Đồi, núi quanh khu vực lầu Bảo Đại bị đào bới tan hoang. (Ảnh: Khải An).
Khu danh thắng Bảo Đại nằm trên núi Cảnh Long, phía Tây giáp đường Trần Phú, phía Đông giáp Vịnh Nha Trang (Khánh Hòa). Trên núi có 5 biệt thự do người Pháp xây dựng từ năm 1923 trong khuôn viên rộng 12 ha. Khu biệt thự được người Pháp xây dựng năm 1923, để làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học. Từ năm 1940-1945, hoàng đế Bảo Ðại và hoàng hậu Nam Phương thường đến đây nghỉ dưỡng nên cái tên lầu Bảo Đại có từ thời đó. Tháng 10/1995, UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận khu biệt thự lầu Bảo Đại là "di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh".
Tuy nhiên, sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho doanh nghiệp xây dựng dự án biệt thự nghỉ dưỡng, nơi đây bị san ủi, đào bới tan hoang.
Cụ thể, năm 2011, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco) liên doanh với Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô thành lập doanh nghiệp mới là Công ty Khánh Hà để thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại (KND Bảo Đại) .
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, dự án KND Bảo Đại được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 1/2013.
Dự án sẽ cải tạo năm biệt thự hiện hữu đồng bộ về hình thức kiến trúc, xây mới khách sạn 5 tầng với 108 phòng; xây mới 36 căn biệt thự cao cấp để cho thuê hoặc để bán (biệt thự du lịch không hình thành đơn vị ở). Dự án có vốn đầu tư khoảng 478 tỉ đồng.
Chủ đầu tư từng bị phạt vì xây dựng nhiều hạng mục sai giấy phép. (Ảnh: Khải An).
Cuối năm 2014, tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi hơn 135.000 m2 (gần 90.000 m2 đất, hơn 47.000 m2 mặt nước biển) giao cho Công ty Khánh Hà thực hiện dự án.
Đây là khu danh thắng có vị trí đẹp bậc nhất ở Nha Trang được tỉnh Khánh Hòa giao cho doanh nghiệp thuê làm du lịch, kinh doanh biệt thự nghỉ dưỡng mà không qua đấu giá.
Để thực hiện dự án, chủ đầu tư là Công ty Khánh Hà đã chặt hạ cây cối, đào bới núi đồi để xây dựng các biệt thự mới. Những con đường phủ kín cây xanh nhiệt đới nay cũng không còn, vật liệu xây dựng ngổn ngang.
Thời điểm năm 2016, khi Sở Xây dựng Khánh Hòa khi kiểm tra phát hiện chủ đầu tư thực hiện nhiều hạng mục sai giấy phép, vài công trình chưa được cấp phép, cơ quan này đã lập biên bản vi phạm hành chính, buộc chủ đầu tư dừng thi công.
Một biệt thự được chủ đầu tư làm trụ sở làm việc. (Ảnh: Khải An).
Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành mà vẫn cho máy móc đào bới, đổ trụ móng trong khuôn viên di tích lầu Bảo Đại. Đến tháng 5/2018, Sở Xây dựng Khánh Hòa tiếp tục kiểm tra và phát hiện thêm sai phạm. Cụ thể, biên bản vi phạm hành chính (lần 2, tháng 5/2018) của Sở Xây dựng Khánh Hà, chủ đầu tư Công ty Hà Đô và đơn vị thi công Công ty CP Hà Đô 1 (đều thuộc Tập đoàn Hà Đô) cho máy móc đào bới di tích danh thắng lầu Bảo Đại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ.
Doanh nghiệp đã tự tiện đổ bê tông làm hàng loạt trụ móng để xây thêm 2 công trình khách sạn khi chưa có giấy phép, với tổng diện tích gần 800 m2.
Vào đầu tháng 7/2019, chủ đầu tư không còn xây dựng để điều chỉnh lại dự án theo hướng "cải tạo các biệt điện làm nơi trưng bày, tham quan, ăn uống để làm sao cho khai thác hiệu quả nhưng vẫn bảo tồn vẫn giữ được kiến trúc thay vì làm khách sạn như qui hoạch lúc đầu".
Do thời gian dừng dự án quá lâu khiến các hiện vật và 5 biệt thự xuống cấp. Cảnh quan xung quanh vô cùng nhếch nhác khi núi đồi đang bị đào bới, cây cối chết dần.
Người dân từng biết và đến lầu Bảo Đại, đặc biệt là người dân TP Nha Trang không khỏi bức xúc khi nhìn thấy lầu Bảo Đại ngày càng xuống cấp.
Một cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho hay khi cấp phép cho doanh nghiệp đào núi, xây biệt thự, ông đã góp ý là không nên, vì việc này đi ngược quy luật bảo tồn di tích bởi di tích lầu Bảo Đại là một khối kiến trúc độc đáo, các ngôi biệt thự kết hợp hài hòa với cảnh quan xung quanh. Vì vậy nếu doanh nghiệp đào làm móng công trình sẽ làm biến dạng ngọn núi, ảnh hưởng đến kết cấu địa chất.
Các hiện vật trưng bày chiếu lệ để du khách tham quan. (Ảnh: Khải An).
Theo lãnh đạo Công ty Khánh Hà, chủ đầu tư đang báo cáo, giải trình Sở Kế hoạch Đầu tư để điều chỉnh qui hoạch theo ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. "Sau khi điều chỉnh lại qui hoạch và có giấy phép xây dựng chúng tôi sẽ gấp rút triển khai dự án. Chủ đầu tư đang cố gắng để triển khai lại dự án", ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Công ty Khánh Hòa chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Kiên cũng cho biết chưa nắm về việc các biệt thự và hiện vật xuống cấp do mới thay vị trí của người tiền nhiệm chưa lâu.
Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hóa, dự án điều chỉnh qui hoạch Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất thỏa thuận tại công văn số 396/BVHTTDL-DSVH ngày 28/2/2019.
Người dân lo lắng lầu Bảo Đại xuống cấp do sự can thiệp của chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án. (Ảnh: Khải An)
Trong đó nêu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của đơn vị được giao sử dụng, khai thác như sau: "Danh lam thắng cảnh Biệt thự Cầu Đá (Khu biệt thự Bảo Đại) đã được đươc vào Danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2018. Do đó, cần bảo vệ và tổ chức khai thác, kinh doanh tại khu vực (khi được UBND tỉnh giao) dưới dự quản lý giám sát của cơ quan chức năng về văn hóa, thể thao và du lịch theo qui định của pháp luật về di sản văn hóa".
Cho thuê đất giá rẻ
Năm 2016, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ra quyết định phê duyệt giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 8,8ha dự án tính theo thời điểm tháng 8/2014. Trong đó, 8.250 m2 đất xây dựng biệt thự tính tiền sử dụng đất là: gần 5,3 triệu đồng/m2 đối với diện tích trên 3.000 m2 (giáp đường nội bộ, vị trí 3) và gần 1,2 triệu đồng đối với diện tích còn lại (vị trí 5).
Giá thuê đất thương mai dịch vụ cho 48 năm 6 tháng, trả tiền một lần, với diện tích 8.624 m2 đất biệt thự, nghỉ dưỡng là gần 250 nghìn đồng/m2. Giá thuê đất thương mại dịch vụ tính tiền thuê hàng năm, có giá là: 1,18 triệu đồng/m2 (đất cây xanh, giao thông, bãi xe, bãi đá), gần 2,4 triệu đồng/m2 (đất khách sạn) và trên 2,6 triệu đồng/m2 (đất biệt thự).