Những cuộc 'đào thoát pháp lý' trong phiên tòa xét xử hoa hậu Phương Nga

Theo dõi phiên tòa xét xử Hoa hậu Phương Nga, những người có chút ít hiểu biết pháp luật, sẽ không khó thấy những cuộc “đào thoát về pháp lý” trong phiên tòa này.

Phiên tòa xét xử Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung bị tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt 16,5 tỉ đồng của ông Cao Toàn Mỹ đã tạm thời khép lại với việc tòa thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho hai bị cáo tại ngoại thay vì tạm giam, đồng thời trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát TPHCM để điều tra, làm rõ một số vấn đề. Theo dõi phiên tòa, những người có chút ít hiểu biết pháp luật, sẽ không khó thấy những cuộc “đào thoát về pháp lý” trong phiên tòa này.

nhung cuoc dao thoat phap ly trong phien toa xet xu hoa hau phuong nga
LS Trần Thu Nam, bảo vệ quyền lợi cho ông Cao Toàn Mỹ, hỏi bị cáo Phương Nga tại phiên tòa. Ảnh: Nam Dương

Phủ nhận đưa tiền để nhận thư

Một tình tiết pháp lý khá bất ngờ và gây “chấn động”, khi tại tòa, nhân chứng Lữ Minh Nghĩa, người yêu của bị cáo Thùy Dung, đã khai nhận, thông qua sự giới thiệu của nhân chứng Nguyễn Mai Phương, một cán bộ quản giáo tên N của trại giam, đã nhận thư của Thùy Dung, được viết trên những tấm nilon từ trong trại giam và đưa cho Lữ Minh Nghĩa.

Theo nhân chứng Lữ Minh Nghĩa, mỗi lần gặp nhau để đưa thư, Nghĩa thường gặp quản giáo N này trên đường Nguyễn Trãi hay quán cà phê trên con đường này. Nhân chứng Lữ Minh Nghĩa đã nộp cho HĐXX một số bức thư này. Còn ông Cao Toàn Mỹ thì lại khai nhận, có lần Lữ Minh Nghĩa khoe thông qua những “kênh” quen biết, có lấy được những bức thư của bị cáo Thùy Dung viết từ trong trại giam đưa ra và mỗi bức thư như thế Nghĩa tốn 5 triệu đồng.

ưLời khai này phù hợp với khai nhận của bị cáo Thùy Dung, cán bộ N này nhận thư của cô đưa cho Nghĩa và thư của Nghĩa viết cho Thùy Dung gửi từ bên ngoài vào. Thậm chí, Thùy Dung còn nhắn cho Nghĩa, nhớ “gửi tiền cà phê” cho cán bộ quản giáo.

Về nguồn gốc của những bức thư, bị cáo Thùy Dung khai, nilon có được là do Thùy Dung dùng chỉ cắt vuông vức từ những bịch đựng cà, dưa do Căn-tin của trại tạm giam bán cho người bị giam giữ. Sau đó, bị cáo dùng bàn chải đánh răng mài nhọn, rồi viết trên đó gửi cho cán bộ N đem ra ngoài cho Lữ Minh Nghĩa.

Bị cáo Thùy Dung còn khai nhận, những người bị tạm giam cùng với cô cũng có biết điều này. Khi được HĐXX hỏi “có phải chi phí vật chất gì không cho cán bộ quản giáo để có được những bức thư này không?”, nhân chứng Lữ Minh Nghĩa, đã khai nhận là không, mà do cán bộ quản giáo đồng cảm với Phương Nga và Thùy Dung nên giúp đỡ (?!).

Cũng liên quan đến những bức thư nilon, nhân chứng Nguyễn Mai Phương lại khai nhận, bà Hồ Mai Phương (mẹ của Phương Nga) có được những bức thư này, bằng việc đưa cho một cán bộ quản giáo 50 triệu đồng, để nhờ lấy thư. Do mắt bà Hồ Mai Phương kém, nên đã gửi cho bà Nguyễn Mai Phương, đọc và “dịch hộ”, sau đó bà Nguyễn Mai Phương chụp hình, gửi cho bà Hồ Mai Phương qua Viber.

Khi được áp giải đến phiên tòa để khai nhận với tư cách người làm chứng, lúc ngồi trong phòng kín, bà Nguyễn Mai Phương đã công bố một đoạn ghi âm, trong đó có giọng người phụ nữ đề cập đến việc đưa 50 triệu đồng cho cán bộ quản giáo. Khai nhận tại tòa, bà Hồ Mai Phương đã phủ nhận việc đưa tiền để nhờ giúp đỡ.

Tại phiên tòa, Luật sư Trần Thu Nam, người bảo vệ quyền lợi của ông Cao Toàn Mỹ, đã đề nghị HĐXX xem xét khởi tố vụ án đưa nhận hối lộ vì đã có lời khai của nhân chứng, bị cáo về vấn đề này và có “vật chứng” được giao nộp. Chẳng biết thực hư về những là thư nilon này thế nào, nhưng HĐXX đã cho niêm phong những lá thư, đoạn ghi âm để giám định, và điều tra nhằm xem xét nguồn gốc của những bức thư này có đúng hay không và có hay không hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.

Một luật sư tham dự phiên tòa nhận xét: “Nếu việc đưa nhận thư là có thật, phải mất tiền mới có và nội dung thư nilon liên quan đến vụ án thì có dấu hiệu thông cung, xâm phạm hoạt động tư pháp và đưa nhận hối lộ. Những lời khai phủ nhận việc đưa tiền để được hỗ trợ, nhận thư của nhân chứng giống như cuộc “đào thoát về pháp lý”.

Luật sư lấy bằng chứng trên… Youtube

Trong một buổi xét xử, một vị luật sư khác bảo vệ cho ông Cao Toàn Mỹ, đã đề nghị được hỏi bị cáo Phương Nga. Trong phần hỏi này, vị luật sư đã xin phép HĐXX phát một đoạn ghi âm dài 2,5 phút. Trong đó có ghi nhận đoạn đối thoại đề cập đến việc Phương Nga nhờ ông Yên là người làm chứng. Do đoạn ghi âm khá ồn, không nghe rõ, nên chủ tọa phiên tòa đã đề nghị vị luật sư này cắt nửa chừng.

Vị luật sư tỏ ra “không vui” và đề nghị thư ký phiên tòa ghi vào trong biên bản vụ xử án là chỉ được phát nửa chừng. Sau khi nghe đoạn ghi âm, bị cáo Phương Nga cho rằng, cô không ghi âm, vợ chồng ông Yên không ghi âm, do đó chỉ có bà Nguyễn Mai Phương ghi âm. Còn luật sư, khi được HĐXX hỏi về nguồn gốc đoạn băng này, vị này trả lời là đã… “lấy trên Youtube”.

Khi đó, nhiều người trong phòng xử đã cười ồ lên. Chẳng biết thực hư đoạn ghi âm đó ở đâu ra, nhưng đến gần cuối phiên tòa, khi cho niêm phong một số tài liệu các nhân chứng, luật sư cung cấp, chủ tọa phiên tòa hỏi luật sư này có nộp đoạn ghi âm không, thì vị này đã từ chối.

Luật sư Trần Phi Đại, Đoàn luật sư TPHCM, phân tích: Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 (có hiệu lực đến 31.12.2017) quy định: Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. 2. Chứng cứ được xác định bằng: a) Vật chứng; b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; c) Kết luận giám định; d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Điều 65 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định: Để thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm…

Như vậy, băng ghi âm mà luật sư này cung cấp chỉ là nguồn chứng cứ. Nếu qua giám định mà xác định được đây là giọng nói của những người liên quan thì mới được coi là chứng cứ. Tuy nhiên, do nguồn chứng cứ này được cho biết lấy trên Youtbue thì sẽ khó được coi là nguồn chứng cứ hợp pháp. Mà nếu không tìm được nguồn chứng cứ sẽ không thể có chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.