Cuộc chiến đăng ký học phần là câu chuyện muôn thuở của sinh viên theo học cơ chế tín chỉ. Gần đây, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM phát hiện nhiều bạn trẻ đăng ký các môn học ngoài chương trình đào tạo của mình, sau đó mua bán, trao đổi nhằm trục lợi.
Không ít sinh viên năm cuối lo lắng trước nguy cơ không hoàn thành được chương trình học nếu phòng Đào tạo khóa tài khoản và xử lý cứng rắn.
Phòng đào tạo thông báo khóa tài khoản sinh viên. Ảnh chụp màn hình. |
Hiện phòng Đào tạo của trường tiến hành khóa tài khoản sinh viên đối với những trường hợp bị phát hiện đăng ký quá 5 tín chỉ nằm ngoài chương trình đào tạo.
Như vậy, những tài khoản bị khóa sẽ không thể đăng ký môn mới hoặc rút các môn đã đăng ký trước đó. Nhiều sinh viên không đồng tình với cách làm này.
P.V.T - sinh viên khóa 14 của trường - cho rằng nhà trường nên đưa ra thông báo hoặc quy định về việc này trước khi sinh viên tiến hành đăng ký môn học để họ không vi phạm và nếu có thì nhà trường cũng có căn cứ để xử lý.
"Chúng mình đóng tiền học nên quyền lợi ai cũng như ai. Nhà trường chưa đưa ra quy định mà lại xử phạt thì không đúng, dù cho các bạn đó đăng ký giúp, hay là đăng ký để bán lại vì lợi ích các nhân.
Ví dụ có ai đó đăng ký để bán, nhưng chưa từng có quy định cấm điều đó thì làm sao xử lý. Trong khi rõ ràng có cung mới có cầu, việc nhà trường không đáp ứng đủ nhu cầu đăng ký môn học của sinh viên nên mới xảy ra chuyện đó", T. nói.
Sinh viên này cho hay đa phần trường hợp bị xử lý lần này đều là sinh viên năm cuối hoặc sinh viên trễ hạn tốt nghiệp. Nếu nhà trường xử lý cứng rắn, khóa không cho sinh viên rút hoặc đăng ký môn mới thì sẽ ảnh hưởng đến thời hạn tốt nghiệp của họ.
Ngược lại, nhiều sinh viên cho biết nhà trường nên xử lý nghiêm khắc các trường hợp trục lợi từ đăng ký môn học để răn đe về sau.
N. M. H. - sinh viên năm 3 của trường - bức xúc: "Phòng Đào tạo nên khóa luôn tài khoản những bạn san nhượng, mua bán tín chỉ, để các bạn ấy nộp tiền rồi học hết các môn đó luôn cho 'chừa'. Người khác cũng cần học như các bạn mà phải thức đêm đăng ký, trong khi chính những thành phần này khiến cho các lớp đầy, người khác không đăng ký được".
Trao đổi với Zing.vn về việc khóa tài khoản sinh viên sau khi phát hiện xảy ra việc trục lợi từ việc đăng ký học phần, thạc sĩ Huỳnh Tôn Nghĩa - Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - cho biết việc này nhằm đảm bảo công bằng cho tất cả sinh viên.
Đăng ký học phần là cơn ác mộng đối với sinh viên. Ảnh: A.H. |
Ông Nghĩa cho hay trong đợt mở đăng ký môn học vừa qua, sinh viên khóa 14 (năm 4) được ưu tiên đăng ký trước 2 ngày để đáp ứng nhu cầu đăng ký của các bạn nhằm tạo điều kiện ra trường đúng hạn.
Tuy nhiên, nhiều sinh viên lợi dụng sự ưu tiên này đăng ký rất nhiều môn, đáng nói những môn đó đều nằm ngoài chương trình đào tạo của họ. Sau đó, các bạn san nhượng, trao đổi, mua bán các môn đăng ký được với nhau. Những sinh viên đăng ký quá 5 môn ngoài chương trình đào tạo hoặc bị phát hiện có hành vi trục lợi, phòng Đào tạo sẽ khóa tài khoản.
"Nhà trường khóa tài khoản sinh viên, đồng thời đề nghị những bạn này lên làm việc với phòng Đào tạo. Các sinh viên phải làm tường trình về vụ việc sau đó phòng Đào tạo sẽ có hướng tiếp tục xử lý".
Về việc sinh viên phản ánh trường không đáp ứng được nhu cầu lớp học của sinh viên, ông Nghĩa cho rằng không trường đại học nào có thể mở đủ lớp theo nhu cầu của sinh viên.
"Ví dụ một lớp tối đa 50 em nhưng có đến 60 em muốn học lớp này, nhưng vậy dư ra 10 bạn, nhà trường đâu thể mở lớp riêng cho 10 sinh viên được", ông Nghĩa giải thích.
Nhiều người ủng hộ đề xuất dạy học theo tín chỉ ở bậc THCS và THPT của TP.HCM
Những đề án giáo dục với cơ chế mở của TP.HCM như rút ngắn thời gian năm học, đào tạo theo hình thức tín chỉ, ... |