Rác vứt tràn ra đường ở khu vực cầu vượt Hoàng Hoa Thám - Văn Cao. (Ảnh: Di Linh).
Liên quan đến việc người dân xả rác bừa bãi, ngày 26/6, chúng tôi đã có trao đổi với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco).
Phía Urenco cho biết hiện nội thành Hà Nội có 85 điểm thường bị người dân xả rác bừa bãi, để rác không đúng giờ gây ô nhiễm môi trường, mất mĩ quan đô thị.
"Điểm đen" về rác thải chủ yếu là phế thải xây dựng, vật dụng cồng kềnh do các đối tượng như xe thồ, cửu vạn, vãng lai đổ trộm vào các khung giờ đêm, sáng sớm nên khó phát hiện kịp thời.
Trong khi đó, Urenco chỉ có thể nhắc nhở, không có chức năng xử phạt. Do đó, trong các đợt ra quân vừa qua, chúng tôi có đề nghị với các quận về việc lắp camera nhằm cung cấp hình ảnh xả rác bừa bãi cho cơ quan chức năng nhằm xóa những "điểm đen" này.
Bởi lẽ, việc cung cấp hình ảnh và sau đó cơ quan chức năng xử phạt đã có hiệu quả", đại diện Urenco cho hay.
Được biết, đây mới chỉ là đề xuất từ phía Urenco còn việc có thực hiện được hay không là vấn đề từ địa phương.
"Việc lắp camera không chỉ xử lí "điểm đen" rác thải mà có thể phục vụ các vấn đề về ANTT, ATGT...", đại diện Urenco thông tin.
Hà Nội đang tồn tại nhiều "điểm đen" rác thải. (Ảnh: Di Linh).
Thời gian vừa qua, Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội đã thí điểm ghi hình xử lí các trường hợp xả rác bừa bãi ở phố đi bộ Hồ Gươm. Sau 1 tháng thí điểm, Urenco đã đề xuất bố trí xe tải nhỏ thu rác; xe quét hút; tăng cường công tác vớt rác ở Hồ Gươm; bố trí xe rửa đường...
Đáng chú ý, Urenco đề xuất lắp đặt camera giám sát, ghi hình tại tất cả các tuyến đường trong khu vực không gian đi bộ, lắp đặt các bảng điện tử tại các lối vào khu vực. Đưa các hình ảnh vi phạm lên bảng điện tử.
Đối với đề xuất đưa các hình ảnh vi phạm lên bảng điện tử, trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long cho biết đang xem xét.
Theo ông Long, việc công khai hình ảnh người xả rác bừa bãi có thể thực hiện ở khu vực dân cư giới hạn. Với phố đi bộ, nếu công khai thì cũng khó để người dân nhận diện bởi khách vãng lai nhiều, phạm vi lớn.
Lắp camera sẽ giúp xử lí các "điểm đen" rác thải tốt hơn. (Ảnh minh họa: Di Linh).
Sau khi thí điểm ghi hình ở phố đi bộ, theo đánh giá của Urenco, chất lượng vệ sinh môi trường tại đây và phụ cận được cải thiện rõ rệt; ý thức các hộ kinh doanh và các hoạt động bán hàng di động, du khách được nâng lên thông qua các hình thức tuyên truyền và các Đoàn, Tổ kiểm tra nhắc nhở, xử phạt.
Tuy nhiên, phía Urenco cho biết việc đảm bảo vệ sinh môi trường cần sự chung tay của chính quyền và ủng hộ của người dân.
"Khi thí điểm ghi hình, nhắc nhở người dân, chúng tôi gặp nhiều trường hợp khó chịu, phản ứng dữ dội, thậm chí là quát tháo, như muốn hành hung.
Một số hộ kinh doanh, bán hàng trên phố đi bộ còn tái diễn tình trạng xả rác bừa bãi dù nhắc nhở nhiều lần. Trong khi đó, việc bỏ rác đúng nơi qui định không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường, mĩ quan đô thị mà còn tạo hình ảnh đẹp cho các hộ kinh doanh này để thu hút khách.
Một số trường hợp dù nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tái diễn thì chúng tôi mới trích xuất hình ảnh vi phạm gửi cơ quan chức năng để xử phạt", đại diện Urenco nói.
Tấm biển tuyên truyền người dân bỏ rác đúng giờ trên đường Kim Mã. (Ảnh: Di Linh).
Theo đại diện Urenco, người dân đang có tâm lí vứt rác tùy tiện theo kiểu "vứt ra có người dọn (công nhân vệ sinh dọn - PV)".
"Chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền cho người dân về việc bỏ rác đúng giờ, đúng nơi qui định thay vì việc tùy tiện vứt ra đường, gốc cây và để công nhân vệ sinh dọn.
Ví dụ trên đường Kim Mã, chúng tôi đã thay thế một số thùng rác cố định bằng biển báo "Hãy bỏ rác đúng giờ từ 19h-22h" nhằm hạn chế và tiến tới thay đổi thói quen vứt rác tùy tiện.
Trong quá trình thu gom, các xe ô tô chuyên dụng sẽ phát nhạc hiệu thông báo; nhân viên của Urenco cũng sẽ đánh dấu giờ thu gom, dán decal nhắc nhở tại khu vực thùng rác của mỗi gia đình.
Chúng tôi rất mong người dân hợp tác với công nhân môi trường để giúp thành phố xanh, sạch, đẹp", đại diện Urenco cho biết.