Đa số ý kiến đánh giá những điểm mới trong Dự thảo Quy chế thi THPT Quốc gia 2017 là cần thiết và hợp lý. Theo TS Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, chia sẻ trên báo Giáo dục & Thời đại, việc giao chủ trì cụm thi THPT quốc gia về cho Sở GD&ĐT là phù hợp với nhiệm vụ quản lý chuyên môn của các Sở và cách tổ chức cụm thi thi tại tỉnh, với các điểm thi bố trí phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những khó khăn, tốn kém cho thí sinh.
Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia tăng cơ hội vào đại học
Nhận xét về dự thảo quy chế thi THPT quốc gia, nhiều lãnh đạo trường THPT đều chung nhận định: Thí sinh được tạo thêm ... |
Ông Huấn cho rằng, việc Bộ GD&ĐT điều động cán bộ, giảng viên của các trường Đại học, Cao đẳng đến các cụm thi để phối hợp, hỗ trợ công tác tổ chức thi; thực hiện việc giám sát in sao đề thi, coi thi, chấm thi và phúc khảo giúp kết quả kì thi sẽ đảm bảo đủ độ tin cậy, làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ yên tâm sử dụng để xét tuyển.
Theo dự thảo Quy chế thi THPT Quốc gia, thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội), điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre đánh giá quy định như vậy là mềm dẻo, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Theo ông Huấn, quy định này vừa tạo điều kiện để phát huy năng lực, thế mạnh cá nhân riêng của từng thí sinh lại vừa thực hiện được yêu cầu tránh học tủ, học lệch.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Huấn cho rằng quy định mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề thi riêng tạo nên băn khoăn, lo lắng về độ tương đồng của các câu hỏi không giống nhau. Theo ông Huấn, các câu hỏi khác nhau chỉ cần dễ hoặc khó hơn một tí thì sẽ không đảm bảo độ đồng nhất trong đánh giá thí sinh. TS Huấn cũng lo ngại quy định này cũng tạo nên sự khó khăn, phức tạp trong in sao đề thi và coi thi.
Kỳ thi 2017: Dễ thử sức, và dễ... mất điểm
Những thay đổi lớn trong dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng 2017 vừa được Bộ GDĐT ... |
Theo TS Huấn, Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn cụ thể hơn việc tổ chức coi thi với lịch thi sao cho phù hợp, thuận lợi nhất đồng thời hạn chế những khó khăn, tốn kém, áp lực không cần thiết cho những người tham gia coi thi và thí sinh.
Theo Dự thảo này, ở bài thi Khoa học xã hội gồm 3 phần thi là Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, nhưng các thí sinh hệ giáo dục thường xuyên chỉ thi 2 phần là Lịch sử và Địa lý. Nhiều ý kiến băn khoăn liệu có đề thi môn tự chọn riêng cho học sinh hệ giáo dục thường xuyên hay không và cần có các quy định rõ đối với quá trình thi của thí sinh.
Ông Phan Vĩnh Thái, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Tự Minh, tỉnh Thái Nguyên băn khoăn khi chia sẻ trên VOV: “Trong cùng một buổi thi có 3 môn như thế, phương án học sinh đến điểm thi và ra điểm thi, thu bài như thế nào? Hiện nay trong quy chế chưa nói rõ. Tôi nghĩ đấy cũng là một khó khăn, vì thời gian thi của 3 môn này là tổng 150 phút, thì thời gian để thu bài và tổ chức cho học sinh vào phòng thi không thể là 150 phút được”.
Bên cạnh đó, có câu hỏi về việc số bài thi để xét tốt nghiệp giữa học sinh hệ giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên là khác nhau thì bằng tốt nghiệp cấp cho học sinh có khác nhau hay không.