộc bầu cử của năm 2020", ông An nói.

"Đây có phải nền văn minh kiểu Mỹ?"

Cuộc tranh luận tối ngày 29/9 không được truyền hình trực tiếp tại Trung Quốc khi nhiều chuyên gia trong nước phàn nàn rằng họ không thể xem được sự kiện này do các qui định về truy cập Internet của Bắc Kinh.

Chính quyền ông Tập chưa đưa ra bình luận chính thức nào và truyền thông nhà nước cũng im ắng sau cuộc tranh luận do quan hệ Mỹ - Trung đang khá căng thẳng vì các vấn đề thương mại, công nghệ, Biển Đông, Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương.

Trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện khá nhiều cuộc thảo luận về sự kiện vừa qua, hầu hết các bình luận chế giễu hai ứng viên đang tham gia vào "một cuộc đấu khẩu trực tiếp" hơn là thảo luận đúng đắn.

Trên Weibo, một người dùng mô tả cuộc tranh luận là "ồn ào" và không đạt tiêu chuẩn mong đợi của một quốc gia dân chủ. "Tôi sẽ cảm thấy tuyệt vọng nếu mình là một người Mỹ", người dùng mạng này bình luận.

Một người khác cũng gay gắt không kém. Anh ta nói: "Đây có phải là nền văn minh kiểu Mỹ hay không?"

Bình luận trên Twitter, ông Hồ Tích Tiến - tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, cho rằng bộ đôi Trump - Biden "không cho người dân Mỹ thấy phong cách tranh luận mẫu mực".

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.