Chính phủ Mỹ từng ca ngợi AstraZeneca vì thành tựu điều chế vắc xin ngừa Covid-19, song tập đoàn đã nâng giá thuốc lên bất chấp cam kết kiểm soát chi phí thuốc của Tổng thống Donald Trump.
Thậm chí trong số các công ty dược lớn, cách AstraZeneca tăng giá cũng khiến giới quan sát cảm thấy sốc. Theo phân tích của tờ The Times và tổ chức phi lợi nhuận 46brooklyn Research, hãng dược đa quốc gia này thường công bố không chỉ một mà hai đợt tăng giá cho cùng một loại thuốc.
AstraZeneca tăng giá một số loại thuốc bán chạy nhất của họ lên tới 6% trong năm nay khi tỉ lệ lạm phát chung chỉ dao động quanh mức 1%. Washington không bình luận về động thái ấy.
Đợt tăng giá thứ hai của diễn ra trong bối cảnh AstraZeneca công bố khoản lợi nhuận hoạt động hơn 3,6 tỉ USD trong nửa đầu năm 2020. Hồi tháng 5, chính phủ Mỹ cam kết họ sẽ cấp 1,2 tỉ USD cho AstraZeneca để phát triển vắc xin.
Ông Eric Pachman, nhà sáng lập 46brooklyn, nhận xét: "Rõ ràng AstraZeneca đã quyết định giá khác so với quá khứ và các doanh nghiệp cùng ngành. Họ muốn thu về hàng tỉ USD".
Khủng hoảng y tế đang diễn ra ngay tại Mỹ, song các nhà hoạch định chính sách, bao gồm ông Trump vẫn bất lực và không thể kiềm chế giá thuốc.
Theo tờ Los Angeles Times, trong năm 2020, chính phủ Mỹ cam kết tài trợ hơn 10 tỉ USD cho các hãng dược để phát triển vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, Nhà Trắng không yêu cầu các nhà sản xuất thuốc đưa ra bất kì cam kết nào về mức giá mà họ sẽ đặt ra.
Đến nay, những doanh nghiệp nhận viện trợ của chính phủ chỉ hứa hẹn mơ hồ rằng họ sẽ giữ cho giá vắc xin ở mức phải chăng.
Suốt nhiều năm qua, các nhà sản xuất thuốc đã cam kết làm cho sản phẩm của họ có giá cả phải chăng hơn. Nhưng từ đầu năm nay, hầu hết hãng dược lớn tiếp tục tăng giá với tỉ lệ cao hơn nhiều lạm phát.
Một số nhà sản xuất thuốc lớn nhất thế giới đã công bố mức tăng 5%, 6%, thậm chí 9% đối với hàng loạt các loại thuốc phổ biến, theo phân tích của The Times và 46brooklyn.
Hồi đầu năm, mức tăng giá của AstraZeneca có vẻ tương đối khiêm tốn. Công ty chỉ thông báo tăng giá 13 loại sản phẩm, mỗi loại không quá 3%. Trong lịch sử, mức tăng này phù hợp với lạm phát và không thu hút nhiều sự chú ý.
Sau khi AstraZeneca tăng giá vào tháng 1, Covid-19 nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu và AstraZeneca bắt đầu đàm phán với Đại học Oxford để sản xuất vắc xin. Thỏa thuận chính thức được kí kết vào cuối tháng 4.
Đến giữa tháng 5, hãng dược khổng lồ được Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ cam kết cấp 1,2 tỉ USD, với tuyên bố khoản tài trợ tỉ USD sẽ mở đường cho cuộc thử nghiệm lâm sàng lớn ở Mỹ và mang đến 300 triệu liều vắc xin.
Tuần trước, AstraZeneca đã tạm dừng thử nghiệm lâm sàng sau khi một người tham gia mắc biến chứng có thể gây nguy hiểm.
Ngoài chính phủ Mỹ, AstraZeneca cũng nhận tiền từ các chính phủ khác. Các nước châu Âu chi hơn một tỉ USD cho họ. AstraZeneca còn kí thỏa thuận với nhiều nước bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Brazil.
Cũng trong thời gian này, AstraZeneca báo cáo doanh thu 6 tháng đầu năm tăng 14% so với cùng kì. Lợi nhuận của hoạt động kinh doanh nhảy vọt hơn 20%.
Dù có lợi nhuận ấn tượng, vào tháng 7, AstraZeneca lại tăng giá 10 loại thuốc khác với mức tăng còn lớn hơn cả hồi đầu năm. Chưa hết, AstraZeneca tiếp tục khiến 11 trong số 13 loại thuốc mà họ đã tăng giá trong tháng Một trở nên đắt đỏ hơn. Tổng mức tăng giá năm 2020 đối với hầu hết các loại thuốc này là 5% hoặc 6%.
Trong năm 2020, không một hãng dược lớn nào tăng giá hai lần cho nhiều loại thuốc như AstraZeneca. Nhà sáng lập 46brooklyn nhận xét: "AstraZeneca là kẻ dị biệt thật sự trong năm 2020".
Trong cuộc khảo sát toàn nước Mỹ, cứ 10 người thì 9 người lo rằng ngành dược phẩm sẽ lợi dụng đại dịch để tăng giá.
Hiểu lo ngại của cử tri, vào mùa hè năm nay ông Trump đã cam kết thực hiện những nỗ lực mới để kiểm soát giá thuốc. Lời hứa này từng là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử 2016 của ông.
Cho đến nay, chưa đề xuất lớn nào của chính quyền ông Trump nhằm hạn chế giá thuốc được áp dụng hoàn toàn.