Nhiều dự án tổng vốn 120.000 tỷ đồng sẽ rót vào Ninh Thuận

Lãnh đạo Ninh Thuận trao quyết định chấp thuận chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư, bản ghi nhớ dự án, với tổng vốn 120.000 tỷ đồng của 14 doanh nghiệp muốn đầu tư vào địa phương.

Nội dung diễn ra tại công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận, ngày 28/4.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, trao quyết định cho nhà đầu tư. (Ảnh: Nhật Bắc).

Trong số các dự án, có 7 dự án nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm ba dự án trong lĩnh vực sản xuất gồm dự án Nhà máy dệt nhuộm Ninh Thuận của Công ty TNHH Sợi Đà Lạt (637,9 tỷ đồng); dự án Nhà máy may Hoàng Thành Đô Lương của Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Thành Đô Lương (200 tỷ đồng); dự án Nhà máy sản xuất nước giải khát của Công ty cổ phần Nước giải khát nhiệt đới Sài Gòn (100 tỷ đồng).

Hai dự án về năng lượng gồm Dự án Nhà máy điện gió Phước Hữu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (1.730 tỷ đồng); Dự án Công trình phong điện Việt Nam Power số 1 của Công ty Palatial Global Inc (1.700 tỷ đồng)...

UBND Ninh Thuận cũng trao bản ghi nhớ đăng ký đầu tư đối với 7 dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam cho biết Ninh Thuận cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, khảo sát và thực hiện dự án.

Theo quy hoạch công bố, Ninh Thuận xác định chọn năm cụm ngành đột phá, gồm: năng lượng và năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao...

Cùng đó, tỉnh tập trung khai thác các tiềm năng về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối...). Địa phương cố gắng đến năm 2030 năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP và giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm ở tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ công bố quy hoạch. (Ảnh: Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đây là bản quy hoạch có tính kế thừa quy hoạch cũ. Năm 2010, Ninh Thuận từng thuê Công ty Monitor (Mỹ) thực hiện quy hoạch tỉnh và đây cũng là cơ sở thực hiện bản quy hoạch mới tốt hơn.

Theo Thủ tướng, qua 10 năm thực hiện bản quy hoạch đầu tiên, Ninh Thuận đã vươn lên trong điều kiện khó khăn, từ một tỉnh nghèo trong nhóm chậm phát triển nay đã vào nhóm phát triển trung bình. Tỉnh cần tỉnh cần triển khai bản quy hoạch có trọng tâm, trọng điểm, triển khai những việc cần ưu tiên trước để tạo động lực phát triển đột phá.

Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, trung tâm tỉnh lỵ của Ninh Thuận. (Ảnh: Việt Quốc).

Ninh Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Tỉnh có cảng biển nước sâu Cà Ná khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 300.000 tấn; nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là quốc lộ 1A, cao tốc và đường sắt Bắc - Nam và quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên.

Năm 2023, quy mô GRDP của tỉnh đạt 52.753 tỷ đồng, tăng 5,97 lần so năm 2010. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2010-2023 đạt bình quân 8,6%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân cả nước.

chọn
Lỗ lũy kế của Tập đoàn Đại Dương lên hơn 2.577 tỷ đồng, vẫn đang giải thể hai công ty BĐS
Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (MCK: OGC) đã công bố BCTC hợp nhất quý I với kết quả kinh doanh tiếp tục không mấy khả quan.