Nhà xã hội: Doanh nghiệp "chê" lợi nhuận thấp, dân "tìm mãi" không ra

Giới chuyên gia BĐS kiến nghị, để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ nên xem xét nâng tỉ suất lợi nhuận từ 10% lên 15% và giảm thời gian xét duyệt dự án xuống còn 9 tháng.

Mới đây, trong phiên họp Chính phủ thường kì tháng 3, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và bổ sung 2.000 tỉ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. 

Một số chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng, kể từ khi Chính phủ tạm ngừng gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng vào năm 2016 thì gói hỗ trợ mới đã phần nào gỡ nút thắt về nguồn vốn cho chủ đầu tư khi phát triển các dự án nhà ở xã hội. 

Bên cạnh gói hỗ trợ mới, để thu hút thêm nguồn lực đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội, một số doanh nghiệp BĐS kiến nghị Chính phủ và cơ quan quản lí Nhà nước nên cân nhắc tăng định mức lợi nhuận từ 10% lên 15% tổng chi phí đầu tư. 

Nhà xã hội: Doanh nghiệp "chê" lợi nhuận thấp, dân "tìm mãi" không ra - Ảnh 1.

Giới chuyên gia BĐS kiến nghị, để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ nên xem xét nâng tỉ suất lợi nhuận từ 10% lên 15%. (Ảnh: Vũ Đức Anh).

Ông Nguyễn Anh Đào, TGĐ Công ty CP VietHome cho rằng, trong giai đoạn 2016 - 2019, khi chưa có hỗ trợ về nguồn vốn, nhiều doanh nghiệp có mong muốn xây dựng nhà ở xã hội thường phải gánh lãi suất ngân hàng tương đối cao, vượt hơn 10%. 

Trong khi đó, tỉ suất lợi nhuận khi xây dựng nhà ở xã hội phải chịu định mức 10% tổng chi phí đầu tư. Tức là, một dự án nhà ở xã hội có tổng chi phí đầu tư là 1.000 tỉ đồng, thì chủ đầu tư sẽ lời 100 tỉ đồng. Việc đưa ra giới hạn lợi nhuận đã giúp cho giá nhà ở dễ chịu hơn so với nhà ở thương mại. 

Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa rằng, trong quá trình hoàn thiện dự án, nếu doanh nghiệp yếu vốn phải dùng đòn bẩy tài chính, chịu lãi suất trên 10% chắc chắn sẽ đối mặt với nguy cơ thua lỗ, thậm chí có thể phá sản.

Nhà xã hội: Doanh nghiệp "chê" lợi nhuận thấp, dân "tìm mãi" không ra - Ảnh 2.

Thời gian hoàn thiện pháp lý quá lâu, lên tới 2 năm kể từ khi có quyết định giao đất cũng là lý do khiến nhiều chủ đầu tư chưa mấy mặn mà khi xây nhà ở xã hội.

Ông Đào cho rằng, với rủi ro có thể dự báo trước như vậy chắc chắn chủ đầu tư sẽ không lựa chọn phát triển nhà ở xã hội. Hiện tại, gói hỗ trợ 3.000 tỉ đồng góp phần giảm tải gánh nặng tài chính cho chủ đầu và kích thích các dự án nhà ở xã hội mới, song ông Đào đề xuất nâng tỉ suất lợi nhuận lên 15%. 

Vị này giải thích, trong quá trình hoàn thiện dự án sẽ có nhiều chi phí phát sinh, không theo dự kiến ban đầu, ví dụ như vật liệu tăng, giá nhân công tăng,... 

“Chúng tôi không thể đảm bảo, sau khi hoàn thiện, dự án có bị độn vốn hay không. Vì vậy, tôi cho rằng, định mức 15% sẽ phù hợp ở thời điểm hiện tại”, ông Đào nói.

Bên cạnh đề xuất tăng tỉ lệ lợi nhuận, ông Đào cho biết, phân khúc nhà ở xã hội vẫn còn một số vướng mắc còn tồn đọng. Trong đó, vấn đề nan giải nhất chính là thời gian hoàn thiện pháp lý quá lâu, lên tới 2 năm kể từ khi có quyết định giao đất.

“Với thời gian xét duyệt lâu như vậy đã khiến nguồn vốn doanh nghiệp bị cạn, vừa xong dự án đầu đã hết vốn cho dự án thứ 2. Tôi cho rằng, Chính phủ nên xem xét rút ngắn thời gian phê duyệt dự án, khoảng 9 tháng là hợp lý”, ông Đào nói.

Vị chuyên gia này nhận định, nếu có thể tháo gỡ được 2 nút thắt còn tồn đọng, chắc chắn trong thời gian tới, thị trường sẽ có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội để hỗ trợ người có thu nhập thấp sở hữu nhà ở.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Tuấn, một chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cũng cho rằng, một trong những lý do khiến phân khúc nhà ở XH chưa hấp dẫn nhà đầu tư bởi phần trăm lợi nhuận thấp, nhiều thủ tục rắc rối.

“Bất kỳ doanh nghiệp nào khi hoạt động sản xuất đều đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Với tỉ suất lợi nhuận 10% hay 15% cũng không khiến giá nhà ở xã hội tăng cao, tuy nhiên tăng thêm 15% có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này”, ông Tuấn khẳng định.

Nhà xã hội: Doanh nghiệp "chê" lợi nhuận thấp, dân "tìm mãi" không ra - Ảnh 3.

Hiện nay các dự án nhà ở xã hội, với giá rẻ, bình dân đang thiếu trầm trọng. (Ảnh minh họa: Quân Đỗ).

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng vào cuối năm 2019, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ.

Trong đó, TPHCM khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn... Thế nhưng, theo kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay cả nước mới thực hiện được khoảng 33% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đã đề ra. 

Trước sự thiếu hụt trầm trọng về nguồn cung, một số chuyên gia BĐS cho rằng, gói hỗ trợ 3.000 tỉ đồng mới chỉ là bước khởi đầu để kích thích nguồn cung tăng trưởng. 

Về dài hạn, Chính phủ và các cơ quan quản lí Nhà nước nên có cơ chế thông thoáng với các chính sách hấp dẫn hơn để kêu gọi chủ đầu tư tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.