Nhà hát Ninh Bình nằm ở vị trí đắc địa tại phường Thanh Bình, TP Ninh Bình với ba mặt tiền, gồm mặt chính hướng đường Lê Đại Hành, bên hông và phía sau là phố Hoàng Diệu giao Lý Thái Tổ.
Công trình có tổng mức đầu tư 245 tỷ đồng từ vốn ngân sách, do ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư.
Nhà hát khởi công giữa tháng 7/2021 trên khu đất có diện tích hơn 6.450 m2. Theo thiết kế công trình gồm ba khối phục vụ biểu diễn, trụ sở làm việc và tầng hầm - khu kỹ thuật với tổng diện tích sàn gần 8.500 m2.
Hiện các công nhân đang chỉnh trang những hạng mục cuối cùng trước khi nghiệm thu công trình, đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm 10 năm quần thể danh thắng Tràng An được công nhận Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Điểm nhấn của công trình là khán phòng hình elip có sức chứa khoảng 750 chỗ ngồi.
Khán phòng được thiết kế hai tầng, bài trí công phu với hệ thống âm thanh và ánh sáng hiện đại.
Ghế ngồi được lắp đặt theo hình cánh cung với chất liệu khung thép bọc nỉ, sàn nhà được lót thảm màu đỏ.
Nhóm kỹ sư kiểm tra hệ thống âm thanh trước khi nhà hát vận hành cuối tháng 4. Theo đại diện chủ đầu tư, ngoài thiết bị đồng bộ, hệ thống cách âm trong hội trường lớn cũng được thiết kế tỉ mỉ nhằm đáp ứng yêu cầu tổ chức sự kiện văn hoá quy mô của tỉnh Ninh Bình trong tương lai.
Dự kiến năm 2024, cuộc thi Sao mai điểm hẹn sẽ được tổ chức tại đây.
Trên tầng thượng của nhà hát được thiết kế khu vực biểu diễn múa rối nước theo hướng mở, thông thoáng. Sân khấu quy mô 120 chỗ ngồi và có thể tăng công suất phục vụ tuỳ lượng khách.
Trần nhà và một số khoảng trống lớn bên trong đại sảnh được trang trí hệ thống khung nhôm nhập khẩu từ Hà Lan. Những khung này có chức năng trang trí và che hệ thống ống thông gió, dây điện chạy bên trên.
Công trình xác định có thời hạn sử dụng từ 50 đến 100 năm.
Để lên khu vực sân thượng ngắm cảnh hay xem biểu diễn múa rối nước, người dân và du khách có thể di chuyển bằng thang máy hoặc đi theo lối cầu thang bộ được thiết kế bên hông toà nhà hướng đường Hoàng Diệụ. Hai bên lối đi của cầu thang này được trồng hoa, cây cảnh kết hợp thảm cỏ xanh.
Khu vực điều hành và khối hành chính được bố trí phía sau nhà hát, mặt đường Lý Thái Tổ.
Ông Tống Quang Thìn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình cho hay nhà hát tỉnh là một trong những công trình trọng điểm. Với cơ sở vật chất hiện đại, nhà hát có thể đáp ứng nhu cầu tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp của địa phương, khu vực hoặc tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
Lãnh đạo tỉnh đang chỉ đạo lập hồ sơ, lấy ý kiến nhân dân trình cấp có thẩm quyền xem xét đặt tên công trình là Nhà hát Phạm Thị Trân để tôn vinh nhân vật được coi là bà tổ ngành sân khấu Việt Nam - người từng được vua Đinh Tiên Hoàng phong Ưu bà, chức quan chăm lo ca hát trong triều đình thế kỷ thứ 10.