28 doanh nghiệp sắp chốt quyền chia cổ tức, tỷ lệ cao nhất 127% bằng tiền và cổ phiếu thưởng

Trong tuần đầu tiên của tháng 9, thị trường có 28 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu, bằng tiền mặt và cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Trong đó Sơn Đồng Nai là đơn vị chốt ngày chia cổ tức cao nhất với tổng tỷ lệ 127%. Trong phiên cuối cùng của tháng 8, cổ phiếu SDN đã bật tăng kịch trần sau chuỗi phiên giao dịch ảm đạm.

CTCP Sơn Đồng Nai (Mã: SDN) là đơn vị sẽ chốt ngày chia cổ tức cao nhất tuần này với tổng tỷ lệ 127%, trong đó 27% bằng tiền mặt (2.700 đồng/cp). Thời gian thực hiện là 20/9, ngày giao dịch không hưởng quyền là 5/9. Bên cạnh đó, công ty dự kiến phát hành hơn 1,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông với tỷ lệ 1:1 (cổ đông cứ sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới).

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, cổ phiếu SDN bật tăng kịch trần lên 52.200 đồng/cp sau nhiều phiên giá đi ngang và hầu như không có thanh khoản.

CTCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC) cũng chốt 5/9 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức còn lại của năm 2022 bằng tiền với 20% (2.000 đồng/cp). Ước tính công ty chi gần 48 tỷ đồng để hoàn tất đợt trả cổ tức này. Thời gian thanh toán dự kiến là 20/11.

Trước đó, vào cuối tháng 6, NTC đã chia cổ tức bằng tiền đợt 1/2022 cho cổ đông với tỷ lệ 60% (6.000 đồng/cp). Như vậy, tổng tỷ lệ NTC chia cổ tức bằng tiền năm 2022 cho cổ đông lên đến 80%, tương đương 8.000 đồng/cp, tổng số tiền trả cổ tức gần 192 tỷ đồng.

Trong cơ cấu cổ đông của NTC, CTCP Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 32,85% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) và CTCP Đầu tư Sài VRG (Mã: SIP) nắm giữ lần lượt 20,42% và 19,95% vốn tại NTC.

Nguồn: Tổng hợp từ Nghị quyết HĐQT của công ty.

CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã: SIP) cũng vừa thông báo 8/9 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 45% và đồng thời thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 55%. Như vậy mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 100 cổ phiếu mới. Sau phát hành, vốn điều lệ của Đầu tư Sài Gòn VRG sẽ tăng từ 909,4 tỷ đồng lên 1.818,8 tỷ đồng.

Tại Hội thảo kết nối doanh nghiệp trước thềm chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE diễn ra tháng 7, ông Lư Thanh Nhã, Tổng giám đốc chia sẻ: “Công ty không có kế hoạch huy động vốn trong 1 đến 3 năm tới. Trong đó, ngay sau khi niêm yết trên sàn HOSE, công ty sẽ chốt danh sách thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 để tăng vốn điều lệ”.

Ngày 8/8, Đầu tư Sài Gòn VRG đã chính thức đưa hơn 90,9 triệu cổ phiếu niêm yết lên HOSE với giá chào sàn là 116.500 đồng/cp.

Cũng trong tuần tới, CTCP Cao su Phước Hoà (Mã: PHR) thông báo ngày 8/9 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức còn lại của năm 2022 với 1.950 đồng/cp. Thời gian thanh toán vào ngày 25/12.

Như vậy, với gần 135,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Cao su Phước Hoà sẽ chi khoảng 264 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông. Trước đó, Công ty đã trả cổ tức đợt 1/2022 cho cổ đông tỷ lệ 40%.

Cổ đông lớn nhất của Cao su Phước Hoà là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Với việc sở hữu hơn 90,2 triệu cổ phiếu, tập đoàn dự kiến thu về 176 tỷ đồng cổ tức từ PHR đợt này.

Ngày 8/9 tới đây, Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3 - Mã: PGV) sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 14,5% (1.450 đồng/cp). Tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/9. Ngày thanh toán dự kiến là 5/10.

Với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, EVNGENCO3 phải chi 1.595 tỷ đồng để trả cổ tức. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể nhận về 1.582 tỷ đồng khi nắm giữ 99,19% vốn điều lệ.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông EVNGENCO3 đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu nhận được 2.000 đồng). Trước đó, vào tháng 12/2022, công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 5,5% (1 cổ phiếu nhận được 550 đồng).

 Nguồn: Tổng hợp từ HOSE, HNX.

chọn
Đấu giá đất bất thường tại Hà Nội: Cần làm rõ hành vi và động cơ trục lợi hay phá hoại?
Liên tiếp các phiên đấu giá đất bất thường xảy ra tại Hà Nội đang đặt ra yêu cầu với cơ quan chức năng liên quan trong việc cần làm rõ hành vi và động cơ trục lợi hay phá hoại?