Nhiều vùng nông thôn sắp lên đô thị ở Thái Nguyên

Theo quy hoạch, Thái Nguyên sắp có nhiều vùng nông thôn lên đô thị, nhiều xã sẽ lên thị trấn, huyện Đại Từ và huyện Phú Bình tương lai sẽ lên thị xã...

Đã mở rộng, sáp nhập nhiều địa phương

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, tỉnh này có diện tích 352.196 ha với ba thành phố (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) và 6 huyện (Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình).

Tính đến năm 2022, hệ thống đô thị tỉnh Thái Nguyên gồm 13 đô thị, được chia thành hai cấp là đô thị thuộc tỉnh và đô thị thuộc huyện. Ba đô thị trực thuộc tỉnh là TP Thái Nguyên, TP Sông Công và thị xã Phổ Yên. 10 đô thị trực thuộc huyện gồm 6 thị trấn huyện lỵ và 4 đô thị chuyên ngành thuộc huyện.

Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã có sự điều chỉnh, phát triển mở rộng không gian đô thị và thay đổi về số lượng đô thị.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, TP Thái Nguyên đã được phát triển mở rộng thêm 5.243,8 ha (phía bắc được sáp nhập thêm xã Sơn Cẩm; phía Đông là thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn, xã Huống Thượng và xã Đồng Liên).

TP Sông Công được phát triển mở rộng thêm xã Lương Sơn (trước đây thuộc TP Thái Nguyên).

 Một góc Thái Nguyên. (Ảnh minh họa: Báo Xây dựng).

Tại thị xã Phổ Yên, khu vực nội thị đang được phát triển mở rộng, trong đó tập trung mạnh về phía đông, thuộc khu đô thị công nghiệp, dịch vụ Yên Bình. Có hai đô thị loại V trước đây là thị trấn Bắc Sơn và thị trấn Bãi Bông đều đã chuyển thành phường thuộc thị xã Phổ Yên.

Đối với các đô thị cấp huyện, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) và thị trấn Đu (Phú Lương) đã được thực hiện điều chỉnh không gian đô thị sang các xã lân cận để từng bước phát triển nâng cấp đô thị; thành lập thị trấn mới là thị trấn huyện lỵ của huyện Đồng Hỷ tại xã Hóa Thượng.

Thêm nhiều vùng nông thôn sẽ lên đô thị

Theo hồ sơ quy hoạch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được UBND tỉnh này công bố, giai đoạn từ nay đến năm 2030 tỉnh này sẽ có thêm nhiều đô thị mới, trong đó nhiều đô thị hiện tại sẽ được đưa lên cấp đô thị mới và nhiều vùng sẽ từ nông thôn lên đô thị.

Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2025 tỉnh Thái Nguyên sẽ có 17 đô thị, trong đó có 4 đô thị mới. Giai đoạn 2026 - 2030, thái nguyên sẽ tích hợp một số đô thị trong giai đoạn trước thuộc huyện Phú Bình và huyện Đại Từ để đưa hai huyện này lên thị xã. Khi đó, toàn tỉnh Thái Nguyên sẽ còn 15 đô thị.

Lộ trình phát triện mạng lưới đô đô thị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cụ thể như sau:

Với TP Thái Nguyên, đến năm 2030 vẫn là đô thị loại I như hiện nay. 

Với TP Sông Công và TP Phổ Yên, sẽ được đưa từ đô thị loại III hiện nay lên đô thị loại II trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và giữ nguyên trong giai đoạn 2026 - 2030.

Tại huyện Đại Từ, hiện tại có hai đô thị là thị trấn Hùng Sơn (loại IV) và thị trấn Quân Chu (loại V). Trong giai đoạn đến năm 2025, huyện Đại Từ giữ nguyên loại đô thị như hiện tại đối với Quân Chu và Hùng Sơn, đồng thời đưa hai xã là Yên Lãng và Cù Vân lên thành hai đô thị mới - đô thị loại V. Giai đoạn 2026 - 2030, cả 4 đô thị Hùng Sơn, Quân Chu, Yên Lãng và Cù Vân cùng trở thành đô thị loại IV, đồng thời tích hợp với nhau để thành lập thị xã Đại Từ.

Tại huyện Phú Bình, hiện tại có một đô thị là thị trấn Hương Sơn (loại V). Giai đoạn đến năm 2025, Hương Sơn sẽ lên đô thị loại IV. Cũng trong giai đoạn này, xã Điềm Thụy sẽ được phát triển lên thị trấn, thành đô thị mới - loại V. Giai đoạn 2026 - 2030, Hương Sơn và Điềm Thụy cùng là đô thị loại IV và tích hợp để đưa Phú Bình lên thị xã.

Tại huyện Đồng Hỷ, hiện có ba đô thị loại V là các thị trấn Trại Cau, Sông Cầu, Hóa Thượng. Trong đó, Trại Cau và Sông Cầu giữ nguyên loại đô thị này cho đến năm 2030, Hóa Thượng sẽ được đưa lên đô thị loại IV trong giai đoạn đến năm 2025 và giữ nguyên cấp này đến năm 2030. Ngoài ba đô thị này, giai đoạn 2026 - 2030, huyện Đồng Hỷ sẽ có một đô thị loại V mới, đó là xã Quang Sơn hiện nay sẽ thành thị trấn.

Tại huyện Phú Lương, hiện có hai đô thị loại V là thị trấn Đu và thị trấn Giang Tiên. Thị trấn Đu sẽ được đưa lên đô thị loại IV trong giai đoạn đến năm 2025 và giữ nguyên cấp này ở giai đoạn 2026 - 2030. Thị trấn Giang Tiên giữ nguyên loại V đến năm 2030.

Tại huyện Võ Nhai, hiện thị trấn Đình Cả là đô thị loại V. Định Cả giữ nguyên loại V đến năm 2030. Giai đoạn từ nay đến 2025, xã La Hiên sẽ lên thị trấn, thành đô thị loại V và giữ nguyên loại đô thị này đến năm 2030.

Tại huyện Định Hóa, hiện có một đô thị là thị trấn Chợ Chu (loại V). Chợ Chu sẽ phát triển thành đô thị loại IV trong giai đoạn đến năm 2025, giữ nguyên ở giai đoạn sau đó. Giai đoạn 2026 - 2030, Định Hóa sẽ có thêm xã Bình Yên được phát triển lên thị trấn, đạt đô thị loại V.

Mục tiêu đô thị hóa 61,7%, tầm nhìn lên thành phố thuộc trung ương

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hôm 14/3 vừa qua, mục tiêu đến năm 2025, Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thú đô Hà Nội.

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Thái Nguyên đạt khoảng 8% đến 8,5%/năm; quy mô kinh tế đạt khoảng 13,5 tỷ USD; tồng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 45 tỷ USD.

GRDP bình quân/người đạt khoảng 8.900 USD (giá hiện hành). Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 1,52 triệu người.

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 48,5%, đến năm 2030 đạt 61,7%.

Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc trung ương, là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước...

chọn
VKS đề nghị tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 'mức án nghiêm khắc nhất'
TP HCMTheo VKS, bà Trương Mỹ Lan phạm tội có tổ chức trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi... nên đề nghị tòa tuyên phạt "mức án nghiêm khắc nhất".