Nhiều qui hoạch liên quan tới thị trường bất động sản chính thức hết hiệu lực

Nhiều qui hoạch liên quan trực tiếp tới lĩnh vực bất động sản chính thức hết hiệu lực như Qui hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020; Qui hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030...

Nhiều qui hoạch liên quan trực tiếp tới lĩnh vực bất động sản chính thức hết hiệu lực như qui hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020; qui hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030...

Chính phủ vừa ban hành Danh mục 24 qui hoạch các ngành nghề hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật qui hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Trong 24 qui hoạch hết hiệu lực trên, có nhiều qui hoạch liên quan trực tiếp tới lĩnh vực bất động sản như qui hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020; qui hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; qui hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030.

Nhiều qui hoạch liên quan tới thị trường bất động sản chính thức hết hiệu lực - Ảnh 1.

Qui hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 hết hiệu lực. (Ảnh minh họa: Vietnamgolf).

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương rà soát ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đảm bảo đồng bộ với các qui hoạch hết hiệu lực để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng qui hoạch sân golf hiện tại đang tạo ra sự lệch pha giữa cung và cầu, kìm hãm sự phát triển của thị trường golf Việt.

Theo Quyết định ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về qui hoạch sân golf Việt Nam, đến năm 2020 cả nước có 89 sân golf, tập trung chủ yếu ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ với 29 dự án, tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ 21 dự án, đồng bằng sông Hồng 16 dự án, vùng Trung du miền núi phía Bắc 11 dự án, Tây Nguyên 8 dự án và đồng bằng sông Cửu Long 4 dự án.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, chính sách qui hoạch sân golf bắt đầu bộc lộ những điểm bất cập.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tới đầu năm 2019, cả nước mới chỉ có gần 30 dự án golf được thực hiện và đưa vào khai khác, trong đó có sân golf hoạt động hiệu quả, có sân không hiệu quả, vắng khách. Có tỉnh xin rút sân golf khỏi qui hoạch, có tỉnh lại muốn xin xây thêm sân golf…

Hồi giữa năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng phát biểu rằng: "qui hoạch sân golf là một loại qui hoạch sản phẩm không cần thiết và Bộ sẽ đề xuất sửa đổi theo hướng bỏ qui hoạch này".

Cụ thể, ông Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Quốc hội Luật qui hoạch, theo hướng để các địa phương quyết định và chuyển việc phê duyệt dự án sân golf thành dự án đầu tư có điều kiện.

"Nguyên tắc lập dự án đầu tư sân golf phải tuân thủ nhiều điều kiện, như không được sử dụng đất lúa, không sử dụng đất quốc phòng an ninh, không sử dụng đất bảo tồn văn hóa… Cùng với đó, việc xây 5 sân hay 10 sân là do địa phương quyết định, hiệu quả do nhà đầu tư tính toán chứ Nhà nước không nên can thiệp", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói.

24 Qui hoạch hết hiệu lực gồm:

1- Qui hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

2- Qui hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020;

3- Qui hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việc nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

4- Qui hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có xét đến 2030;

5- Qui hoạch phát triển ngành vật liệu nổ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

6- Qui hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

7- Qui hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030;

8- Qui hoạch tổng thể phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

9- Qui hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;

10- Qui hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

11- Qui hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030;

12- Qui hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020;

13- Qui hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

14- Qui hoạch phát triển hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

15- Qui hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng trên đường bộ thời kỳ qui hoạch 2020 - 2030;

16- Qui hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

17- Qui hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

18- Qui hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

19- Qui hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

20- Qui hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

21- Qui hoạch phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

22- Qui hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2020;

23- Qui hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

24- Qui hoạch xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp giai đoạn 2013 - 2020.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.