Theo thông tin từ Bộ Công an, ngày 8/9 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với bà Vũ Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (BĐS Nhật Nam) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bà Thúy sinh năm 1983, quê Thanh Hóa. Ngoài là lãnh đạo tại BĐS Nhật Nam, bà Thúy cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Sông Đà 1.01 (mã chứng khoán: SJC); Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam; Chủ tịch HĐQT CTCP Sông Đà Invest và là Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Nam Nhật Khang.
Ngoài Sông Đà 1.01 có tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, vừa về tay vợ chồng bà Thúy vào cuối năm 2022, các doanh nghiệp còn lại là BĐS Nhật Nam, Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam, Sông Đà Invest đều do bà Thúy góp vốn thành lập và Đầu tư Nam Nhật Khang do chồng bà - ông Phạm Khánh Phương (hay ca sĩ Khánh Phương) góp vốn thành lập.
Trong đó, ngoài BĐS Nhật Nam được thành lập vào năm 2019, ba doanh nghiệp còn lại đều được lập ra trong giai đoạn vợ chồng bà Thúy thâu tóm Sông Đà 1.01.
Bà Thúy thành lập BĐS Nhật Nam vào tháng 7/2019 với mô hình ban đầu là công ty trách nhiệm hữu hạn, lĩnh vực kinh doanh chính ban đầu là nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động, vốn điều lệ 50 tỷ đồng.
Chưa đầy một tháng sau, BĐS Nhật Nam chuyển sang mô hình công ty cổ phần và tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng, bà Thúy là một trong những cổ đông sáng lập với tỷ lệ góp vốn 50%. Đến cuối tháng 9/2022, BĐS Nhật Nam giảm vốn điều lệ còn 80 tỷ đồng, địa chỉ trụ sở lúc này cũng được dời từ Hà Nội vào TP HCM.
Cũng vào cuối tháng 9/2022, chồng bà Thúy, ông Phương góp vốn thành lập Nam Nhật Khang với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, vốn điều lệ 88 tỷ đồng, ông Phương sở hữu 68% vốn.
Đến cuối tháng 11/2022, bà Thúy góp vốn thành lập Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam, ngành nghề chính là cũng kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, bà Thúy sở hữu 90% vốn.
Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam cũng là doanh nghiệp chủ đầu tư dự án căn hộ cao cấp ở Hà Nội mà các nhà đầu tư của BĐS Nhật Nam được giới thiệu chương trình góp vốn 12 tháng và được hứa hẹn mức lãi suất cao để lấy niềm tin, huy động vốn. Nhiều người sau đó đã có đơn tố cáo gửi các cơ quan báo chí, Công an TP Hà Nội việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi đầu tư vào công ty này, theo phản ánh của Báo Thanh niên.
Trong giai đoạn thành lập hai doanh nghiệp trên, bà Thúy, ông Phương cũng liên tục mua cổ phiếu SJC, trở thành nhóm cổ đông lớn mới của Sông Đà 1.01, trước khi tham gia vào Hội đồng quản trị công ty vào cuối tháng 12/2022.
Tháng 2 đầu năm nay, bà Thúy tiếp tục góp vốn thành lập một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khác là Sông Đà Invest, với tỷ lệ sở hữu là 98% vốn điều lệ.
CTCP Sông Đà 1.01 (mã chứng khoán: SJC) có tiền thân là Xí nghiệp Xây dựng Sông Đà 1.01, trực thuộc Công ty Sông Đà 1, được thành lập năm 2001 và cổ phần hóa vào năm 2003.
Trên thị trường bất động sản, Sông Đà 1.01 được biết đến với nhiều dự án tại Hà Nội như Chung cư Hemisco, Tòa nhà CT1 Văn Khê, Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở Viễn Đông Star (hay Eco Green Tower); Tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp Vinafor (hay Hanoi Landmark 51).
Song, năm 2022, Sông Đà 1.01 chỉ có doanh thu từ dịch vụ vận hành nhà chung cư và cho thuê tài sản, không có doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Thu không đủ bù chi, ngoài ra, năm 2022, công ty cũng ghi nhận lãi chậm trả cho Ban quản trị tòa nhà Hemisco làm tăng chi phí tài chính, do đó báo lỗ sau thuế gần 5,3 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, lỗ lũy kế của Sông Đà 1.01 là hơn 6,7 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng dư nợ vay tài chính là 528 tỷ đồng (phần lớn là nợ ngắn hạn), cao gấp 5,6 lần so với vốn điều lệ doanh nghiệp và chiếm 32% trong tổng nguồn vốn.
Lượng tiền mặt của Sông Đà 1.01 tại cuối năm 2022 ở mức 15,8 tỷ đồng. Hơn 85% tổng tài sản đều nằm ở hàng tồn kho, phần lớn là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang hơn 1.406 tỷ đồng.
Mới đây, cựu Giám đốc Điều hành của doanh nghiệp, ông Lê Hà Phương đã từ nhiệm với lý do công ty đã không thanh toán đầy đủ lương cho ông kể từ ngày ký hợp đồng cho đến thời điểm nộp đơn.
Trong bối cảnh này, giai đoạn cuối năm 2022, hàng loạt cổ đông lớn của Sông Đà 1.01 đã lần lượt rút vốn. Ở chiều ngược lại, từ ngày 23/6 - 25/11/2022, bà Thúy và cùng ông Phương đã mua tổng cộng 4,8 triệu cổ phiếu SJC, tương đương 69,04% vốn, trong đó, bà Thúy sở hữu 23,53% vốn và ông Phương sở hữu 45,51% vốn.
Đến ngày 31/12/2022, ông Phương, bà Thúy trúng cử vào HĐQT Sông Đà 1.01 nhiệm kỳ 2022 - 2027. Bà Thúy được bổ nhiệm làm tân Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp.
Cùng đợt vào HĐQT với vợ chồng bà Thúy còn có ông Nguyễn Văn Đức, ông Trịnh Văn Tôn và ông Tạ Văn Trung, trong đó, ông Tôn cũng đang là Phó Tổng Giám đốc BĐS Nhật Nam, còn ông Đức là Tổng Giám đốc Nam Nhật Khang, đồng thời là thành viên Ban chiến lược BĐS Nhật Nam.
Về phần ông Trung, đây là nhân sự cũ duy nhất của Sông Đà 1.01 tái tham gia HĐQT nhiệm kỳ mới này.
Sau hơn 5 tháng đầu tư vào SJC, ngày 31/3/2023, bà Thúy đã bán gần như toàn bộ hơn 1,6 triệu cổ phiếu SJC đang nắm giữ, giảm số lượng về còn 22 cổ phiếu và tỷ lệ sở hữu gần như về 0%. Chốt phiên ngày giao dịch, thị giá mã SJC ở mức 5.600 đồng/cp, thấp hơn gần 43% so với thời điểm bà Thúy đầu tư.
Ngược chiều, cùng ngày 31/3, Tập đoàn Sông Đà Nhật Nam đã trở thành cổ đông lớn mới của SJC sau khi mua 700.000 cổ phiếu SJC, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,09% lên 10,18% vốn điều lệ. Song, ngày 25/8 vừa qua, doanh nghiệp này cũng thoái toàn bộ vốn khỏi Sông Đà 1.01.
Cùng ngày 25/8, ông Phương cũng đẩy sạch số toàn bộ cổ phiếu SJC đang nắm giữ, sau nhiều lần giảm sở hữu từ đầu năm đến nay.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp do ông Phương góp 68% vốn và là Chủ tịch HĐQT là Nam Nhật Khang cũng đã đăng ký bán toàn bộ 958.600 cổ phiếu SJC (tương đương 13,82% vốn điều lệ). Thời gian dự kiến giao dịch là từ ngày 11/8 - 31/8, song hiện đơn vị này chưa công bố kết quả giao dịch.
Trong ngày 30 và 31/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và Quyết định tạm giữ đối với bà Vũ Thị Thúy - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (BĐS Nhật Nam) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bộ Công an cho biết, qua quá trình điều tra, bước đầu xác định bà Thúy (từng có một tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án, cam kết trả lãi suất từ 34 - 46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh rồi lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước. Qua đó, bà Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 10.000 cá nhân với tổng số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Vào sáng ngày 7/9, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03) Công an TP Hà Nội đã tạm giữ bà Thúy để phục vụ điều tra. Đến ngày 8/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với bà Thúy.