Sự ra đi của những đứa trẻ là cú đánh chí tử vào bản thể của người làm cha mẹ. Những cái chết trước ngưỡng cửa cuộc đời luôn để lại câu hỏi "tại sao", "giá như" của người lớn.
4 tháng sau khi con gái qua đời, chị Hoa vẫn chưa dám đi lại con đường từ nhà tới trường THCS Đất Đỏ, nơi Thu (tên các nhân vật đã thay đổi - PV) đã theo học gần 3 năm, để hoàn thành những thủ tục giấy tờ cuối cùng cho con bé. Gia đình đã trì hoãn công việc này tới mức không thể trì hoãn hơn nữa. Chị sợ hãi ngày phải quay trở lại ngôi trường đó.
Đầu tháng 11/2017, Thu qua đời, hưởng dương 14 tuổi. Cô bé uống thuốc diệt cỏ tự tử.
Trí nhớ đưa chị Hoa trở lại những ngày vẫn chở con đi học. Con gái chị học lực giỏi, nhưng ít bạn. Tính nó giống ba, không hay nói nhiều với người lạ, chị giải thích.
Một tháng trước khi qua đời, trên đường đi, Thu rụt rè đề nghị mẹ mai lên trường họp phụ huynh, nếu không đi trường sẽ gọi công an.
- Có chuyện gì? Chị Hoa gặng hỏi con.
- Mẹ cứ đi họp rồi sẽ rõ!
Khi tới trường, chị được hiệu trưởng thông báo con gái đã lấy trộm tiền nhiều lần, từ lớp 6, lớp 7, và 2 lần trong năm lớp 8. Tổng số tiền mất hơn 1 triệu đồng. Cô chủ nhiệm cho biết hạnh kiểm của Thu bị hạ xuống loại yếu.
- Tôi hỏi con có lấy tiền không, con nhỏ nói không, nhưng cả trường đều biết chuyện về số tiền bị mất.
Sự việc chưa rõ ngọn ngành, nhưng con gái chị đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.
Paraquat là loại thuốc rẻ tiền, tuy không ảnh hưởng đến môi trường, nhưng đối với con người lại cực kỳ nguy hiểm, bởi chỉ cần 10-15 ml là đủ gây tử vong.
Điều đau đớn nhất đối với những người uống thuốc này là họ thường tỉnh táo vì thuốc hầu như không tác động lên hệ thần kinh trung ương mà phá hủy nội tạng. Bệnh nhân cảm nhận được sự đau đớn tột độ khi gan, thận, dạ dày… bị huỷ hoại dần.
- Trước lúc nhắm mắt, con tôi dặn dò ba mẹ ở lại nuôi dạy chị Hai ăn học, và khẳng định một lần nữa không lấy tiền của lớp. Trời cao sẽ thấy - chị Hoa kể.
Sau cái chết của Thu, lãnh đạo trường, phòng giáo dục huyện, UBND huyện liên tục mở những cuộc họp để làm rõ, chia sẻ, rút kinh nghiệm và mời vợ chồng chị tới dự.
- Tôi đâu cần ai nhận lỗi, đền bù, hỗ trợ. Con tôi đã chết.
Trống rỗng. Đau đớn. Rã rời. Chị Hoa miêu tả cảm giác của mình trong 4 tháng vừa qua. Cũng trong từng ấy thời gian, lưng chị gù rọp xuống, người phụ nữ mới tầm 40 tuổi không thể đứng thẳng lên khi đi.
"Cảm giác mình chỉ cần vui một chút là đã có lỗi với con. Làm mẹ mà để con chết đau đớn và oan ức", chị Hoa khóc nấc, giải thích cho việc đầu hàng trước những thiếu vắng không có hồi kết và nỗi đau buồn không ngừng nghỉ tồn tại trong căn nhà nhỏ những ngày qua.
- Thi thoảng có mạnh mẽ được. Nhưng chỉ được một lúc, nỗi đau buồn cứ tới từng cơn như con sóng, khiến đầu gối tôi chùng xuống, con mắt mờ đi, ruột gan quặn thắt. Giá như tôi biết con bé buồn đến mức ấy!
Dù là người duy tâm, biết rằng nếu người thân mãi đau buồn, con gái mình sẽ bị giữ chân ở nơi mà nó đang ở, không thể siêu thoát, nhưng "ước gì tôi mất trí nhớ, ước gì tôi bị điên", chị nói, giọt nước mắt lăn dài.
"Cái chết của đứa trẻ là cú đánh chí tử vào bản thể của người làm cha mẹ. Nghĩa vụ của cha mẹ là bảo vệ đứa con, giữ cho nó an toàn. Đó là lý do vì sao cái chết của chúng lại có tác động khủng khiếp như vậy tới cha mẹ. Họ cảm thấy bơ vơ và bất lực. Cảm nhận về giá trị bản thân và sự tự tin bị phá hủy. Cái tôi bị vỡ vụn. Họ cảm thấy thất bại ở mức độ sâu sắc nhất", tiến sĩ Đặng Hoàng Giang từng viết trong cuốn "Điểm đến của cuộc đời".
Vài ngày sau Thánh lễ An táng của Trân, bà Minh (ngụ Đoàn Văn Bơ, quận 4) mới đọc được cuốn nhật ký do con gái viết (tên các nhân vật đã thay đổi - PV).
"Cô giáo gọi tôi là 'Trân Heo'. Cô bảo làm vậy để tôi bớt ăn, bớt mập. Tôi nhập viện vì đau dạ dày, cô giáo nói oang oang cho cả lớp nghe tại sao tôi không chết luôn đi. Cô lại nói, làm vậy để tôi nghe, tôi buồn, không ăn uống bậy bạ nữa.
...Mẹ hay chửi bậy, nói tôi vô dụng. Tóc tôi quăn xù giống ba, mẹ bảo như 'con điên ngoài chợ'. Tôi đi học về muộn, mẹ đứng giữa đường la cho cả hẻm nghe thấy, bảo tôi sau này chỉ làm đĩ thôi.
...Cả lớp thì thầm mỗi lần tôi bước vào lớp. Bọn họ chê tôi nhà ở Sài Gòn mà ăn mặc tầm thường, trông quê một cục. Tôi nghe họ chê tôi răng hô, da mụn, 'trông mặt thấy gớm'.
Ước gì tôi biết phép thần thông, có thể xóa sạch ký ức".
Trân được cho là đã nhảy lầu vào một buổi chiều đầu tháng 3 trong trường đại học của mình. Kết luận của cơ quan điều tra cho biết cô gái tự tử vì trầm cảm. Trong đám đông nhốn nháo của tang lễ, người mẹ ngồi như hóa đá trên chiếc ghế xếp, gương mặt méo xệch, cô đơn đến tột cùng. Từ giờ trở đi, bà chỉ còn lại một mình trong căn nhà xập xệ, dột nát.
"Tôi đâu có biết", bà Minh luôn miệng lầm bẩm.
Đúng vậy, người mẹ này không thực sự hiểu con gái mình phải trải qua những cảm xúc như thế nào, đã gặp ai, đang làm gì. Như rất nhiều người mẹ khác, bà bận đi làm, kiếm tiền, hai mẹ con không trò chuyện nhiều. Trân ít nói, bà Minh ít hỏi, còn cuộc sống mưu sinh 1 mẹ - 1 con tại Sài Gòn không hề đơn giản.
Ở Việt Nam có vô vàn cái chết như của Trân. Có những cái chết tức tưởi đến đau đớn của những đứa trẻ tuổi đời mới 14-15, vì những lý do mà theo như người lớn hay nói: "Không đâu vào đâu".
Ngày 4/1, L., một học sinh nữ lớp 7, trường THCS Tân Lâm (Thạch Hà, Hà Tĩnh) tử vong trong tư thế treo cổ trong lớp học. Cô bé được nhận xét ngoan ngoãn, học lực giỏi ra đi sau khi để lại 2 bức thư tuyệt mệnh viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Em xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút, không tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô. Em mong bạn bè tha thứ vì từ giờ không thể vui chơi cùng các bạn.
Nói về cái chết của cô gái trẻ, cả gia đình, nhà trường đều có chung câu hỏi: Không hiểu tại sao em lại dại dột như vậy? Em có suy nghĩ gì? Em có mong muốn gì? Lý do là gì khiến em từ giã cuộc đời bằng cách đau đớn như vậy?
Mới đây, sáng 11/3, thi thể Hồ Thị Lan (17 tuổi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) được tìm thấy nổi trên mặt ao gần nhà sau khi clip ghi lại cảnh nữ sinh này và một bạn nam trong lớp hôn nhau lan truyền trên mạng.
"Bố mẹ nuôi con ăn học, đói khổ cũng vì con, đến bây giờ lớn khôn rồi mà chưa giúp gì cho bố mẹ. Giờ con mắc lỗi không muốn gặp bố mẹ nữa, chào bố mẹ, con đi đây, kiếp sau con sẽ đền đáp công ơn! Con xin lỗi bố mẹ...”, cô gái được nhận xét là học giỏi nhất nhì lớp để lại lá thư tuyệt mệnh gửi cha mẹ trước khi trầm mình.
Vì sao lại nông nổi đến thế? Vì sao lại nghĩ quẩn như vậy? Cha mẹ Lan và những người có mặt tại tang lễ của em không thể hiểu.
Tương tự, phải đến khi bị mời đến trường gặp giáo viên, chị Hoa mới được biết đến rắc rối con mình đang gặp phải, trong khi Thu đã bị kết tội lấy trộm tiền từ 3 năm nay. Nhưng lúc đó em đã chọn uống thuốc diệt cỏ để chấm dứt cuộc đời mình.
Có chuyện gì đang xảy ra với con ở trường? Tại sao con bé sống khép kín và ít lời hơn những đứa trẻ đồng trang lứa? Mối quan hệ giữa con với thầy cô giáo và bạn bè như thế nào? Có lẽ Thu không kể, và chị Hoa cũng chưa thắc mắc.
Thu, Trân, Lan, L. và rất nhiều những đứa trẻ đã chọn nhiều cách khác nhau để chấm dứt cuộc sống ở ngưỡng cửa cuộc đời. Nhưng chúng có một điểm chung, là cô đơn, không ai lắng nghe; thiếu chỗ dựa tinh thần và tâm lý.
Theo số liệu của Cục quản lý khám chữa bệnh, năm 2017, tỷ lệ trẻ em và vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần chung là 8-29%, tùy theo địa phương, giới tính. Tuy nhiên, rất ít trường hợp được phát hiện và điều trị.
Một nghiên cứu của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM, về hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh cấp THCS cho thấy: 1/3 em thừa nhận mình từng có hành vi tự hủy hoại bản thân. Gần 5% từng có hành vi tự tử trong suy nghĩ, hành vi tự tử bất thành, hành vi tự tử nhưng được cứu sống.
Đáng chú ý, nhóm học sinh giỏi và rất giỏi theo kết quả xếp loại có biểu hiện hành vi tự hủy hoại nhỉnh hơn nhóm học sinh khá và trung bình khá.
Những cảm xúc tiêu cực: tự thương hại, tội lỗi, lãnh đạm, bi quan... là cảm giác dễ dàng "xâm chiếm" những người dưới 25 tuổi, nhóm tuổi chưa đủ kinh nghiệm để đối mặt, giải quyết những trạng thái căng thẳng.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý chia sẻ: Tuổi vị thành niên, thanh niên khi gặp khúc mắc chưa biết cách xử lý, thường sử dụng một cơ chế phản ứng tự vệ tâm lý, gọi là "tự xâm kích", mà cao nhất là tự tử.
"Bản thân các em không nghĩ tới hậu quả sự việc, mà đơn thuần chỉ muốn giải thoát mình khỏi bế tắc", tiến sĩ chỉ ra.
Trước thực trạng tâm lý học trò ngày càng phức tạp, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc tư vấn tâm lý học đường. Cuối năm 2017, Bộ ban hành Thông tư 31 về công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông.
Thế nhưng, nhận xét về Thông tư này, chuyên gia tâm lý Lê Khanh chỉ ra dù Bộ yêu cầu xây dựng một tổ tư vấn tâm lý hoành tráng trong trường học, nhưng thực tế không có bóng dáng của người được gọi là chuyên viên tư vấn tâm lý.
Phần lớn họ là những thầy cô, cán bộ Đoàn đóng vai trò kiêm nhiệm, "đá sân", với hiệu trưởng là tổ trưởng chỉ đạo, để dạy dỗ học sinh về tâm lý chứ không phải như một người biết lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng các em.
"Một trong những đặc thù quan trọng của việc tư vấn tâm lý là tính độc lập của chuyên viên. Theo đó, họ phải tuân thu nguyên tắc 'không có mối quan hệ song đôi' với thân chủ. Việc này sẽ có hiệu quả hỗ trợ, đảm bảo tính an toàn và bảo mật cho từng em học sinh, chứ không phải là lên lớp, dạy dỗ chúng", chuyên gia tâm lý nhấn mạnh.
Trước đó, năm 2008-2009, nhận thấy tầm quan trọng của chuyên viên tư vấn trường học, Sở GD&ĐT TP.HCM từng được UBND thành phố phê duyệt chức danh giáo viên tâm lý.
Đây là nơi đầu tiên trong cả nước có vị trí công việc này. Nhiều khóa bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi chuyên môn... của đội ngũ này đã được tổ chức, tạo ra những khởi sắc và khác biệt nhất định.
Tuy nhiên, tới năm 2015, TP.HCM buộc phải tạm ngưng vì chức danh này do không có trong thông tư hướng dẫn về định biên, định mức trong cơ sở giáo dục công lập.
*Ngạn ngữ cổ Tây Ban Nha. Nguyên văn: “No hables de la soga en casa del ahorcado”
Bản chất của tự tử là dễ lây lan và bắt chước, nghiên cứu của Đại học California chỉ ra.
Năm 1774, một làn sóng tự sát bằng súng diễn ra ở châu Âu đúng theo cách của nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết "Nỗi đau của chàng Werther" do đại thi hào Goethe viết.
Tới năm 1981, hai tháng sau khi một bộ phim của Đức được trình chiếu, trong đó mô tả chi tiết cách một chàng trai trẻ tự sát bằng cách lao mình vào xe lửa, số các vụ tự tử trên đường sắt tăng lên gấp đôi. Riêng tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 15-19 tăng gấp 3.
Năm 2017, vài tuần sau khi Netflix phát hành bộ phim gây tranh cãi 13 Reasons Why, lượng tìm kiếm từ khóa "làm thế nào để tự tử" (how to commit suicide) tăng 26%, "tự tử" (commit suicide) tăng 18% và "làm thế nào để tự sát" (how to kill yourself) tăng 9%.
Cảnh sát Peru ghi nhận trường hợp nam thanh niên 23 tuổi nước này đã tự kết liễu cuộc đời, với những tình tiết đúng như những gì xuất hiện trong bộ phim.
Giáo sư tâm lý học David Philips (Đại học California, Mỹ) giải thích: Nạn tự sát phụ thuộc trực tiếp vào mức độ phát tán thông tin về sự kiện này. Ông thống kê, tại Mỹ, trong vòng 2 tháng kể từ khi thông tin giật gân về một vụ tự sát xuất hiện, số trường hợp tự tử trung bình sẽ tăng thêm 58 vụ.
Một giải thích khác, sự ra đi của những người nổi tiếng, nhân vật được ưa thích, người thân, cùng với hành vi tự sát của người đó, là "sự khích lệ" với những người đang trong trạng thái tồi tệ, không lối thoát. Đặc biệt khi cái chết của người đó được nhắc tới liên tục, mô tả tỉ mỉ về nguyên nhân và phương pháp.
Hiện tượng này được giới khoa học gọi là "bắt chước không nhận thức", hoặc "lây nhiễm tâm lý".
Madelyn Gould, giáo sư Tâm thần học (Đại học Columbia, Mỹ) đưa ra kết luận: So với các nhóm tuổi khác, lượng người 15-19 tuổi tự tử sau khi biết đến sự tự tử của một người khác cao hơn từ hai tới bốn lần.
"Đặc điểm dễ nhận thấy ở các thanh thiếu niên có nguy cơ tự tử cao là khuynh hướng hành động bốc đồng. Các nhà thần kinh học phát hiện rằng chức năng nhận thức phức tạp (gồm ức chế hành động bốc đồng, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề...) nằm ở vỏ não trước, được phát triển trong thời kỳ thiếu niên. Trước khi não bộ được hoàn thiện, thanh thiếu niên có xu hướng cư xử tự phát, không quan tâm hậu quả tương lai. Tự sát là một giải pháp tức khắc cho các vấn đề, đặc biệt nếu họ từng có bạn bè, người quen thực hiện hành động này", trang National Public Radio trích lời vị giáo sư.
Một phương pháp ngăn chặn tử tự là sàng lọc các trường hợp thanh thiếu niên mong muốn tự kết liễu (gồm trầm cảm, dễ lo lắng, đang sử dụng chất gây nghiện,...) tại địa phương nơi đã từng xảy ra các vụ tự tử trong quá khứ.
Nghiên cứu của Madelyn Gould công bố trên tạp chí của Học viện Tâm lý Trẻ em và Thanh thiếu niên Mỹ JAACAP cho hay việc xác định thanh thiếu niên có vấn đề tâm lý từ cấp nhà trường, giúp đỡ họ điều trị sức khỏe tâm thần, sẽ giảm lượng lớn nguy cơ tự sát.
Paula Clayton, Giám đốc y khoa của Tổ chức phòng chống Tự sát Mỹ ASFP, khẳng định: Biện pháp ngăn chăn tự tử là tạo ra những rào cản tự sát vật chất.
"Việc đặt rào chắn trên các cây cầu, hoặc lắp đặt lưới bảo hộ, sẽ làm giảm các ca nhảy cầu tự tử. Tương tự, tăng cường hàng rào đường sắt sẽ giúp hạ rõ rệt các vụ tự sát ở nơi này. Ngăn cản vật chất, tăng thời gian động não giúp giảm mong muốn tự sát, vì lúc này, sự bốc đồng đã đi qua", Paula Clayton trả lời National Public Radio.
----------------------------------------
Bài viết tham khảo các tài liệu:
1. The After Math of Suicides, theo The Washington Post
2. Media Should Tread Carefully In Covering Suicide, theo National Public Radio
Minh họa: Bảo Châu
Khoảng 20% câu hỏi lớp 11 trong đề thi khảo sát tổ hợp tự nhiên lớp 12, thí sinh mong qua điểm 5
Sáng 16/3, hàng nghìn thí sinh lớp 12 đã hoàn thành bài thi khảo sát tổ hợp môn KHTN nhưng nhiều em thấy ngợp bởi ... |