Nhiều doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần sau, cao nhất 40% ở một ngân hàng

Trong tuần từ ngày 19/2 đến 23/2, thị trường chứng khoán có 8 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu, trong đó tỷ lệ cao nhất là 40% cổ phiếu thưởng của một ngân hàng.

Không lâu sau đợt phát hành cổ phiếu chia cổ tức để tăng vốn lên 2.244 tỷ đồng, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) tiếp tục tạm ứng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt (2.000 đồng/cp). Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 20/2, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/2.

Với số cổ phiếu đang lưu hành là 224,4 triệu đơn vị, ước tính công ty xuất khẩu cá tra này sẽ chi gần 449 tỷ để tạm ứng cổ tức đợt này. Thời gian dự kiến thanh toán vào ngày 29/2. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận giữ lại chưa phân phối đến ngày 30/6/2023.

Nguồn: Tổng hợp từ Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên của công ty.

Năm vừa rồi, ngành thủy sản nói chung và Vĩnh Hoàn nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu sang các thị trường do thiếu đơn hàng. Đồng thời, giá cá tra xuất khẩu liên tục giảm, điển hình là giảm 21 - 42% tại thị trường Mỹ, giảm 10 - 20% tại thị trường Trung Quốc và châu Âu.

Cả năm 2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần gần 10.079 tỷ đồng và lãi ròng 950 tỷ đồng, giảm lần lượt 25% và 53% so với cùng kỳ năm 2022.  Doanh nghiệp này mới thực hiện được 88% mục tiêu doanh thu và 95% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Theo các nhà phân tích, mặc dù lượng tồn kho ngành thực phẩm của Mỹ - thị trường xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn đã giảm xuống từ đầu quý III/2023 nhưng vẫn duy trì ở mức cao, do đó nhu cầu nhập khẩu thực phẩm có thể sẽ vẫn còn chậm.

Ngoài ra, giá xuất khẩu cá tra vào Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu đảo chiều rõ rệt, hiện chỉ đang giao dịch quanh mức bình quân 2.750 - 2.950 USD/tấn, giảm 28% so với quý I/2023 và 38 - 46% so với quý III/2022. Do đó, kết quả kinh doanh quý I/2024 của các công ty cá tra như Vĩnh Hoàn được dự báo sẽ khó có sự đột biến khi kênh xuất khẩu vẫn ảm đạm.

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PG Bank - Mã: PGB) là nhà băng duy nhất sẽ chốt quyền chia cổ phiếu trong tuần sau. Công ty này định phát hành 120 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10:4, tức sở hữu cứ 10 cổ phiếu sẽ được nhận 4 cổ phiếu mới phát hành thêm.

Nguồn vốn thực hiện việc chia cổ phiếu thưởng được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế (gần 1.267 tỷ đồng) và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (318 tỷ đồng) theo báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán. 

Nếu thành công, vốn điều lệ của PG Bank sẽ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/2.

CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (Mã: HGM) thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức đợt 2/2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 35% (3.500 đồng/cp). Ngày giao dịch không hưởng quyền 23/2.

Với hơn 11,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính HGM cần chi gần 42 tỷ đồng để tạm ứng cho đợt cổ tức này. Thời gian chi trả vào ngày 25/3.

Tính đến cuối năm 2023, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu gần 5,9 triệu cổ phiếu HGM, tương ứng tỷ lệ 46,6%, Như vậy ước tính SCIC thu về hơn 20 tỷ đồng từ đợt cổ tức này.

Trước đó vào cuối tháng 12/2023, HGM đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 với tỷ lệ 10% (1.000 đồng/cp). Như vậy, số tiền cho cả hai đợt trả cổ tức năm 2023 của HGM ước tính khoảng gần 54 tỷ đồng, tương ứng với tổng tỷ lệ là 45%.

CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico - Mã: SVC) thông báo ngày 22/2 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ là 5%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 500 đồng.

Với hơn 66,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Savico cần chi hơn 33,3 tỷ đồng cho đợt tạm ứng cổ tức lần này. Dự kiến cổ đông sẽ nhận được tiền trả cổ tức vào ngày 29/2.

Trong cơ cấu cổ đông, Công ty TNHH SVC Holdings hiện là công ty mẹ của SVC với tỷ lệ là 54,08% vốn còn  Tổng công ty Bến Thành sở hữu 40,79%. Như vậy hai tổ chức này sẽ nhận về lần lượt hơn 18 tỷ đồng và 14 tỷ đồng trong đợt cổ tức này.

Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Savico đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 với tỷ lệ cổ tức bằng tiền tối thiểu 7%, tức có thể nhận ít nhất 700 đồng/cp.

Ngày 8/3, CTCP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (Mã: HTL) sẽ tạm ứng trả cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền với 2.000 đồng/cp. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 20/2 và ngày đăng ký cuối cùng là 21/2.

Với 12 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Ô tô Trường Long sẽ chi 24 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức.

Trên thị trường chứng khoán, từ đầu tháng 2 tới nay, giá cổ phiếu HTL đã có 6 phiên tăng kịch trần liên tiếp. Chốt phiên 16/2, giá HTL đã ở 18.900 đồng/cp, tăng 45% trong so với đầu tháng. Ban lãnh đạo giái trình đây là vấn đề cung - cầu thị trường chứng khoán, công ty vẫn hoạt động bình thường.

Ngày 6/3 tới đây, CTCP Công trình đô thị Sóc Trăng (Mã: USD) sẽ tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền với 1.040 đồng/cp. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/2, tương ứng ngày đăng ký cuối cùng là 20/2. Với 5,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty sẽ chi hơn 5,6 tỷ đồng để thanh toán cổ tức.

 Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của doanh nghiệp.

chọn
Đấu giá đất bất thường tại Hà Nội: Cần làm rõ hành vi và động cơ trục lợi hay phá hoại?
Liên tiếp các phiên đấu giá đất bất thường xảy ra tại Hà Nội đang đặt ra yêu cầu với cơ quan chức năng liên quan trong việc cần làm rõ hành vi và động cơ trục lợi hay phá hoại?