Nhiều bạn trẻ không “mặn mà” cùng văn học Sử
Đó là suy tư trăn trở của nhà văn Vũ Thanh, tác giả bộ văn học Sử nổi tiếng “Én Liệng Truông Mây”, “Nhất Thống Sơn Hà” khi nói về thị hiếu đọc của giới trẻ ngày nay.
Sinh năm 1956 tại Bình Định, Vũ Thanh được biết đến như một người con tài hoa của vùng đất võ. Không chỉ là tác giả của những bộ trường thiên nổi tiếng như “Hòn vọng phu”, “Én Liệng Truông Mây”, “Nhất Thống Sơn Hà”, ông còn được biết đến với tư cách một nhạc sĩ tài hoa cùng nhiều nhạc phẩm nổi tiếng như: “Đắp mộ cuộc tình”, “Quy Nhơn đôi mắt người xưa”, “Phượng Vĩ”, “Mùa xuân của chị”, “Xuân tha hương”,…
Vũ Thanh, nhà văn miệt mài cùng những trang văn học sử. (Ảnh: NVCC) |
Bộ “Én Liệng Truông Mây” và “Nhất Thống Sơn Hà” là phần I và phần II của trường thiên tiểu thuyết “Tây Sơn Tam Kiệt”, bao gồm 3 bộ: “Én Liệng Truông Mây”, “Nhất Thống Sơn Hà” và “Gia Định Tam Hùng”.
Thông qua bộ sách, Vũ Thanh xây dựng lại bối cảnh lịch sử đất nước Việt Nam giai đoạn giữa thế kỷ XVIII với sự chia cắt giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Với bộ “Nhất Thống Sơn Hà”, tác giả xây dựng bối cảnh lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của lực lượng khởi nghĩa Tây Sơn sau thất bại tại Truông Mây từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX.
Đến thời điểm hiện nay, Vũ Thanh được đánh giá là nhà văn đầu tiên tạo dựng và hoàn chỉnh được một cái nhìn toàn cảnh, toàn diện về triều đại Tây Sơn từ chỗ manh nha đến lúc suy tàn. Hai bộ tiểu thuyết được nhận xét xứng đáng đứng vào vị trí những tác phẩm văn học – sử hàng đầu về triều đại Tây Sơn (cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX) từ trước đến nay. Bộ sách là một trong những tài liệu quý của văn học sử được giảng viên, sinh viên nhiều trường tham khảo – nhất là sinh viên chuyên ngành Văn học và Lịch Sử.
Trong buổi gặp gỡ cùng các bạn trẻ, Vũ Thanh nhận định: “Ngày nay, nhiều bạn trẻ không thích đọc các truyện dài mà thích đọc các truyện ngắn. Việc đọc của các bạn cũng giảm dần do các phương tiện giải trí hiện nay rất nhiều. Những văn hóa truyện tích, truyện lịch sử của văn học nước nhà cũng theo đó dần mai một đi”.
Người con đất võ và tình yêu dành cho sử Việt
Trong buổi gặp gỡ sinh viên ĐH Quy Nhơn, nhà văn Vũ Thanh chia sẻ: “Mong muốn của tôi ngay từ ngày đầu thai ngén bộ văn học sử đó là lời nhắn gửi đến giới trẻ, mong mỏi các bạn hiểu thêm những chi tiết lịch sử về những vị anh hùng của dân tộc, thêm tình yêu dành cho Sử Việt”.
Tác giả cũng cho biết mình mất 10 năm thai nghén tác phẩm với nội dung trong bộ sách trải dài suốt chiều dài lịch sử của triều Tây Sơn. Mặc dù hiện tại sinh sống ở nước ngoài nhưng tình yêu cho lịch sử dân tộc đã thôi thúc người con đất võ viết về những trang văn học sử trong nước bằng tất cả tình yêu và mong đợi dành cho giới trẻ. Ông chia sẻ: “Hầu như năm nào tôi cũng về nước, đến các địa danh để thực địa, tìm hiểu thêm, sưu tầm nghiên cứu thêm các tư liệu”.
Tác giả trong buổi trò chuyện cùng giảng viên, sinh viên ĐH Quy Nhơn. (Ảnh: NVCC) |
Lượng kiến thức lịch sử đồ sộ cùng hàng loạt địa danh đã khiến tác giả mất nhiều thời gian dày công tìm hiểu. “Chính sự vắng bóng của thị trường văn học sử thúc đẩy tôi miệt mài làm việc. Tôi muốn góp một phẩn nhỏ bé của mình để giới trẻ sau này hiểu hơn về Sử Việt, đóng góp vào văn học nước nhà một tác phẩm khắc họa nét đẹp bi tráng của các nam hùng nữ liệt Việt. Mong sao thế hệ hôm nay cũng như mai sau dễ dàng tiếp cận, học hỏi và noi gương các bậc tiền nhân qua lối tiểu thuyết chương hồi”, tác giả chia sẻ cùng những sinh viên trẻ.
Ông cũng bày tỏ mong muốn: “Tôi cố gắng thực hiện tác phẩm với hi vọng sau này sẽ có một nhà làm phim thực hiện những bộ phim lớn để tiếp cận các bạn. Thay vì xem các bộ phim lịch sử Trung Hoa như “Tam Quốc Chí” hay kiếm hiệp của Kim Dung thì bạn trẻ Việt có thể xem các phim lịch sử nước nhà vừa giải trí, vừa thu thập những kiến thức lịch sử”.
Trước gửi gắm của nhà văn, nhiều bạn trẻ cũng bày tỏ tình yêu dành cho văn học sử. Võ Bảo, sinh viên năm cuối chia sẻ: “Nhiều bạn vẫn cho lịch sử khô khan nên không hào hứng với những trang viết về quá khứ dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn đó những người trẻ chúng tôi hào hứng với những trang viết về thời hào hùng đã qua của đất nước. Những trang văn học sử lôi cuốn khiến việc đọc sử Việt thêm dễ hiểu, gần gũi hơn. Thay vì hiểu lịch sử Trung Quốc qua rất nhiều bộ phim nước họ làm hiện nay, sinh viên chúng tôi vẫn mong có những bộ phim về lịch sử Việt, những bộ tiểu thuyết văn học sử dễ hiểu gần gũi hơn để hiểu hơn lịch sử đất nước”.
Đề thi khảo sát môn Lịch sử của học sinh lớp 12 Hà Nội
Sáng nay 22/3, các thí sinh lớp 12 ở Hà Nội thi bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo ... |
Ôn thi THPT 2017: 'Môn Sử không đáng ngại'
Nhiều giáo viên dạy Sử cho biết, môn học này không thực sự đáng lo nếu thí sinh biết cách ôn tập hiệu quả. |