Nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất, thu hút FDI kì vọng duy trì tăng trưởng

Tình hình thu hút FDI của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020 tiếp tục khả quan nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất, bất chấp dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại, theo Mirae Asset.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, tình hình thu hút FDI của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020 có những tín hiệu khởi sắc nhờ làn sóng dịch chuyển sản xuất của các nhà máy từ Trung Quốc sang.

Tình hình thu hút và giải ngân vốn FDI trong 7 tháng đầu năm - Ảnh 1.

(Nguồn: Mirae Asset).

Đến giữa năm 2018, tình hình thu hút FDI bắt đầu tích cực và tiếp tục tăng trưởng đến năm 2020.

Cụ thể, tổng thu hút mới và tăng thêm đạt 2,02 tỉ USD, tăng vọt 60,0% so với tháng trước và tăng 49,3% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, FDI mới trong tháng 7/2020 duy trì ổn định so với tháng trước với 1,03 tỉ USD, tăng 19,2% so với cùng kì năm trước, trong khi FDI bổ sung đạt 992 triệu USD, tăng 102% so với cùng kì.

Trong giai đoạn 7 tháng đầu năm, tổng vốn đăng kí mới và tăng thêm ghi nhận 14,2 tỉ USD, tăng 21,2% so với năm ngoái. FDI đăng kí mới có 1.620 dự án (giảm 21,5% so với cùng kì) với tổng vốn đăng kí đạt 9,5 tỉ USD (tăng 14,4% so với cùng kì). 

Qui mô vốn đăng kí bình quân mỗi dự án đã tăng xấp xỉ 45,7% so với cùng kì năm ngoái. Bên cạnh đó, 619 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt 4,72 tỉ USD, so với cùng kì tăng 37,1%.

Tình hình thu hút và giải ngân vốn FDI trong 7 tháng đầu năm - Ảnh 2.

(Nguồn: Mirae Asset).

Về tình hình FDI thực hiện được trong 7 tháng đầu năm, ước tính đạt 10,1 tỉ USD, ghi nhận giảm 4,1% so với cùng kì năm 2019. Riêng FDI giải ngân trong tháng 7 được duy trì ổn định so với cùng kì năm ngoái với 1,45 tỉ USD.

Tình hình thu hút FDI được kì vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng nhờ vào các diễn biến tích cực như làn sóng tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu với xu hướng chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc và nhiều tập đoàn đa quốc gia từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ. Các quốc gia này đã xác nhận chuyển việc sản xuất sang Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, thiết bị điện tử…

Bên cạnh đó, Chính phủ đã có những biện pháp kịp thời, thu hút đầu tư, gỡ khó cho các doanh nghiệp nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản,...) về thuế, các thủ tục đầu tư khiến hình ảnh Việt Nam là một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Đồng thời, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ tạo cú hích lớn trong việc thu hút dòng vốn đầu tư từ EU.

Tình hình thu hút và giải ngân vốn FDI trong 7 tháng đầu năm - Ảnh 3.

(Nguồn: Mirae Asset).

Báo cáo của Mirae Asset cũng đề cập tới số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7.

Theo đó, trong tháng 7, số doanh nghiệp đăng kí mới giảm nhẹ 3,8% so với tháng trước, nhưng so với tháng 6, lượng vốn đăng kí tăng 72%.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, có 75.200 doanh nghiệp đăng kí mới (giảm 5,1%so với cùng năm ngoái), với tổng số vốn đăng kí đạt 936.400 tỉ đồng (so với cùng kì năm ngoái giảm 6,3%). 

Vốn đăng kí bình quân đạt 12,4 tỉ đồng (giảm 1,2% đối với cùng kì năm ngoái). 7 tháng đầu năm vừa qua có 28.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 17,6% so với cùng kì năm 2019. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lại tăng vọt lên 32.700 doanh nghiệp, tăng 41,5% so với cùng kì năm trước.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.