Nhật Cường Mobile bị Bộ Công an khám xét: Thành ủy Hà Nội thông tin chính thức

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cung cấp thông tin liên quan đến việc hệ thống cửa hàng Nhật Cường Mobile bị khám xét ngày 9/5.

Chiều 14/5, tại buổi giao ban Thành ủy Hà Nội, ông Trần Xuân Hà - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thông tin đến các cơ quan báo chí liên quan đến việc toàn bộ hệ thống cửa hàng điện thoại Nhật Cường Mobile bị cơ quan chức năng Bộ Công an khám xét.

Theo ông Hà, cơ quan chức năng khám xét Nhật Cường Mobile là hoạt động bình thường. Hiện Bộ Công an đã vào cuộc điều tra nên các cơ quan báo chí cần thông tin theo kết luận của cơ quan chức năng.

Trước thắc mắc vụ việc có gây ảnh hưởng đến công tác hành chính của Hà Nội không khi công ty này đang triển khai một loạt dự án công trực tuyến của thành phố, ông Hà khẳng định: "Toàn bộ hệ thống hoạt động hành chính công ở TP Hà Nội vẫn hoạt động bình thường".

Nhật Cường Mobile bị Bộ Công an khám xét: Thành ủy Hà Nội thông tin chính thức - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng khám xét Nhật Cường Mobile sáng 9/5.

Như VTC News đưa tin,  sáng 9/5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an đồng loạt khám xét nhiều cửa hàng, trụ sở của Công ty Nhật Cường Mobile tại Hà Nội và nơi ở của một lãnh đạo công ty này.

Theo tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu và gian lận thương mại (BCĐ 389 quốc gia), chuyên án này do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu xác lập và điều tra, không liên quan đến các vụ bắt điện thoại di động nhập lậu trước đây của lực lượng 389 quốc gia.

Theo nguồn tin, việc C03 khám xét chuỗi cửa hàng của Nhật Cường Mobile, công ty, trung tâm bảo hành và nơi ở của ông chủ Nhật Cường, liên quan đến nhiều vấn đề, chứ không chỉ riêng về dấu hiệu nhập hàng lậu.

Sau khi cảnh sát tới khám xét nhiều trụ sở của Nhật Cường, tất cả các chi nhánh của chuỗi di động này đã đóng cửa.

Các kênh liên lạc của Nhật Cường Mobile trên Internet cũng “biến mất” ngay trong ngày 9/5. Đến 10/5, các kênh liên lạc của Nhật Cường Software, công ty phần mềm của Nhật Cường cũng không còn truy cập được.

Sau 4 ngày "án binh bất động", đến 13/5, trung tâm bảo hành và cửa hàng của thương hiệu này đã hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, chỉ một phần cánh cửa chính được mở, đủ để khách hàng ra vào. Toàn bộ cửa kính phía bên ngoài trung tâm bảo hành vẫn bị che kín.

Công an khám xét, niêm phong nhiều thùng giấy ở cửa hàng Nhật Cường Mobile.

Theo tìm hiểu, trước khi thành lập Công ty Nhật Cường, doanh nghiệp này phát triển từ một cửa hàng sửa chữa điện thoại vào năm 1997.

Năm 2001, cửa hàng Nhật Cường Mobile đầu tiên nằm ở 33 Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội đi vào hoạt động với vốn điều lệ là 5 tỷ đồng.

Sau 14 năm thành lập và phát triển, đến năm 2014, Nhật Cường Mobile đã có 10 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, 1 trung tâm bảo hành Nhật Cường Service tại Hà Nội. Công ty này có 1.000 lao động ở Hà Nội và TP.HCM.

Tính tới năm 2015, Nhật Cường mở rộng với 20 cửa hàng trên toàn quốc và trở thành top 5 nhà bán lẻ điện thoại hàng đầu tại Việt Nam. Hiện tại, vốn điều lệ của công ty này là 38 tỷ đồng.

Theo hồ sơ công ty, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường sở hữu 2 thương hiệu là Nhật Cường mobile (bán lẻ về Điện thoại di dộng và thiết bị công nghệ) và Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software).

Đại diện pháp luật của cả hai công ty này là ông Bùi Quang Huy (SN 1974), nắm giữ 90% vốn doanh nghiệp này.

Theo giới thiệu trên website, Nhật Cường Software tiền thân là một trung tâm công nghệ thông tin của Công ty Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Nhat Cuong Mobile).

Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) mới chỉ hoạt động từ năm 2016, song đã trúng thầu rất nhiều dự án quan trọng của Hà Nội.

Trong đó, các dự án nổi bật như Cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm Lưu trú trực tuyến, phần mềm Hộ chiếu Online...

Đặc biệt, doanh nghiệp dù non trẻ nhưng đã nhanh chóng trở thành một đại diện góp mặt trong dự án xây dựng Hà Nội thông minh cho tới năm 2025 và dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội vào năm 2020. Số vốn ban đầu của dự án này lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Trong đó, Nhật Cường Software trúng các gói thầu triển khai hệ thống quản lý giáo dục trên địa bàn thành phố; xây dựng hệ thống quản lý bệnh viện, cơ sở y tế và hồ sơ sức khoẻ toàn dân; xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Ngoài ra, Nhật Cường Software còn trúng thầu dự án Thuê dịch vụ cung cấp phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng điều hành, phục vụ công dân, doanh nghiệp”, thuộc chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội năm 2016 (đợt 2).

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.