Nhiều 'điểm nóng' về giá đất trong năm 2022 tại Lâm Đồng

Theo Sở TN&MT Lâm Đồng, ở những khu vực được đầu tư chỉnh trang, nâng cấp các khu vực đô thị hiện có thì giá đất sẽ có những biến động nhất định như TP Đà Lạt và các đô thị dọc tuyến QL20, cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương,…

Sẽ có biến động nhất định về giá ở nhiều khu vực

Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng có công văn về việc đánh giá tình hình nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản.

Theo đó, Sở này cho rằng, dự báo xu hướng và mức độ biến động giá đất thị trường trên địa bàn tỉnh có thể sẽ tiếp tục diễn biến như năm 2021 vừa qua, khả năng cũng sẽ không có biến động đột biến lớn về giá có tính chất ‘’bong bóng’’ hoặc các diễn biến bất thường khác.

Tuy nhiên, ở những khu vực được đầu tư chỉnh trang, nâng cấp các khu vực đô thị hiện có thì sẽ có những biến động nhất định. Nhưng mức độ biến động về giá đất thị trường dự báo cũng sẽ không có đột biến lớn, vượt tầm kiểm soát.

Cụ thể các khu vực có sự biến động về giá đất là TP Đà Lạt và các đô thị dọc tuyến QL20; các khu đô thị và khu dân cư mới trên địa bàn huyện Đức Trọng và TP Đà Lạt; các công trình trọng điểm quốc lộ 27, 28B (Lương Sơn - Đại Ninh), cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương,… 

Hiện tại các dự án này tiếp tục được đẩy nhanh công tác hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để triển khai thi công và sớm đi vào hoạt động.

Thông tin từ Sở Xây dựng Lâm Đồng, trong năm 2022, tỉnh sẽ triển khai Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng năm 2030; Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch hàng năm cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện việc phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm.

Đồng thời, tỉnh sẽ tạo cơ chế chính sách nhằm kêu gọi đầu tư phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Sở Xây dựng nhận định đây sẽ là cơ sở tác động tích cực đến thị trường tại các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các chủ đầu tư, sàn giao dịch cần có các chính sách kịp thời để thu hút và khai thác hiệu quả.

Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát triển. Các địa phương được nhắm đến sẽ là các đô thị như TP Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà,… do có tiềm năng hạ tầng và thương mại

Năm sôi động của thị trường BĐS

Về diễn biến thị trường BĐS năm 2021, Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết Nghị quyết về phương án đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được thông qua đã có những ảnh hưởng tích cực đến thị trường, đặc biệt là huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc.

Nhiều điểm nóng về giá đất trong năm 2022 tại Lâm Đồng - Ảnh 1.

TP Đà Lạt. (Ảnh: lamdonggov).

Thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong cả năm 2021, địa bàn tỉnh có lượng giao dịch với 36.549 lô đất nền, 3.035 căn nhà và 48 căn hộ chung cư. Riêng phân khúc căn hộ, nguồn cung đến từ 11 dự án với 2.939 căn. 

Trong đó, quý I và quý II/2021, địa bàn tỉnh ghi nhận lượng lớn giao dịch bất động sản (đặc biệt là đất nền) với 24.531 giao dịch đã thông qua công chứng.

Tuy nhiên, trong quý III và quý IV/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng giao dịch bất động sản tại Lâm Đồng giảm 38% so với tổng hai quý trước, đạt 15.101 giao dịch. 

Cũng trong năm qua, trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều "ông lớn" như Hưng Thịnh, Đèo Cả, T&T, Tân Hoàng Minh, Ecopark, Novaland, FLC, Him Lam,... cùng hàng chục doanh nghiệp BĐS khác kéo về khảo sát, đề xuất đầu tư loạt dự án quy mô lớn trên các loại hình du lịch sinh thái, dịch vụ nghỉ dưỡng, khu đô thị.

Gần đây nhất, liên danh Tập đoàn Hưng Thịnh - CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung đề xuất chủ trương cho phép nghiên cứu lập quy hoạch khu vực quy hoạch 15.000 ha tại huyện Lâm Hà.  

Ở TP Đà Lạt, Sở Xây dựng vừa đề xuất UBND tỉnh này cho phép Tân Hoàng Minh nghiên cứu, khảo sát lập ý tưởng, phương án quy hoạch khu đất lên tới 4.319,5 ha ở xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt.

Nhiều nguy cơ khiến thị trường phát triển nóng, kém bền vững

Ngoài những tác động tích cực, Sở Xây dựng cho biết việc có nhiều nhà đầu tư quan tâm, tham gia thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là phân khúc đất nền cũng tiềm ẩn những nguy cơ khiến thị trường phát triển nóng, kém bền vững, rủi ro cho những nhà đầu tư.

Cụ thể là tình trạng rầm rộ phân lô, bán nền và san ủi, thi công xây dựng tại các dự án "tự xưng" và người dân tự đầu tư hạ tầng, hiến đất nhằm mục đích phân lô, tách thửa để phục vụ lợi ích cá nhân trên địa bàn huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc vẫn diễn biến phức tạp.

Mặc dù từ tháng 10, Công an tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc điều tra các vi phạm về việc hiến đất làm đường để phân lô, tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc. Tuy nhiên, tình trạng này hiện nay vẫn diễn ra với quy mô lớn tại Bảo Lộc và Bảo Lâm, cùng một số vùng lân cận đã tạo nên cơn "sốt đất" ở vùng nguyên liệu chè và cà phê lớn nhất tỉnh Lâm Đồng.

Thời gian vừa qua, qua việc kiểm tra, rà soát các dự án có sử dụng đất trên địa bàn, tỉnh Lâm Đồng đã chấm dứt hoạt động, thu hồi 44 dự án và xử lý 71 dự án chậm đưa đất vào sử dụng.

Trước tình trạng đó, UBND tỉnh đã ban hành hai quyết định về phê duyệt Đề án chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản và quyết định phê duyệt điều kiện tách thửa, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tổi thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.

Các quyết định này nhằm siết chặt việc thực hiện các quy định về quản lý đất đai, chấn chỉnh về việc hiến đất làm đường, tách thửa, phân lô, bán nền trái quy định; đồng thời hạn chế việc mua bán, chuyển nhượng đất xảy ra tràn lan, hạn chế giới đầu cơ lợi dụng kẻ hở để trục lợi, thổi phồng giá đất lên cao, gây hoang mang trong dư luận.

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.